Xứng danh “công bộc" của dân
- Cập nhật: Thứ tư, 11/11/2015 | 10:46:20 AM
YênBái - YBĐT - Sinh ra trên quê hương Nam Cường nên từng thửa ruộng, nương chè, ngõ xóm và đời sống người dân thế nào, ông Lân là người rất thấu hiểu. Bởi thế, khi biết tôi muốn tìm hiểu về mảnh đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa này, như chạm đúng mạch nguồn cảm hứng của ông.
Ông Đỗ Ngọc Lân - Chủ tịch HĐND phường Nam Cường trao đổi công tác quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội & làm đường giao thông nông thôn.
|
Ông kể: “Nam Cường nay đã khác xưa nhiều lắm! Thời chống Mỹ, bom đạn tàn phá nặng nề. Ruộng quanh năm “chiêm khô, mùa úng” nên người dân đói khổ triền miên, khiến nhiều nhà phải chuyển đi nơi khác. Những năm đổi mới, nhờ có những chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, sự quyết liệt chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân đã thay đổi cung cách làm ăn, nên Nam Cường đã từng bước đổi thay như hôm nay”. Đó là sự đổi thay mang dáng dấp đô thị hiện đại mà bất kỳ ai cũng phải tự hào, nhất là đối với những con người tâm huyết với quê hương như ông Lân.
Làm cán bộ xã từ năm 16 tuổi - lứa tuổi căng tràn nhiệt huyết thanh xuân, chàng thanh niên Đỗ Ngọc Lân đã mang trong mình một ước mong là có thể làm được điều gì đó giúp quê mình thoát khỏi đói nghèo. Trải qua nhiều vị trí công tác, từ Đội phó Đội sản xuất nông nghiệp đến Chủ nhiệm Hợp tác xã, rồi Phó chủ tịch, Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã Nam Cường và nay là Chủ tịch HĐND phường Nam Cường, ở cương vị nào, ông cũng luôn nỗ lực công tác, sống gần dân. Bởi vậy, khi nhắc đến ông, nhiều người dân đã dành cho ông một tình cảm đầy kính trọng.
Bà Đoàn Thị Oanh - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Nam Cường tâm sự: “Tôi may mắn được công tác dưới sự lãnh đạo của đồng chí Lân khá nhiều năm. Bởi vậy, con người đồng chí ấy thế nào, tôi rất hiểu. Có những việc đồng chí chỉ cần giao cho cấp dưới làm hoặc không cần trực tiếp đến cơ sở, nhưng là người cẩn thận, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc nên việc gì đồng chí cũng muốn trực tiếp kiểm tra, giám sát, vì thế mà mọi việc ít khi bị động hoặc hoàn thành không đúng kế hoạch. Đặc biệt, đối với nhân dân, đồng chí có cách quan tâm rất chân tình không chỉ là của người lãnh đạo mà còn là tình cảm cộng đồng. Vào những dịp lễ, tết hay bất cứ khi nào có thời gian, ông Lân thường tự mình tới thăm các gia đình chính sách, người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không theo bất kỳ kế hoạch hay lịch sắp đặt”.
Hơn 40 năm làm việc, trong đó có 20 năm liên tục là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Nam Cường, đồng thời là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, cũng đã có lúc trong công việc, ông Lân gặp phải không ít khó khăn, nhất là khi đưa ra những quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, đời sống của người dân. Nhớ lại một trong những kỷ niệm khó quên, ông Lân cho biết: Nam Cường là nơi có nhiều điểm khác biệt với các địa phương trong thành phố, vì rất gần trung tâm thành phố nhưng người dân hầu hết lại làm nông nghiệp. Trong khi đó, điều kiện tự nhiên ở đây lại không thuận lợi cho việc trồng cấy, nên đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Trước thực trạng trên, năm 1989, trong cương vị Chủ tịch UBND xã, sau khi bàn bạc, thống nhất với cấp ủy, chính quyền, ông đã mạnh dạn đưa ra chủ trương sớm xóa bỏ cây lúa trên đất Nam Cường. Ban đầu, bà con phản đối ghê lắm, vì xưa nay đã quen trồng lúa, nay nghe nói thế thì hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền, vận động, nhận thấy cây lúa không còn phù hợp với đặc thù đồng ruộng địa phương nên mọi nhà cũng dần chuyển sang trồng các loại cây hoa màu khác. Thời điểm đó, chè cành là loại cây trồng lần đầu tiên được chỉ đạo mang vào trồng trên diện tích đất đồi bạc màu rộng hàng trăm héc - ta đã được cải tạo và chính loại cây này đã giúp đời sống người dân nâng lên đáng kể.
