Tất cả vì mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/6/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Từ ngày 1/7/2009, Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi thay thế cho Luật Giao thông đường bộ năm 2001 bắt đầu có hiệu lực. Luật GTĐB sửa đổi gồm có 8 Chương với 89 điều, trong đó có 3 điều được giữ nguyên cả về kết cấu so với Luật GTĐB hiện hành (chiếm 3,37%), 68 điều được sửa đổi bổ sung (chiếm 76,4%) và 18 điều quy định mới (chiếm 20,23%).
Đội mũ bảo hiểm cho bé để bảo đảm an toàn và vì tương lai con em chúng ta.
|
Luật GTĐB sửa đổi được dựa trên tính kế thừa những nội dung cơ bản của Luật GTĐB hiện hành; đảm bảo tính phù hợp, thống nhất với Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; đáp ứng được yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và thực tế hoạt động giao thông vận tải đường bộ trong nước. Đặc biệt, Luật GTĐB có rất nhiều điểm được bổ sung, sửa đổi và các điểm mới tác động trực tiếp đến tất cả các hoạt động giao thông đường bộ, với mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TT ATGT) trên mọi tuyến đường.
Siết chặt quy định nồng độ cồn trong máu và khí thở
Một trong những quy định được bổ sung, sửa đổi được đánh giá sẽ có tác động rất lớn đến ý thức tham gia giao thông của người dân, đó là Quốc hội đã thông qua việc quy định chặt chẽ hơn đối với hành vi sử dụng đồ uống có cồn (rượu, bia) của người điều khiển phương tiện giao thông. Theo đó, người điều khiển xe môtô, xe gắn máy nếu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/ 100 mililit máu hoặc 0.25 miligam/ 1 lít khí thở đều sẽ bị phạt.
Riêng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dụng sẽ bị cấm tuyệt đối việc sử dụng rượu bia, chỉ cần trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là đã bị phạt. Hình thức phạt là phạt tiền kết hợp với tước giấy phép lái xe và chỉ trả phương tiện khi người vi phạm đã hết mùi rượu. Với các trường hợp từ chối hoặc cố tình không kiểm tra nồng độ cồn thì sẽ bị xử phạt tương đương lỗi quá nồng độ cồn cho phép.
Hiện nay, mức xử phạt với các lỗi này là từ 1 – 3 triệu đồng đối với lái xe ôtô, 400 – 800 ngàn đồng đối với xe máy. Ngoài ra, người điều khiển phương tiện còn bị tước giấy phép lái xe 60 ngày. Tuy nhiên, theo dự báo mức phạt được ban hành kèm theo về mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực này của Bộ Giao thông vận tải đối với các lỗi này sẽ được ban hành trong thời gian tới sẽ còn cao hơn rất nhiều.
Trên thực tế, có những trường hợp uống 1 lượng rượu bia 3, 4 cốc mà không say nhưng cũng có trường hợp chỉ uống 1 chút đã không còn tỉnh táo để điều khiển phương tiện. Do đó, hiện nay rất nhiều người dân mong muốn nhận được những khuyến cáo cụ thể về giới hạn tối đa được uống bao nhiêu chai bia, rượu, bia thì sẽ không bị phạt. Những nghiên cứu cần có thời gian để khẳng định tính đúng đắn, trước mắt người dân khi đi uống rượu, bia ở bên ngoài nếu đã quá ngưỡng cho phép thì nên gửi xe máy ở nhà hàng hay gia đình bạn bè và đi taxi hoặc xe ôm về để vừa an toàn, vừa khỏi bị phạt.
Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm
Thực tế cho thấy, nhiều xe đạp điện khi chạy bằng máy cũng có tốc độ lên tới 40 – 50km/ giờ nên nếu không đội mũ bảo hiểm, khi gặp tai nạn dễ dẫn đến chấn thương sọ não và chết. Tiếp tục thực hiện tinh thần kiên quyết bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe máy trên tất cả các tuyến đường, Luật GTĐB sửa đổi bổ sung quy định bắt buộc người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng cách.
Luật được áp dụng đối với tất cả các loại xe và các hình thức sử dụng, kể cả đối với việc sử dụng xe đạp điện nhưng lại đạp bằng chân. Vì nếu tách rời việc đạp bằng chân và chạy bằng máy thì việc xử lý vi phạm sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi nhiều người không đội mũ bảo hiểm, khi gặp lực lượng cảnh sát giao thông sẽ trốn tránh bằng cánh tắt máy và dùng chân để đạp, sau khi đi qua chốt kiểm soát lại bật lên chạy cách bằng máy. Đối với các trường hợp không đội mũ hoặc đội không cài quai đúng quy cách đều bị coi là vi phạm không đội mũ bảo hiểm và sẽ bị xử phạt từ 100 – 200 ngàn đồng.
Một trong những điểm mới quy định về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đó là, trường hợp trẻ em từ 6 tuổi trở lên không đội mũ bảo hiểm thì người điều khiển phương tiện giao thông sẽ bị phạt từ 100 – 200 ngàn đồng. Các trường hợp không thắt dây an toàn đối với người lái xe ô tô và người ngồi hàng ghế phía trước; những trường hợp xe thô sơ, xe gắn máy, xe môtô và máy kéo, xe chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/ giờ đi vào đường cao tốc; các trường hợp trẻ em không đúng độ tuổi được chở thêm trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp… cũng đều sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.
Ngoài ra, Luật GTĐB sửa đổi còn quy định người điều khiển xe bắt buộc phải mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (nếu vi phạm sẽ bị phạt từ 100 – 500 ngàn đồng); quy định tuổi tối thiểu của người lái xe ôtô chở người từ 10 – 30 chỗ ngồi từ 21 lên 24 tuổi, nâng tuổi tối thiểu của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi từ 25 lên 27 tuổi…
Luật GTĐB sửa đổi cũng siết chặt về hoạt động vận tải đường bộ, đồng thời sửa đổi một số quy định bổ sung về quy tắc giao thông đường bộ, về kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ, về phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông và quy định nguồn tài chính để quản lý bảo trì hệ thống quốc lộ, đường địa phương.
Đặc biệt, Luật quy định tăng thẩm quyền cho lực lượng công an, các quy định về việc huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp với cảnh sát giao thông tham gia tuần tra kiểm soát và quy định lực lượng thanh tra giao thông được quyền dừng các phương tiện giao thông trong trường hợp cần thiết.
Đức Thành
Các tin khác
YBĐT - Luật Giao thông đường bộ 2008, được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2009 quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông là: 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25mg/l khí thở đối với người điều khiển mô tô, xe máy và bằng 0 đối với người điều khiển ô tô, xe máy chuyên dùng.
Nghị định mới chưa ban hành nên sau ngày 1-7, có thể căn cứ nghị định 146 để xử phạt (?). Từ ngày 1-7, Luật giao thông đường bộ mới được sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực. Nhưng do nghị định xử phạt mới chưa được ban hành nên lực lượng chức năng vẫn sẽ phải căn cứ vào nghị định cũ để xử phạt.
YBĐT - Kể từ khi Nghị quyết 32 của Chính phủ ra đời quy định về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) đối với người tham gia giao thông bằng phương tiện xe máy, đã 2 năm trôi qua, đa số người dân đã quen dần với việc đội MBH.
Ngày 17-6, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho biết, tất cả các khu quản lý đường bộ và sở GTVT các tỉnh, thành phố trên cả nước phải thực hiện xong việc tổng kiểm tra, rà soát hệ thống biển báo hiệu đường bộ trước 30-9.