Tại văn bản, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn các công trình kết cấu hạ tầng giao thông; rà soát hệ thống báo hiệu đường bộ để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp, đặc biệt tại các đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, nhất là các khu vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, các trục chính ra vào Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, các tuyến quốc lộ, các đầu mối giao thông trọng điểm. Các Cục Quản lý đường bộ kiểm tra, chỉ đạo các trạm thu phí đường bộ tổ chức phân luồng giao thông hợp lý, kịp thời xử lý, giải tỏa phương tiện, không để xảy ra ùn tắc tại các trạm thu phí; chủ động xả trạm (mở barie) để giải tỏa phương tiện khi xảy ra ùn tắc kéo dài.
Đồng thời, chỉ đạo các Sở Giao thông Vận tải, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách có phương án tổ chức vận tải phù hợp, bảo đảm năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải và tuân thủ nghiêm quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19; kiểm tra chặt chẽ điều kiện an toàn của phương tiện và lái xe trước khi xuất bến, nhắc nhở hành khách thắt dây an toàn khi được chở trên phương tiện.
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn đặc biệt trên đường cao tốc.
Các đơn vị chức năng kiên trì vận động người dân thực hiện: đã uống rượu bia không lái xe; không sử dụng điện thoại khi lái xe; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô; tuân thủ quy tắc giao thông; phòng ngừa tai nạn trên đường đèo dốc, trên những cung đường miền núi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, đường ngang đường sắt, đường thủy nội địa;
Cùng với đó, các Sở Giao thông Vận tải triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ được ủy thác và các tuyến đường địa phương quản lý; xây dựng phương án tổ chức giao thông hợp lý, nhất là trục chính ra vào Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, các đầu mối giao thông trọng điểm, các địa điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, các bến xe, bến tầu, nhà ga, các điểm đang thi công; kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông; tăng cường các điều kiện để bảo đảm cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố, tai nạn.
Các Sở Giao thông Vận tải rà soát, bổ sung đầy đủ hệ thống báo hiệu đường bộ, chú trọng tại các khu vực nguy hiểm; huy động mọi nguồn lực để xử lý triệt để các điểm đen về tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ được ủy thác và các tuyến đường địa phương quản lý, đặc biệt là các đoạn đường đèo dốc, xử lý ngay sự cố sạt lở, hư hỏng đường do mưa lũ gây ra.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải còn yêu cầu các Cục Quản lý đường bộ tăng cường khai thác, sử dụng dữ liệu thu được từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô để kiểm tra, xử lý theo quy định đối với các trường hợp vi phạm.
Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải giao các Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đẩy mạnh khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô nhằm tăng cường giám sát, kịp thời cung cấp dữ liệu cho các lực lượng chức năng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với chủ phương tiện và lái xe vi phạm. Các sở này tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, đặc biệt tập trung vào các quy định bảo đảm an toàn giao thông đối với lái xe kinh doanh vận tải.
(Theo Tin tức)