Từ những nét hoa văn truyền thống
- Cập nhật: Thứ hai, 30/11/2015 | 2:56:33 PM
YBĐT - Những năm gần đây, huyện Mù Cang Chải đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách không chỉ bởi vẻ đẹp của Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang mà còn bởi văn hóa tộc người rất độc đáo ở nơi này, trong đó có nghề dệt thổ cẩm.
Công đoạn vẽ sáp tạo hoa văn cho sản phẩm thổ cẩm.
|
Để tận mắt thấy những đôi bàn tay khéo léo tạo nên những nét hoa văn độc đáo của người Mông trên các sản phẩm thổ cẩm, tôi đã đến xã Chế Cu Nha - nơi có các tổ phụ nữ làm ra các sản phẩm thổ cẩm của người Mông. Chị Hờ Thị Dê - Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã và là nhóm trưởng thêu dệt thổ cẩm chia sẻ: “Làm thổ cẩm là công việc lúc nông nhàn, nên sau mùa gặt chị em mới bắt đầu làm thổ cẩm. Các sản phẩm làm ra đến đâu, bán hết tới đó nên chị em phấn khởi lắm”.
Nhà chị Hảng Thị Lỳ ở bản Háng Tầu Dê có tới 3 thế hệ cùng làm thổ cẩm. Chị Lỳ cho biết: “Người Mông hoa chúng tôi quen dùng vải lanh, nên ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em gái người Mông đã được hướng dẫn trồng lanh và làm thổ cẩm. Đây là công việc không những để thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ mà còn là tiêu chí đánh giá tài năng, phẩm chất của phụ nữ Mông. Trước đây, các sản phẩm thổ cẩm chỉ để phục vụ nhu cầu gia đình, là của hồi môn cho con gái khi lấy chồng. Nhưng từ khi Hội Phụ nữ xã thành lập tổ làm các sản phẩm từ thổ cẩm, lưu giữ nghề truyền thống, mọi người trong gia đình tôi đều đồng tình đăng ký tham gia để có thêm tiền trang trải cho sinh hoạt hàng ngày. Cũng nhờ có tiền từ thổ cẩm mà gia đình tôi đầu tư trồng ngô, lúa nên vài năm nay không còn phải lo thiếu đói giáp hạt”.
Hơn thế, thông qua sự kết nối của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái, Trung tâm Craft Link - Hà Nội đã trở thành bạn hàng thường xuyên của tổ hợp làm thổ cẩm ở xã Chế Cu Nha. Được biết, năm 2009, Hội Phụ nữ xã Chế Cu Nha phối hợp với Trung tâm Craft Link - Hà Nội khảo sát sản phẩm thêu thổ cẩm truyền thống và ngay trong năm, Hội đã thành lập một tổ thêu gồm 28 thành viên là các hội viên phụ nữ của xã. Để tổ hoạt động tốt, Trung tâm Craft Link còn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Mù Cang Chải mở lớp dạy nghề về thêu dệt thổ cẩm, dệt khăn len. Từ các sản phẩm của chị em, Caft Link đã giới thiệu tại các hội trợ triển lãm và quảng bá sản phẩm cho các đoàn khách du dịch quốc tế để từng bước tiếp cận thị trường.
Đến nay, mỗi năm đã có gần 10 nghìn sản phẩm cung cấp cho Trung tâm này và những đơn hàng khách đặt, mang lại thu nhập trên 1 tỷ đồng. Từ đó, thu nhập của chị em ổn định từ 500.000 - 3.000.000 đồng/người/lần giao hàng. Những chị em làm đều tay cũng thu được 3,5 đến 4,5 triệu đồng/người/ tháng, góp phần không nhỏ trong xóa đói giảm nghèo ở vùng cao còn nhiều gian khó này.
Mỗi chị em phụ nữ xã Chế Cu Nha đã tạo ra gần chục nghìn sản phẩm thổ cẩm cung cấp cho khách hàng.
Hiện nay, Hội Phụ nữ xã Chế Cu Nha có 428 hội viên và có trên 30 hội viên đăng ký là thành viên của tổ làm thổ cẩm. Sản phẩm thổ cẩm ở đây rất đa dạng như: thổ cẩm để may váy, áo, khăn quàng, khăn trải bàn, tranh thổ cẩm, dây chìa khóa... Nếu như trước đây, sản phẩm chỉ dành cho hàng đặt thì nay chị em đã nghĩ đến việc làm các sản phẩm lưu niệm mang đậm chất văn hóa vùng Tây Bắc để phục vụ khách du lịch. Trong thời gian tới Hội Liên hiệp phụ nữ xã sẽ tăng cường tìm kiếm thị trường, liên kết với nhiều đối tác để tiêu thụ sản phẩm và cải tiến nâng cao chất lượng mẫu mã của sản phẩm theo thị hiếu người tiêu dùng; chú trọng xây dựng, khai thác và phát triển thương hiệu dệt thổ cẩm để các nghề truyền thống luôn giữ được giá trị, bản sắc riêng của đồng bào dân tộc Mông.
Minh Huyền
Các tin khác
YBĐT - Những năm gần đây, người dân xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã biết phát huy thế mạnh đồi rừng để phát triển kinh tế với các dịch vụ khai thác, chế biến nông, lâm sản, trong đó nổi lên là nghề chế biến gỗ.
YBĐT - Không chỉ làm món ăn phục vụ, ông Dơn "cũng phải học "Hê - lô", "Thanh - kiu", "Bông - roa", "Méc - xi" để giao lưu với khách Tây".
YBĐT - Nhiều người dân gọi ông với cái tên thân mật “giám đốc của nông dân”, không chỉ bởi doanh nghiệp của ông chuyên kinh doanh về lĩnh vực nông nghiệp mà còn vì dáng vẻ bề ngoài chân chất của ông.
YBĐT - Sinh ra trên quê hương Nam Cường nên từng thửa ruộng, nương chè, ngõ xóm và đời sống người dân thế nào, ông Lân là người rất thấu hiểu. Bởi thế, khi biết tôi muốn tìm hiểu về mảnh đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa này, như chạm đúng mạch nguồn cảm hứng của ông.