Làm giàu từ chế biến gỗ rừng trồng
- Cập nhật: Thứ tư, 25/11/2015 | 10:19:17 AM
YBĐT - Những năm gần đây, người dân xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã biết phát huy thế mạnh đồi rừng để phát triển kinh tế với các dịch vụ khai thác, chế biến nông, lâm sản, trong đó nổi lên là nghề chế biến gỗ.
Lãnh đạo UBND xã Đại Lịch thăm xưởng sản xuất của gia đình anh Hoàng Tiến Công.
|
Hiện tại, trên địa bàn xã có 5 xưởng sản xuất ván bóc và hộ kinh doanh nhỏ, gia đình anh Hoàng Tiến Công ở thôn Thanh Bồng là một điển hình. Không chỉ làm giàu cho bản thân, xưởng gỗ của anh Công còn giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho một số lao động tại địa phương. Được biết, anh Hoàng Tiến Công là một trong những hộ đầu tiên mở xưởng gỗ bóc ở Đại Lịch.
Trước đó, gia đình anh Công cũng trải qua nhiều nghề từ làm nông nghiệp, kết hợp mở cửa hàng buôn bán tạp hóa sau đó lại làm thêm dịch vụ cho thuê bàn, ghế, bát đũa, phông bạt phục vụ các việc hiếu, việc hỉ. Tuy vậy, kinh tế gia đình cũng chỉ ở mức trung bình, mọi chi tiêu sinh hoạt vẫn phải tằn tiện. Vì thế, anh Công luôn trăn trở tìm hướng đi thích hợp để vươn lên.
Sau nhiều lần đi tham quan học hỏi kinh nghiệm ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, nhận thấy phát triển kinh tế từ rừng là hướng đi tiềm năng, năm 2009 anh Công bàn bạc với gia đình rồi vay mượn người thân, anh em, nội ngoại có được số vốn ban đầu hơn 200 triệu đồng. Anh đầu tư san gạt mặt bằng, xây dựng nhà xưởng chế biến gỗ rừng trồng.
Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm làm nghề cùng những nỗ lực của bản thân, xưởng ván bóc của gia đình anh Công hoạt động đã ngày một hiệu quả. Từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, và các xã lân cận, hàng tháng xưởng chế biến gỗ của anh Công đạt trên 100 m3 gỗ bóc, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động trong xã, với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng ở thời điểm hiện tại.
Anh Tạ Văn Hoàng, người cùng thôn và cũng là một trong những công nhân gắn bó với xưởng sản xuất của gia đình anh Công từ ngày đầu cho biết: “Chúng tôi rất phấn khởi và yên tâm làm việc ở đây vì anh Công rất quan tâm đến người lao động và luôn thanh toán đầy đủ, đúng kỳ hạn các khoản tiền công, tiền thưởng, tiền làm thêm giờ. Vì vậy ai cũng tích cực lao động sản xuất”.
Sau 5 năm hoạt động, biết giữ chữ tín về quy cách, chất lượng sản phẩm nên xưởng chế biến gỗ bóc của anh Công đã được bạn hàng nhiều nơi tìm đến ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Công việc chế biến gỗ ngày một thuận lợi đã mang lại lợi nhuận từ 500 - 600 triệu đồng/năm.
Anh Công cho biết: “Nguồn nguyên liệu gỗ chủ yếu là các loại gỗ rừng trồng như: keo, mỡ, bồ đề được khai thác của gia đình và thu mua của các hộ dân trong và ngoài xã. Quy trình sản xuất gỗ bóc khá đơn giản, các công đoạn từ cắt, bóc vỏ cây, cho tới khi thành phẩm đều do máy móc thực hiện. Tuy vậy, nghề gỗ bóc cũng không thể thuận lợi mãi được bởi còn phải phụ thuộc vào nguyên liệu và thời tiết. Trừ những ngày mưa một năm chỉ làm được từ 6 - 7 tháng. Có khi ván đang phơi gặp trời mưa phải bỏ đi cả loạt”.
