Là hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, được xếp hạng danh thắng cấp quốc gia và được Chính phủ phê duyệt Khu du lịch trọng điểm quốc gia, những năm trở lại đây, hồ Thác Bà ngày càng thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, tạo ra cơ hội lớn phát triển du lịch. Nắm lấy cơ hội này, nhiều hộ và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư các ngành nghề thương mại, du lịch như: đảo hoa, làng văn hóa, nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ cộng đồng, đặc biệt là mua tàu về làm dịch vụ vận tải khách du lịch tham quan vùng hồ.
Có thể nói, đầu tư tàu khách chạy trên hồ không hoàn toàn thuận lợi ví như: mùa cạn nước khách du lịch không đông; ngày lễ, ngày tết du khách tập trung đi chơi, còn ngày thường rất thưa khách. Đổi lại, nghề này ít rủi ro, không tốn lốp láp, cầu đường như xe ô tô; chi phí vận hành rẻ, đặc biệt là gần như không có đâm đổ, va quệt, tai nạn thương vong như vận tải đường bộ…
Có lẽ vì thế mà số lượng tàu khách trên hồ Thác Bà tăng nhanh chóng từ thuyền máy (đuôi tôm) đến tàu máy ngầm, du thuyền, xuồng cao tốc; trong đó, đã có cả những chiếc du thuyền gần chục tỷ đồng với trang thiết bị hiện đại, sang trọng.
Không ít người đã có nhận xét rằng, người Yên Bái rất hay làm theo phong trào. Cứ thấy người khác làm được là mình mạnh tay làm theo, làm ào ào, thiếu tính toán cẩn trọng. Chẳng hạn như phong trào làm gỗ bóc bùng phát ở Trấn Yên; phong trào làm xưởng chè mi ni đã bùng phát ở Văn Chấn.
Thế rồi, điều gì đến cũng phải đến, các xưởng bóc gỗ rơi vào tình trạng khó khăn do tranh mua, tranh bán, đẩy giá nguyên liệu... khiến nhiều doanh nghiệp phải phá sản.
Trở lại câu chuyện tàu khách trên hồ Thác Bà, thói quen làm ăn theo phong trào cũng đã xuất hiện. Thấy nhà này làm được, nhà kia làm theo; đội tàu du lịch trên hồ Thác cứ tăng dần, tăng dần, đến nay, số lượng tàu là bao nhiêu thật sự rất khó trả lời.
Nguyên nhân là bởi đã có hàng chục chiếc tàu "ba không” (không đăng kiểm, không đăng ký, đương nhiên không được phép lưu hành).
Bà Nguyễn Thị T. ngao ngán nhìn con tàu chở khách hai tầng nằm lặng lẽ tại một eo ngách trên hồ Thác Bà rồi quay sang nói với chúng tôi: "Đau quá, các bác ạ. Vay mượn, gom góp bao nhiêu năm mới mua được con tàu này về chạy khách du lịch, kiếm việc cho mấy đứa con, nào ngờ chạy được mươi chuyến thì nằm bờ, tỷ bạc mà chờ ngày bán phế liệu”.
Con tàu của bà Nguyễn Thị T. cũng chỉ là một trong số hàng chục tàu cũng trong tình trạng tương tự, có những hộ có tới 2 chiếc. Theo tính toán sơ bộ, mỗi con tàu như thế có mức đầu tư trên dưới 1 tỷ đồng, giờ thanh lý phế liệu không quá 200 triệu đồng.
Như vậy là rất lãng phí xã hội, tốn kém tiền bạc và đẩy không ít hộ rơi vào tình trạng nợ nần. Nguyên nhân của tình trạng này là do người ta đã tự ý hoán cải tàu chở hàng thành tàu chở khách giống như ô tô hoán cải không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ không được đăng kiểm, không được đăng ký, không được phép lưu hành.
