Giám đốc của nông dân
- Cập nhật: Thứ sáu, 13/11/2015 | 8:57:11 AM
YBĐT - Nhiều người dân gọi ông với cái tên thân mật “giám đốc của nông dân”, không chỉ bởi doanh nghiệp của ông chuyên kinh doanh về lĩnh vực nông nghiệp mà còn vì dáng vẻ bề ngoài chân chất của ông.
Giám đốc Quang trao đổi với các chủ trại thỏ vệ tinh về cách phòng bệnh cho thỏ.
|
Với cương vị một giám đốc doanh nghiệp có doanh thu trên 2 tỷ đồng mỗi năm nhưng ông vẫn tham gia trồng cỏ, chăn thỏ, chế biến thỏ đến giao hàng cùng với người lao động. Ông là Vũ Huy Quang - Giám đốc Doanh nghiệp Quang Thanh, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên.
Làm giàu từ thỏ
7 giờ sáng, khoác lên mình chiếc áo ka ki đã sờn, ông Quang cùng với lái xe vào kho bốc cám thỏ đi giao cho khách. Ở tuổi 63, ông vẫn vác bao cám trên vai đi phăng phăng. Vác xong 15 bao cám đặt lên xe ô tô, ông nói vui: "Đấy chỉ như là một bài thể dục buổi sáng, chưa thấm gì so với sức khỏe của mình". Nếu gặp ông lần đầu trong hoàn cảnh ấy, tôi cũng không dám nghĩ ông là một giám đốc doanh nghiệp.
Sau khi thay trang phục mới, ông lại lên xe đi giao hàng cho khách. Câu chuyện trên đường đi đã cho tôi hiểu hơn nghị lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống của Giám đốc Quang. Đã gần 20 năm "sống chết" với nghề chăn nuôi, chỉ đến giờ, khi đã bước qua cái tuổi 60 và thề “sinh nghề, tử nghệ” với con thỏ, ông Vũ Huy Quang mới thực sự có được thành công. Ban đầu ông mua 7 con thỏ giống Niu-di-lân về nuôi thử.
Năm 2008, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho đi dự tập huấn 15 ngày về kỹ thuật nuôi thỏ ở Sơn Tây, tận mắt thấy các mô hình nuôi thỏ thành công ở tỉnh bạn khiến ông ngày càng say với loài gặm nhấm mắt hồng đáng yêu ấy và ông bắt tay vào đầu tư nuôi thỏ.
Từ 7 con thỏ ban đầu, đến nay, ông đã có tổng đàn trên 3.000 con, trong đó có 400 con thỏ mẹ; tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2011, ông thành lập Doanh nghiệp Quang Thanh chuyên về nuôi thỏ, cung cấp thịt thỏ thương phẩm cho thị trường. Năm 2014, Doanh nghiệp mở rộng thêm ngành nghề kinh doanh cám thỏ, doanh thu mỗi năm trên 2 tỷ đồng.
- Từ đâu mà ông quyết định gắn bó dài lâu và đầu tư lớn cho con thỏ vậy ạ?
- À, cái này thì đúng là một cơ duyên cậu ạ. Tháng 3/2012, may mắn được tham dự Hội thảo về nuôi thỏ cung cấp nguyên liệu làm vắc xin do người Nhật tổ chức tại Ninh Bình, tôi nhận thấy tiềm năng về con thỏ là rất lớn đối với người nông dân. Nhất là, ở Yên Bái đất rộng, lá cây tự nhiên nhiều, người lao động cần cù, chịu khó. Thời gian ấy, tôi đang nuôi 200 con dê, tôi bán dê đầu tư tiền nuôi thỏ. Ông kể.
- Những ngày đầu nuôi thỏ, khó khăn nhất là gì ạ?
- Nhiều khó khăn lắm! Thứ nhất là không có tài liệu, thứ hai là Yên Bái dù đã có người nuôi thỏ nhưng nuôi nhiều với quy mô lớn thì chưa có nên không có mô hình để học tập. Tuy nhiên, khó khăn nhất là chưa có đầu ra. Lúc đó, ở chợ người ta chỉ bán thỏ có 15 nghìn 1 kg và nhà hàng thì chưa đưa món thỏ lên mâm, cỗ đám cưới thì không ăn thịt thỏ. Giọng trầm ngâm, ông kể cho tôi nghe về những ngày đầu khi có thỏ đến lứa xuất chuồng, ông đi khắp các nhà hàng ở Yên Bái để chào bán thỏ.
