Những thanh niên trồng rau sạch
- Cập nhật: Thứ ba, 1/12/2015 | 9:42:29 AM
YBĐT - Câu chuyện về hai thanh niên trẻ Phạm Văn Cường, sinh năm 1989 và Trần Văn Quân, sinh năm 1990 ở thôn 6, xã Đại Phác (Văn Yên) mạnh dạn đầu tư tiền tỷ để xây dựng, thành lập Hợp tác xã Thanh niên Q&C chuyên sản xuất rau, củ quả sạch là hiếm, nhất là đối với một tỉnh miền núi như Yên Bái.
Đến nay, Hợp tác xã Thanh niên Q&C có gần 2,9 ha đất chuyên sản xuất rau, củ, quả sạch.
|
Được thông báo trước, Cường và Quân chờ chúng tôi ở nông trại. Pha vội ấm trà mời khách, Cường bật mí về cơ duyên với nghề trồng rau: “Trước khi đến mô hình này, chúng tôi đã trải qua nhiều nghề như: lái xe, sửa xe máy, đại lý gas, xưởng cơ khí... nhưng tất cả đều thu nhập bấp bênh, không ổn định. Nhận thấy đất đai của địa phương khá màu mỡ, trong khi đó, qua các phương tiện thông tin đại chúng thấy ngày càng có nhiều vụ ngộ độc thức ăn do ăn rau không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc... nên chúng tôi đã nảy ra ý tưởng trồng rau sạch để cung cấp ra thị trường”.
Nói là làm, Cường và Quân khăn gói lên đường đến các vùng trồng rau sạch nổi tiếng như: Mộc Châu (Sơn La), Tam Dương (Vĩnh Phúc), Gia Lâm (Hà Nội)... để học hỏi kinh nghiệm về sản xuất rau sạch. Cùng với quỹ đất của nhà, đến nay, Cường và Quân đã thuê, chuyển đổi được 2,9 ha đất làm mô hình sản xuất rau, củ, quả sạch với các giống như: cà chua, bí đỏ, bí xanh, bầu, đỗ, đậu, dưa chuột, củ cải và rau ăn lá... được người dùng tin tưởng cao.
Rau sạch của Hợp tác xã Thanh niên Q&C được người dân tin dùng.
Cầm mớ rau cải thìa xanh mơn mởn, anh Cường phấn khởi khoe: “Trời không phụ công người. Ngay lứa đầu, chúng tôi cũng thu hoạch về hơn 10 tấn, trung bình mỗi tấn bán ra thị trường cũng được 10 triệu đồng”. Nghe mà mừng thầm, thán phục nghị lực của hai chàng trai trẻ ở vùng nông thôn còn khó khăn này. Ở cái tuổi 24, 25 mà trong tay họ đang sở hữu một hợp tác xã chuyên sản xuất rau, củ, quả sạch, mỗi lứa cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 8 - 12 lao động. Khi được hỏi về trồng rau có khó không, Cường và Quân đồng thanh bảo:
“Không khó. Chỉ có điều nghề trồng rau chẳng khác gì nuôi con mọn, phải luôn tay, luôn chân”. Nói xong, hai bạn trẻ dẫn tôi đi tham quan nông trại. Từng luống cà chua, dưa chuột... được bố trí bài bản. Miệng nói, tay làm, các anh nhặt từng cụm cỏ mọc xen kẽ trong các khóm rau, bắt từng con sâu bám trên lá cải thìa rất chuyên nghiệp.
- Sao không phun thuốc cho đỡ cỏ mọc và sâu ăn? - tôi hỏi.
- Ban đêm, chúng tôi dùng ánh sáng điện để bắt sâu, bọ và các loại côn trùng khác, đồng thời chế các dược phẩm sinh học như ớt, tỏi, nước vôi... để phòng trừ sâu, bệnh. Cách này rất hiệu quả lại không gây độc hại đến người tiêu dùng - Quân và Cường cười và chỉ tay vào chậu nước, phía trên có bóng điện.
- Bí quyết thành công trong nghề trồng rau là gì?
- Phải biết chọn giống tốt, chế độ phân bón hợp lý và xem từng cây rau như chính đứa con tinh thần của mình. Ngoài ra, phải biết dự đoán tốt về thời tiết để có kế hoạch phòng, chống - không ngần ngại Cường trả lời ngay.
Đang mải mê trao đổi về kinh nghiệm trồng rau với Cường thì chuông điện của Quân reo:
- Alô! Em lấy cho chị 10 kg cải thìa nhé!
- Vâng! Chị chờ 15 phút nhé.
Mới vụ đầu tay mà người dân trong vùng và các xã lân cận đã biết đến thương hiệu của Hợp tác xã Thanh niên Q&C. Đến nay, nhiều trường học đã đặt hàng cung cấp thực phẩm cho học sinh. Cô giáo Phạm Thị Phương - giáo viên Trường Mầm non Đại Sơn cho biết: “Được biết, đây là hợp tác xã sản xuất rau sạch, nhà trường đã đặt 8 kg/tuần để phục vụ cho các cháu. Ăn rau ở đây rất yên tâm, chúng tôi không lo bị ngộ độc nên ngoài ra việc đặt rau cho nhà trường, các cô giáo trong trường đều mua về ăn”. Tuy nhiên, hợp tác xã vẫn chỉ cung cấp tại chỗ và một số trường học đặt hàng. Vì vậy, khi đã hình thành được vùng sản xuất chuyên canh về rau sạch, đầu ra cho sản phẩm vẫn là bài toán mà những thanh niên này cần được các ngành chức giúp đỡ. Dù phía trước còn gặp nhiều khó khăn và thử thách nhưng tôi tin, với ý chí của những thanh niên trẻ dám nghĩ, dám làm sẽ biến mỗi tấc đất thành một tấc “vàng”.
Văn Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Những năm gần đây, huyện Mù Cang Chải đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách không chỉ bởi vẻ đẹp của Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang mà còn bởi văn hóa tộc người rất độc đáo ở nơi này, trong đó có nghề dệt thổ cẩm.
YBĐT - Những năm gần đây, người dân xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã biết phát huy thế mạnh đồi rừng để phát triển kinh tế với các dịch vụ khai thác, chế biến nông, lâm sản, trong đó nổi lên là nghề chế biến gỗ.
YBĐT - Không chỉ làm món ăn phục vụ, ông Dơn "cũng phải học "Hê - lô", "Thanh - kiu", "Bông - roa", "Méc - xi" để giao lưu với khách Tây".
YBĐT - Nhiều người dân gọi ông với cái tên thân mật “giám đốc của nông dân”, không chỉ bởi doanh nghiệp của ông chuyên kinh doanh về lĩnh vực nông nghiệp mà còn vì dáng vẻ bề ngoài chân chất của ông.