Khe Hỏa - từ “3 không” đến “4 nhất”
- Cập nhật: Thứ hai, 5/10/2015 | 4:05:58 PM
YênBái - YBĐT - Từ một thôn “3 Không": không đường, không điện, không nước sản xuất, thôn Khe Hỏa, xã Tân Hợp (Văn Yên) đã vươn lên trở thành thôn “4 nhất” là: Tỷ lệ hộ khá giàu cao nhất, an ninh trật tự đảm bảo nhất, thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) và xóa đói giảm nghèo tốt nhất. Sự thay đổi ấy ở thôn Khe Hỏa hôm nay có dấu ấn đậm nét từ vai trò lãnh đạo của chi bộ gắn với trách nhiệm của mỗi đảng viên cùng khát vọng vươn lên của những người nông dân, đã đẩy lùi đói nghèo và lạc hậu, làm cho mảnh đất ven sông Hồng ngày thêm trù phú.
Vườn ươm quế giống của gia đình chị Phạm Thị Hương - thôn Khe Hỏa cho hiệu quả kinh tế cao.
|
Một bên là núi, bên kia là con sông Hồng, lại bị chia cắt bởi suối Ngòi Thắt nên thôn Khe Hỏa, xã Tân Hợp được ví như một ốc đảo biệt lập với các thôn khác trong xã. Thôn có 50 hộ, gần 200 nhân khẩu, kinh tế chủ yếu dựa vào nông lâm nghiệp. Những năm trước đây, cuộc sống của người dân trong thôn hết sức khó khăn bởi không đường, không điện và không có nước sản xuất. Mặc dù gần sông, nhưng Khe Hỏa được coi là vùng “đất khát”, sản xuất nông nghiệp vô cùng khó khăn vì không có nguồn nước để xây dựng công trình thủy lợi, việc trồng cấy đều phải "nhờ giời” nên năng suất lúa rất thấp.
Để giải quyết cái “ không” đầu tiên về nước sản xuất nông nghiệp, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền xã Tân Hợp, Chi bộ thôn Khe Hỏa đã vận động nhân dân mua máy bơm, đào ao vừa thả cá vừa trữ nước phục vụ sản xuất vừa phát huy vai trò “đảng viên đi trước” và tinh thần tương thân tương ái trong xóm làng. Đến nay, 100% số hộ trong thôn Khe Hỏa có máy bơm nước, 80% số hộ có ao nuôi cá và chứa nước phục vụ sản xuất. Các khu vực không thể đào ao thì bà con dùng máy bơm hút nước từ ruộng trũng lên ruộng cạn.
Những khu vực cách xa khu dân cư, vướng núi đồi, không đủ tiền mua dây dẫn nước, bà con đã sáng tạo bơm nước lên đồi rồi đào rạch dẫn nước về ruộng tưới tiêu cho lúa. Từ cách làm này, Khe Hỏa đã chủ động được nguồn nước phục vụ sản xuất cho hai vụ chính và một vụ đông. Đất đã mát bởi có sức người, màu xanh trù phú của lúa, ngô, khoai, sắn dần che phủ màu đen bạc của đất, đá và hòa trong đó là cuộc sống ấm no. Từ một vùng “đất khát”, Khe Hỏa đã trở thành thôn có năng suất và sản lượng lúa, ngô cao nhất xã Tân Hợp.
Trước năm 2009, đường vào thôn Khe Hỏa là đường đất nhỏ hẹp, gập ghềnh, lầy lội, việc đi lại của người dân rất khó khăn, hàng nông sản làm ra thường bị ép giá. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, Chi bộ thôn đã vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân đóng góp gần 500 ngày công, trên 100 triệu đồng tiền mặt và hiến trên 1.000m2 đất cùng nhiều cây ăn quả có giá trị để làm đường. Nhờ vậy, con đường bê tông dài gần 2km, rộng 3,5m đã được hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương, phát triển kinh tế. Nhờ đó Khe Hỏa trở thành thôn đi đầu trong phong trào làm đường giao thông nông thôn ở xã Tân Hợp, góp sức cùng xã thực hiện tiêu chí về giao thông trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Với lợi thế diện tích đất sản xuất lâm nghiệp, nhiều hộ gia đình trong thôn đã chú trọng phát triển kinh tế rừng, trong đó quế là cây trồng chủ lực gắn với canh tác sắn bền vững trên đất dốc, cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả có giá trị, làm vườn ươm quế giống, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các đảng viên trong Chi bộ đã thực sự nêu gương sáng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.