Thế rồi, con thỏ đã "đi" vào được các nhà hàng, lên mâm cỗ cưới. Theo ông, nuôi thỏ đầu tư không lớn, bởi nguồn thức ăn từ rau, cỏ tự nhiên ăn là chính nên người nông dân vốn ít vẫn chăn nuôi được. Chính vì vậy, ông đã xây dựng Dự án Việt - Nhật để xây dựng nguồn nguyên liệu làm vắc xin cho Công ty Nippon Zoki (Nhật Bản).
Năm 2013, lãnh đạo Công ty Nippon Zoki lên thăm và đánh giá cao Dự án của ông, đồng thời ký kết hợp đồng cung cấp thỏ cho Công ty. Chính điều này đã mở ra cơ hội cho ông và những người nông dân khác trong việc chuyển hướng sang nuôi thỏ để tăng thu nhập vì đầu ra của con thỏ rất lớn và ổn định. Sau gần 8 năm gắn bó với con thỏ, ông Quang đã xây dựng được trên 200 trại thỏ vệ tinh ở Yên Bái cũng như các tỉnh lân cận như Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lai Châu và Sơn La.
Tiếp xúc với chàng trai trẻ Nguyễn Thành Công - một chủ trại thỏ vệ tinh của Doanh nghiệp Quang Thanh ở xã Y Can (Trấn Yên), tôi được biết con thỏ rất dễ nuôi, ít bệnh tật. Từ 10 con thỏ giống ban đầu, sau 1 năm nuôi, gia đình anh đã nhân được 100 lồng thỏ với tổng số 500 con, trong đó có 70 con thỏ mẹ. Anh Công cho biết: “Được ông Quang giúp đỡ, tư vấn về chuồng trại, con giống, kiểm tra về bệnh tật nên con thỏ phát triển rất tốt. Gia đình tôi đang tiếp tục mở rộng chuồng trại để nuôi khoảng 200 con thỏ mẹ”.
Cùng Giám đốc Quang đến thôn Đồng Gianh, xã Minh Quân (Trấn Yên) thăm trại thỏ của gia đình anh Nguyễn Ngọc Lĩnh. Anh cho biết, nuôi thỏ từ năm 2011, đến nay gia đình đã có 100 lồng thỏ mẹ, mỗi tháng xuất bán từ 350 - 370 kg, trừ chi phí lãi trên 10 triệu đồng. Nhờ có con thỏ mà gia đình anh Lĩnh có điều kiện để nuôi 3 con ăn học, mua sắm các vật dụng sinh hoạt cần thiết trong gia đình.
“Nuôi thỏ lãi suất cực nhanh, một con thỏ mẹ thì cứ 40 ngày đẻ một lứa, mỗi lứa đẻ ít nhất 7 con. Với giá bán 90.000 kg/thỏ thịt, 140 nghìn/kg thỏ giống thì sau 1,5 tháng thỏ đã có thể xuất chuồng với trọng lượng từ 2 - 2,5 kg. Việc tiêu thụ thỏ cũng rất thuận lợi, có đến đâu bán hết đến đó, nhiều khi còn bị “cháy” hàng đấy”. Anh Lĩnh vừa chia sẻ vừa phấn khởi cười vui. Không chỉ có anh Lĩnh, anh Công mà nhiều hộ dân đã có thu nhập ổn định từ nuôi thỏ. Hợp đồng của ông Quang với Công ty Nippon Zoki là "chìa khóa" tiếp tục mở ra cơ hội làm giàu cho người nông dân với 3.000 con thỏ xuất bán cho người Nhật mỗi tháng vào năm 2016.
Người dân đến tham quan, học hỏi mô hình nuôi thỏ ở Doanh nghiệp Quang Thanh.
Cơ hội "vàng" đã mở
Đầu ra cho con thỏ đã ổn định, khi ngày 7/9/2015, Doanh nghiệp Quang Thanh đã ký được hợp đồng với công ty Nippon Zoki về việc cung cấp thỏ cho nhà máy chế biến vắc xin. Theo hợp đồng, từ tháng 10 - 12/2015, Doanh nghiệp cung cấp cho nhà máy 2.000 con thỏ, nhưng từ tháng 1/2016 số lượng hợp đồng cung cấp sẽ là 3.000 con thỏ/ tháng. Nếu như năm 2015, doanh thu của Doanh nghiệp đạt trên 2 tỷ đồng thì năm 2016, ông Quang dự tính doanh thu sẽ đạt gần 7 tỷ đồng khi thực hiện tốt hợp đồng với Công ty.