Qua trao đổi với một cán bộ của Trung tâm Đăng kiểm thủy nội địa Vĩnh Phú và được biết: theo quy định, một tàu chở khách ra đời, được phép lưu hành thì phải có bản thiết kế chuẩn (do doanh nghiệp có chức năng lập ra). Bản thiết kế được gửi về Cục Đăng kiểm, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt.
Tiếp theo, khi thiết kế được phê duyệt, phải giao cho một đơn vị có chức năng đóng tàu thực hiện thi công; quá trình thi công phải có sự giám sát, nghiệm thu qua rất nhiều khâu, nhiều bước bởi các đăng kiểm viên; khi hoàn thành việc đóng tàu phải được cơ quan đăng kiểm tiến hành kiểm định đảm bảo an toàn kỹ thuật…
Vị cán bộ đăng kiểm này cũng cho biết thêm: "Yên Bái và rất nhiều địa phương khác có tình trạng tự ý hoán cải tàu hàng thành tàu khách. Trung tâm Đăng kiểm thủy Vĩnh Phú đã tiếp nhận ý kiến của ít nhất 23 chủ tàu tự hoán cải thuộc vùng lòng hồ Thác Bà. Tất nhiên, chúng tôi từ chối vì không thể cấp giấy chứng nhận được do không có thiết kế được phê duyệt, động cơ không có nguồn gốc, xương tàu, vỏ tầu không đạt tiêu chuẩn quy định… Ngay cả khi doanh nghiệp đáp ứng được những thứ đó thì chắc chắn chẳng có cơ quan đăng kiểm nào dám cấp phép vì tàu đã ra đời một thời gian rất dài, không thể làm ngang tắt".
Ông Lê Tuấn Giang - Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông Vận tải cho biết: "Rất nhiều trường hợp tìm đến chúng tôi, có người còn làm đơn, còn phản ánh thông qua Yên Bái - S, Cổng thông tin điện tử… về việc muốn đăng ký tàu khách đã hoán cải từ tàu hàng. Chúng tôi không còn cách nào khác là từ chối và khuyên mọi người nên chấp hành đầy đủ các quy định, không tự ý đóng mới, nhất là không hoán cải”.
Trong quá trình tìm hiểu thông tin để thực hiện phóng sự này, sau khi gặp gỡ nhiều chủ tàu "ba không”, những thợ cơ khí trực tiếp thực hiện việc hoán cải tàu hàng sang tàu khách trên hồ Thác Bà…, chúng tôi được biết, hàng trăm tàu hàng có đăng ký và cả không có đăng ký, đăng kiểm của các doanh nghiệp và cá nhân làm nghề vận chuyển hàng hóa qua đường tiểu ngạch tại biên giới Việt - Trung trên sông Hồng tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Sau khi Trung Quốc cấm biên và dịch Covid-19 xảy ra, họ đã thanh lý số tàu này với giá sắt vụn và người dân nhiều địa phương hoặc tham rẻ hoặc kỳ vọng sẽ tìm cách đăng kiểm, đăng ký, không loại trừ chuyện người buôn bán tàu cũ đã tung tin có thể làm đăng kiểm đăng ký được sau hoán cải… nên đã bỏ tiền ra mua tàu về và lĩnh hậu quả. Phần lớn trong số hơn 20 tàu khách loại lớn trên hồ Thác Bà cũng nằm trong số đó và giờ đang nằm bờ.
Không thể có phương án giải quyết ngoài thanh lý phế liệu, đó là chuyện rất đau lòng, gây lãng phí xã hội, tốn kém tiền bạc và đẩy nhiều gia đình vào cảnh nợ nần. Chuyện sẽ không xảy ra nếu người dân và doanh nghiệp tìm hiểu kỹ lưỡng cơ chế, chính sách và những quy định hiện hành trước khi đầu tư.
Chính sách, pháp luật phải nghiêm minh, phải công bằng; trật tự an toàn giao thông là yêu cầu bắt buộc; không đánh đổi mọi thứ lấy sự tăng trưởng về kinh tế, đó là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và của chính quyền tỉnh Yên Bái.
Tấn Đạt