\
Đây là cuộc thi viết đầu tiên do Ban Thường vụ Huyện ủy phát động và triển khai; là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái (25/9/1958 - 25/9/2023). Cuộc thi đã tạo thành đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp, thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo nhân dân.
Nhằm tạo sự phong phú, đa dạng về nội dung nghiên cứu cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về Cuộc thi, Ban Tổ chức đã chọn lựa nhiều nội dung xoay quanh chủ đề "Bác Hồ trong trái tim tôi” để các thí sinh lựa chọn xây dựng bài viết theo sự tâm đắc, sở trường nghiên cứu của bản thân.
Công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc thi được tập trung đẩy mạnh. Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã đăng tải nội dung kế hoạch, thể lệ và hướng dẫn Cuộc thi trên Trang Thông tin điện tử của huyện; trang fanpage của Huyện ủy "Hương quế Văn Yên”, trên ứng dụng "Sổ tay điện tử tỉnh Yên Bái”; chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tin, truyền thông, trung tâm truyền thông và văn hóa, trang thông tin điện tử facebook của UBND huyện… đẩy mạnh tuyên truyền về Cuộc thi.
Các trang fanpage, Facebook của 25 đảng bộ xã, thị trấn và trang thông tin của các chi, đảng bộ cơ sở tích cực chia sẻ, thông tin, truyền thông những bài viết tham gia dự thi của các tác giải; qua đó, nhiều bài viết tiếp cận được với công chúng.
Đảng bộ xã Mỏ vàng là đơn vị tích cực trong triển khai và hưởng ứng Cuộc thi. Đồng chí Đỗ Cao Quyền - Bí thư Đảng bộ xã cho biết: "Đảng bộ xã đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành (mở rộng) và ban hành văn bản chỉ đạo để quán triệt tới các đồng chí cấp ủy, bí thư, phó bí thư các chi bộ trực thuộc, trưởng, phó Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các đơn vị trường học, trạm y tế, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về mục đích, yêu cầu, thể lệ Cuộc thi; đồng thời, khuyến khích và huy động đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia; phân công các đồng chí Thường trực Đảng ủy phụ trách hướng dẫn, đôn đốc, kiểm duyệt và thống kê, cập nhật trực tuyến hàng ngày tình hình, tiến độ nộp bài dự thi trên ứng dụng Google Sheet”.
Nhận thức rõ, để Cuộc thi thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, với cương vị là người đứng đầu cấp ủy xã, bản thân đồng chí Đỗ Cao Quyền không chỉ tiên phong thực hiện, mà còn là người truyền cảm hứng cho cả hệ thống chính trị và nhân dân hưởng ứng Cuộc thi với niềm tin "Trên nêu gương mẫu mực, dưới ắt sẽ tích cực làm theo”.
Từ suy nghĩ đó cùng tình cảm thiêng liêng, thành kính của cá nhân với Bác trong suốt cả tuổi thơ, rồi thời học sinh, sinh viên và được hun đúc qua nhiều năm học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; qua những câu chuyện kể về Bác của Giáo sư Hoàng Chí Bảo, đồng chí Quyền đã lên ý tưởng, sưu tầm thông tin, tư liệu, nghiên cứu tư liệu, bám sát các chủ đề Ban Tổ chức Cuộc thi đã xây dựng bố cục bài viết cụ thể.
Nội dung bám sát vào nội dung Nghị quyết Đại hội 19 Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ huyện và Nghị quyết Đại hội VII đảng bộ xã và cùng với thực tiễn công tác tại địa phương. Đặc biệt là việc hàng ngày trên đường đi làm, được chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ, toàn diện của thôn Gốc Sấu - thôn người Mông học Bác từ những thời kỳ mới được thành lập và cho đến nay, việc học tập đó đã đơm hoa, kết trái, bắt đầu cho thành quả xuất phát từ việc "học Bác” mà "làm theo Bác”.
Trong bài viết dự thi "Ơn Bác, người Mông đã và đang xây dựng, phát triển quê hương Gốc Sấu theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, đồng chí Quyền đã thay bà con người Mông thôn Gốc Sấu viết lên những lời ơn Bác, người Mông đã và đang xây dựng, phát triển quê hương theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Đồng chí Đỗ Cao Quyền khẳng định: "Qua các đợt sinh hoạt chính trị, chuyển biến lớn nhất chính là xuất phát từ nhận thức, mà trước tiên là của cấp ủy, chính quyền xã Mỏ Vàng được thẩm thấu, nuôi dưỡng rồi phát triển mãnh mẽ từ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách của Bác. Nhất là, sau khi mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên - những người hàng ngày thực thi công vụ tại xã Mỏ Vàng được tiếp cận nghiên cứu, học tập tác phẩm "Sửa đổi lề lối làm việc” Bác viết năm 1947; từ đây, đã dần hình thành tư duy tự soi, tự sửa, tự bài trừ thói quan liêu, xa dân để thay vào đó là thái độ hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Tinh thần học tập và làm theo Bác đã lan tỏa sâu rộng đến người Mông thôn Gốc Sấu, nhất là những người già, người trưởng thành.
"Họ chịu khó làm ăn hơn, hăng hái lao động hơn, tiết kiệm hơn, đồng thuận hơn khi cho con em mình đi học chữ và đặc biệt nhất là tự tin định cư, không du canh, du cư như một bộ phận người Mông khác trên địa bàn”- đồng chí Đỗ Cao Quyền chia sẻ.
Đồng chí Luyện Hữu Chung - Bí thư Huyện ủy Văn Yên cho biết: Cuộc thi viết "Bác Hồ trong trái tim tôi” là dấu ấn đậm nét, là điểm nhấn quan trọng trong các hoạt động thiết thực kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái. Chỉ sau gần 4 tháng phát động, Cuộc thi tiếp nhận gần 1.900 bài dự thi của cán bộ, đảng viên và nhân dân sinh sống, làm việc trong, ngoài huyện quan tâm và tham gia Cuộc thi.
Đây thực sự là đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp, thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, nhân dân. Từ những người là cán bộ hưu trí, người cao tuổi, cựu chiến binh, công nhân, nông dân, phụ nữ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên, các tổ chức tôn giáo đều tích cực tham gia.
Dư âm của Cuộc thi viết "Bác Hồ trong trái tim tôi” sẽ vẫn còn lan tỏa trong xã hội, trong mỗi tổ chức, cá nhân tham gia Cuộc thi. Kết quả Cuộc thi không chỉ dừng ở các giải thưởng, mà quan trọng hơn là ý nghĩa nhân văn sâu sắc và giá trị tuyên truyền, giáo dục của Cuộc thi. Cuộc thi đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất, tạo động lực thúc đẩy, lan tỏa phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đưa việc học tập và làm theo Bác ở Văn Yên ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.
Anh Dũng