Thấu hiểu, sẻ chia với những nhọc nhằn của người dân, đi đôi với tích cực vận động người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo điều kiện cho người dân tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế, nhiều năm ông Lân đã mạnh dạn đề ra những chủ trương, biện pháp được thực tiễn chứng minh là rất hợp với ý Đảng, lòng dân. Một trong những việc làm mà đến nay hàng trăm hộ ở Nam Cường luôn biết ơn ông, chính là ông đã vận động những hộ dân có đời sống khó khăn di chuyển vào vùng đất rộng gần 200 héc - ta vốn trước đây hoang hóa để phát triển chăn nuôi, trồng trọt, nay chính là khu dân cư Cường Bắc. Khu dân cư này hiện là nơi tập trung của nhiều mô hình trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trách nhiệm, nhiệt tình với công việc, bởi vậy mà cả quá trình làm việc, khi nào ông Lân cũng tâm niệm và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức phải tránh”. Bám sát các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, nhiều năm qua, với vai trò người lãnh đạo chủ chốt, ông Lân đã đưa Nam Cường đạt được nhiều thành tích nổi bật trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…
Nhiệm kỳ 2010 - 2015, có thể coi là dấu ấn đối với Nam Cường, bởi không chỉ có các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đều đạt và vượt so với kế hoạch mà vào tháng 12 năm 2013, xã Nam Cường đã chính thức được công nhận là một phường của thành phố Yên Bái. Hiện tại, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nam Cường bình quân đạt 16 %/năm; thương mại - dịch vụ chiếm 43,42%; tiểu thủ công nghiệp - xây dựng chiếm 42,11%; nông lâm nghiệp - thuỷ sản 14,47%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 25 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,3%. Nam Cường hiện đang được quy hoạch xây dựng thành phường sinh thái của thành phố.
Chia sẻ những suy nghĩ về người đồng chí, người anh đi trước của mình, đồng chí Đỗ Anh Thơ - Bí thư Đảng ủy của phường Nam Cường tâm sự: “Chúng tôi luôn coi đồng chí Lân là tấm gương sáng để học tập và noi theo. Ở con người đồng chí ấy có những đức tính mà một người cán bộ lãnh đạo luôn cần, đó là, vừa gần gũi, sâu sát với nhân dân lại vừa trách nhiệm, nhiệt tình, sáng tạo trong công việc. Đứng trên phương diện đời thường, tôi rất nể phục đồng chí, bởi thời gian dành cho “việc nước” đã vô cùng bận rộn nhưng khi về nhà, đồng chí lại là một người nông dân thực thụ. Hiện tại, gia đình đồng chí đang có mô hình chăn nuôi lợn có quy mô lớn nhất thành phố đạt tiêu chuẩn VietGAP với số lượng khoảng 1.200 con lợn/lứa. Mô hình chăn nuôi này không chỉ là giải pháp cho chăn nuôi phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giảm thiểu được nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cho tiêu dùng”.
Miệt mài lao động, cống hiến hết mình cho địa phương, cho nhân dân. Tuổi tuy cao, nhiệt huyết công việc không hề suy giảm. Ông Đỗ Ngọc Lân được nhân dân yêu quý, nể trọng, thật xứng danh “công bộc” của dân.
Hồng Oanh
Các tin khác
YBĐT - Đến với vùng cao Trạm Tấu, ấn tượng để lại trong lòng mỗi người là những rừng thông xanh ngút tầm mắt. Đồng bào Trạm Tấu hôm nay đã được hưởng 2 lợi ích từ rừng đó là lợi ích phòng hộ và lợi ích kinh tế. Đằng sau những cánh rừng ngút ngàn ấy là những mảnh đời bình dị, gắn đời mình với rừng cây.
YBĐT - Đỉnh Xéo Dì Hồ ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải quanh năm ngập trong sương trắng giữa bạt ngàn rừng núi hoang vu. Ở đó có những thầy cô giáo trẻ đang lặng lẽ, cần mẫn như người gieo hạt, mang cái chữ đến vùng cao hẻo lánh. Họ đã dệt nên bao huyền thoại về dạy chữ, rèn người.
YBĐT - Trong chuyến công tác ở "vùng đất ngọc", trao đổi với chúng tôi về phong trào hoạt động của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong huyện, Bí thư Huyện đoàn Lục Yên - đồng chí Hoàng Trung Chinh giới thiệu nhiều mô hình phát triển kinh tế điển hình từ sản xuất, chăn nuôi, làm dịch vụ đến chế tác đá quý... Nhưng tôi thực sự ấn tượng với mô hình chăn nuôi tổng hợp gồm cả lợn rừng, hươu sao; gà, vịt của đoàn viên Hoàng Trung Hiếu ở thôn Cốc Há, thị trấn Yên Thế (Lục Yên).
YBĐT - Đó là những cán bộ mặt trận không những hết lòng vì công việc mà còn thấu hiểu điều gì làm nên sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.