Ông Quang khẳng định: “Đây là cơ hội cho doanh nghiệp chúng tôi và cho những người nuôi thỏ nói chung của tỉnh Yên Bái và các tỉnh lân cận. Công ty của Nhật rất khắt khe trong việc thu mua thỏ song họ lại rất có trách nhiệm với người nông dân. Họ yêu cầu chất lượng con thỏ rất cao, thứ nhất phải là thỏ Niu-di-lân, trọng lượng từ 2,3 kg trở lên, con thỏ phải sạch bệnh, giá bán 178 nghìn đồng/con. Do vậy, chuồng trại nuôi thỏ phải sạch sẽ, người nông dân nên chuyển sang nuôi thỏ theo hình thức công nghiệp, sử dụng đúng loại cám dành cho thỏ…”.
Cùng với việc thu mua thỏ của Doanh nghiệp Quang Thanh, Công ty Nippon Zoki đã xây dựng Dự án đầu tư chăn nuôi, chế biến thỏ công nghệ cao tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn với tổng diện tích đất 30 ha, công suất 25.000 con thỏ/ngày, sản phẩm đầu ra là 2.500 con thỏ/ngày, tổng số vốn đầu tư dự kiến trên 78,6 triệu USD (tương đương 1.700 tỷ đồng), 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, hoàn thành công tác đền bù giải phóng mặt bằng và có giấy phép xây dựng, Công ty sẽ tiến hành xây dựng và dự kiến đến quí I năm 2017 sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.
Là một doanh nghiệp gắn bó với người nông dân, có được thành công như ngày hôm nay, Giám đốc Vũ Huy Quang bày tỏ rõ quan điểm: luôn đặt vị trí của mình vào người nông dân; luôn gắn bó, trung thành và có trách nhiệm với nông dân thì người nông dân sẽ có trách nhiệm và gắn bó với mình. Nếu một doanh nghiệp nghĩ quá nhiều về lợi nhuận, về cái tôi nhiều quá mà không gần gũi với người nông dân thì sẽ không làm cho doanh nghiệp phát triển được. Nâng cao thu nhập cho những người nuôi thỏ chính là nâng cao thu nhập cho chính doanh nghiệp của mình.
Tạm biệt ông “giám đốc của nông dân”, tôi tin ở ông sẽ còn có nhiều thành công hơn nữa, là chỗ dựa tin cậy và vững chắc cho những người nuôi thỏ, tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
Mạnh Cường - Hoài Văn
Các tin khác
YBĐT - Sinh ra trên quê hương Nam Cường nên từng thửa ruộng, nương chè, ngõ xóm và đời sống người dân thế nào, ông Lân là người rất thấu hiểu. Bởi thế, khi biết tôi muốn tìm hiểu về mảnh đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa này, như chạm đúng mạch nguồn cảm hứng của ông.
YBĐT - Đến với vùng cao Trạm Tấu, ấn tượng để lại trong lòng mỗi người là những rừng thông xanh ngút tầm mắt. Đồng bào Trạm Tấu hôm nay đã được hưởng 2 lợi ích từ rừng đó là lợi ích phòng hộ và lợi ích kinh tế. Đằng sau những cánh rừng ngút ngàn ấy là những mảnh đời bình dị, gắn đời mình với rừng cây.
YBĐT - Đỉnh Xéo Dì Hồ ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải quanh năm ngập trong sương trắng giữa bạt ngàn rừng núi hoang vu. Ở đó có những thầy cô giáo trẻ đang lặng lẽ, cần mẫn như người gieo hạt, mang cái chữ đến vùng cao hẻo lánh. Họ đã dệt nên bao huyền thoại về dạy chữ, rèn người.
YBĐT - Trong chuyến công tác ở "vùng đất ngọc", trao đổi với chúng tôi về phong trào hoạt động của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong huyện, Bí thư Huyện đoàn Lục Yên - đồng chí Hoàng Trung Chinh giới thiệu nhiều mô hình phát triển kinh tế điển hình từ sản xuất, chăn nuôi, làm dịch vụ đến chế tác đá quý... Nhưng tôi thực sự ấn tượng với mô hình chăn nuôi tổng hợp gồm cả lợn rừng, hươu sao; gà, vịt của đoàn viên Hoàng Trung Hiếu ở thôn Cốc Há, thị trấn Yên Thế (Lục Yên).