Một trong những người tiên phong trong công cuộc bắt đất "nhả vàng xanh" ở thôn Khe Hỏa là Bí thư Chi bộ Triệu Đình Khỏe. Là thương binh trở về từ chiến trường, không cam chịu đói nghèo, ông Khỏe đã động viên vợ con phát triển mô hình kinh tế trang trại tổng hợp VACR kết hợp nuôi ong, trồng cây ăn quả ở vườn nhà cho thu nhập gần 300 triệu đồng/ năm. Học tập thế hệ đi trước, đảng viên Phùng Đình Phúc không chỉ thành công trong phát triển kinh tế vườn rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm với tổng thu nhập bình quân hàng năm đạt trên 300 triệu đồng, anh còn mạnh dạn trồng thử nghiệm 300 cây chanh tứ thời và 150 cây bưởi Đoan Hùng, bước đầu đã cho thu nhập. Hiệu quả của mô hình mới này đã được nhiều bà con trong thôn đến thăm quan, học tập kinh nghiệm.
Anh Phúc chia sẻ: “Mình là đảng viên, ngoài việc gương mẫu trong phong trào trồng rừng, bảo vệ rừng thì phải đưa các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, từ hiệu quả kinh tế bà con thấy và làm theo chứ không thể tuyên truyền, vận động bằng lời nói suông được”.
Người dân thôn Khe Hỏa đào ao nuôi cá và trữ nước sản xuất nông nghiệp.
Có thể nói, phong trào phát triển kinh tế của các đảng viên Chi bộ Khe Hỏa đã khích lệ nhân dân trong thôn thi đua lao động sản xuất, làm giàu chính đáng ngay tại quê hương. Đến nay, Khe Hỏa dẫn đầu xã Tân Hợp về diện tích rừng trồng với gần 150ha, nhà nào cũng có rừng, nhiều thì vài chục héc-ta, ít có từ 1 đến 2ha. Nhờ vậy đời sống của nhân dân trong thôn đã có những đổi thay tích cực.
Ông Triệu Đình Khỏe - Bí thư Chi bộ thôn Khe Hỏa cho biết: "Từ nghị quyết của Chi bộ, mỗi đảng viên đều nâng cao vai trò trách nhiệm của mình trong việc vận động nhân dân, nêu cao tính tiền phong gương mẫu trong các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư để làm gương cho nhân dân học tập. Vì thế, ý thức người dân đã được nâng lên và tự giác chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thi đua lao động sản xuất, nâng cao đời sống".
Với quan điểm giúp người nghèo có “cần câu” để làm ăn lâu dài, thôn Khe Hỏa đã tập trung mọi nguồn lực giúp hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân giúp hộ nghèo bằng nhiều hình thức như: Phổ biến kinh nghiệm sản xuất, cho vay vốn và con giống không lấy lãi… Học tập kinh nghiệm từ các điển hình làm kinh tế giỏi, nhiều hộ nghèo trong thôn đã phát triển trồng rừng, chăn nuôi hiệu quả, nhờ vậy tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm.
Từ năm 2013 đến nay, Khe Hỏa đã xóa hộ nghèo và trở thành thôn duy nhất của xã Tân Hợp không còn hộ nghèo. Song song với phát triển kinh tế, Chi bộ thôn đã cùng ban công tác mặt trận phối hợp với các đoàn thể, tổ hòa giải, tổ an ninh, vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Nhiều năm qua, cả thôn không có người sinh con thứ 3, không có trường hợp vi phạm pháp luật, không có tệ nạn xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, bà con thực hiện nghiêm quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Với những nỗ lực của nhân dân, thôn Khe Hỏa giữ vững danh hiệu Làng văn hóa cấp huyện từ năm 2006 đến nay.
Từ một vùng “đất khát”, với nỗ lực vượt khó, thắng đói nghèo đã giúp Khe Hỏa vươn lên trở thành một vùng đất trù phú, với tỷ lệ 80% hộ khá giàu có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên/năm, trong đó 60% đảng viên trong thôn có thu nhập từ 200 triệu đồng trở lên/năm. Kinh tế phát triển đã tạo điều kiện để 100% hộ dân trong thôn đầu tư kéo đường điện lưới quốc gia về sử dụng.
Ông Đỗ Khắc Cương - Chủ tịch UBND xã Tân Hợp khẳng định: “Từ một thôn khó khăn bởi hệ thống hạ tầng thiếu thốn, nghèo nàn, nhưng nhờ sự lãnh đạo, định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự nỗ lực, quyết tâm cao và vượt khó đi lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thôn, Khe Hỏa đã vươn lên khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế đất đai để phát triển, trở thành "thôn 4 nhất" của xã là: Giàu nhất, an ninh trật tự đảm bảo nhất, kế hoạch hóa gia đình và xóa đói giảm nghèo tốt nhất. Cán bộ, nhân dân trong thôn luôn đồng thuận thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà cấp uỷ, chính quyền địa phương đề ra. Chi bộ đảng nhiều năm giữ vững danh hiệu “Trong sạch vững mạnh”.
Hồng Vân - Quang Hùng (Đài TT-TH Văn Yên)