Có uy tín, nhu cầu đặt mua hàng ngày càng nhiều, để chủ động hơn về nguyên liệu, anh Công thuê thêm 5 ha đất trồng rừng của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ngòi Lao, thuê người trồng và chăm sóc rừng đến khi đạt độ khai thác, tham gia đấu giá để có thêm nguồn nguyên liệu sản xuất. Từ khi bước vào lĩnh vực kinh doanh nhỏ, việc nộp thuế cho Nhà nước lúc đầu chỉ là 250 nghìn đồng/ tháng, thì đến năm 2015 anh Công đã nộp thuế gần 2 triệu đồng/ tháng.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Tuấn Anh - Chủ tịch UBND xã Đại Lịch cho biết: “Xưởng chế biến gỗ của hộ anh Công giải quyết được việc làm cho một số lao động trong xã đồng thời, tiêu thụ phần lớn sản phẩm gỗ rừng trồng cho các hộ dân ở địa phương và các xã lân cận. Bên cạnh đó, gia đình cũng đã chủ động làm tốt công tác phòng chống cháy nổ và xử lý rác thải tốt, không để ô nhiễm môi trường”.
Năng động nắm bắt thị trường, trong vòng hơn 5 năm tích cực lao động sản xuất, ngoài việc thanh toán hết các khoản nợ đầu tư ban đầu, gia đình anh Công đã xây được căn hộ khang trang rộng hơn 200 m2. Đầu năm nay, gia đình anh đã mua được một chiếc xe ô tô trị giá trên 700 triệu đồng nhằm hỗ trợ công việc giao thương.
Nói về thành công của mình, anh Công chia sẻ: “Trước hết phải nắm bắt và tìm hiểu kỹ về thị trường, biết lắng nghe ý kiến phản hồi từ phía khách hàng. Sản phẩm làm ra phải đảm bảo uy tín, chất lượng và giá cả cũng phải hợp lý. Đồng thời, động viên khuyến khích kịp thời để người lao động tích cực học hỏi nâng cao tay nghề đáp ứng yêu cầu công việc”.
Chế biến gỗ bóc không phải là nghề mới, song anh Công đã kịp thời nắm bắt và phát huy lợi thế của địa phương để có một hướng đi đúng, thành công. Từ năm 2009 đến nay, hội viên nông dân Hoàng Tiến Công đã liên tục nhận được giấy khen của các cấp chính quyền và các ngành của tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi. Không chỉ làm giàu cho gia đình, hàng năm gia đình anh còn tham gia đóng góp ủng hộ các chương trình gây quỹ từ thiện và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Vũ Đồng
Các tin khác
YBĐT - Không chỉ làm món ăn phục vụ, ông Dơn "cũng phải học "Hê - lô", "Thanh - kiu", "Bông - roa", "Méc - xi" để giao lưu với khách Tây".
YBĐT - Nhiều người dân gọi ông với cái tên thân mật “giám đốc của nông dân”, không chỉ bởi doanh nghiệp của ông chuyên kinh doanh về lĩnh vực nông nghiệp mà còn vì dáng vẻ bề ngoài chân chất của ông.
YBĐT - Sinh ra trên quê hương Nam Cường nên từng thửa ruộng, nương chè, ngõ xóm và đời sống người dân thế nào, ông Lân là người rất thấu hiểu. Bởi thế, khi biết tôi muốn tìm hiểu về mảnh đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa này, như chạm đúng mạch nguồn cảm hứng của ông.
YBĐT - Đến với vùng cao Trạm Tấu, ấn tượng để lại trong lòng mỗi người là những rừng thông xanh ngút tầm mắt. Đồng bào Trạm Tấu hôm nay đã được hưởng 2 lợi ích từ rừng đó là lợi ích phòng hộ và lợi ích kinh tế. Đằng sau những cánh rừng ngút ngàn ấy là những mảnh đời bình dị, gắn đời mình với rừng cây.