8 “nhất” của giao thông Việt Nam
- Cập nhật: Thứ tư, 21/5/2008 | 12:00:00 AM
Báo cáo việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông mà Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vừa trình Quốc hội khóa XII đã đưa ra những con số “biết nói”, đáng “giật mình” cho giao thông Việt Nam.
|
Tháng có nhiều người chết vì tai nạn giao thông nhất:
Tháng Tết Đinh Hợi! Riêng tháng 2 năm 2007 đã xảy ra 1.500 vụ tai nạn giao thông, làm chết gần 1.400 người, bị thương hơn 1.300 người. Đây là tháng có số người bị chết do tai nạn giao thông nhiều nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Năm có số lượng phương tiện giao thông tăng cao nhất:
Năm 2007. Năm 2007 đã đăng ký mới hơn 130.000 ôtô và hơn 3 triệu môtô. Đây cũng là năm có số ôtô, môtô tăng cao nhất từ trước tới nay.
Tình hình ùn tắc giao thông nghiêm trọng nhất:
Bắt đầu từ tháng 9/2007 đến nay. Tình hình ùn tắc giao thông xảy ra ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh ngày càng nghiêm trọng, nhất là từ tháng 9 năm 2007.
7 nguyên nhân cơ bản gây ùn tắc giao thông ở đô thị lớn là: 1. Phương tiện giao thông tăng nhanh. 2. Kết cấu hạ tầng giao thông chậm được cải thiện. 3. Quy hoạch phát triển đô thị không hợp lý. 4. Quỹ đất dành cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh còn thấp, chỉ đạt từ 3-5% (tỷ lệ phù hợp là 20-25%). 5. Một số khu vực, tuyến đường tổ chức giao thông chưa hợp lý cộng với ý thức chấp hành quy tắc giao thông của người tham gia giao thông chưa nghiêm. 6. Các công trình xây dựng hạ tầng đô thị kéo dài tiến độ. 7. Không có giải pháp quyết liệt trong tổ chức giao thông đô thị.
Điểm đen giao thông càng xoá càng tăng:
Theo thống kê, tính riêng trên quốc lộ: Năm 2005 việc xử lý 227 điểm đen đã “ngốn” 31 tỷ đồng, năm 2006, điểm đen tăng lên thành 266 điểm, “ngốn” 38,3 tỷ đồng, năm 2007 chững lại một chút với là 258 điểm đen, “ngốn” 36,2 tỷ đồng.
“Nhờn luật” nhất:
Mặc dù trong 2 năm 2006 và 2007, trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, lực lượng công an đã xử lý hơn 8,3 triệu trường hợp vi phạm, kho bạc Nhà nước thu hơn 1.300 tỷ đồng; riêng năm 2007, số trường hợp vi phạm bị lập biên bản tăng gần 940 nghìn trường hợp (tăng 23,9%), số tiền phạt tăng hơn 150 tỷ đồng (tăng 23,8%) so với cùng kỳ năm 2006. Trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường thủy đã phát hiện xử lý hơn 270 nghìn trường hợp vi phạm, kho bạc thu trên 89,5 tỷ đồng.
Nhưng, việc xử lý các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông chưa thực sự nghiêm minh, có nơi, có lúc chưa thực hiện đúng quy định, còn nhiều sai phạm, tiêu cực ở một số nơi. Đặc biệt là chưa xử lý đúng người vi phạm, vẫn xử lý theo kiểu “xe lớn bồi thường xe nhỏ” đây là nguyên nhân gây ra “nhờn luật” của người tham gia giao thông.
Tốc độ “rùa” nhất trong văn bản hướng dẫn thi hành Luật giao thông:
Việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật còn chậm, đến nay vẫn còn một số văn bản của một số Bộ và địa phương chưa được ban hành, chất lượng một số văn bản chưa cao, nhất là hướng dẫn Luật Giao thông đường bộ.
Nhiều văn bản sau 2 đến 3 năm Luật có hiệu lực mới được ban hành. Đến nay còn một số văn bản hướng dẫn thi hành luật vẫn chưa được ban hành như Thông tư liên tịch Bộ Giao thông vận tải - Bộ Tài chính - Bộ Xây dựng về chi phí thẩm định an toàn giao thông đường bộ; Thông tư liên tịch Bộ Giao thông vận tải - Bộ Công an về tổ chức thẩm định an toàn giao thông công trình đường bộ giai đoạn trước khi đưa vào khai thác sử dụng; Bộ Y tế chưa điều chỉnh các văn bản quy định về tiêu chuẩn sức khỏe phục vụ cấp giấy phép lái xe, chưa quy định tiêu chuẩn sức khỏe cho người khuyết tật lái xe cơ giới.
Giao thông đường sắt: SOS!
Hiện có hơn 3 nghìn vị trí vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Trên toàn mạng có 733 đường ngang không gác chắn phòng vệ bằng biển báo và tồn tại gần 4.000 đường dân sinh trái phép vượt qua đường sắt, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra tại những đường dân sinh trái phép đó.
Kết cấu hạ tầng “đáng sợ” hơn phương tiện giao thông!
Theo phân tích của cơ quan chức năng cho thấy, nếu như nguyên nhân gây tai nạn giao thông do kỹ thuật an toàn phương tiện xảy ra chiếm 0,5-0,8% số vụ tai nạn giao thông thì nguyên nhân do kết cấu hạ tầng chiếm từ 1,4-1,7% số vụ!
(Theo Dân Trí)
Các tin khác
Rạng sáng 19/5, khi đang trên đường vận chuyển xi măng đến địa điểm thi công tại khu vực xã Sa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, xe tải mang biển số 33H-7803 bị lật xuống vực sâu 15 mét.
YBĐT - Bên cạnh sự thiếu nghiêm túc trong việc đội MBH thì việc chấp hành tín hiệu đèn giao thông ở một số điểm ngã ba, ngã tư trong thành phố Yên Bái của tỉnh Yên Bái cũng còn nhiều hạn chế.
Vụ tai nạn xảy ra vào lúc 8h30 phút sáng ngày 13/5 trên tuyến đường Hồ Chí Minh, tại km 333+700 thuộc khu vực đèo Lò Xo giáp ranh giữa hai huyện Phước Sơn tỉnh Quảng Nam và Đăkgley, tỉnh Kontum.
YBĐT - Là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Giao thông Vận tải Yên Bái, từ năm 2003 đến nay, Trung tâm chuyển đổi thành đơn vị sự nghiệp công lập khoán thu, tự bảo đảm toàn bộ chi phí thường xuyên. Trung tâm hiện có 13 cán bộ, nhân viên, trong đó bộ phận kiểm định phương tiện có 5 đăng kiểm viên.