Nơi niềm tin chiến thắng
- Cập nhật: Thứ ba, 1/12/2015 | 3:43:21 PM
YBĐT - Tiết trời hanh hao nắng lúc chớm đông, chúng tôi đến với lớp học của các em ở Trung tâm Trợ giúp và Can thiệp sớm trẻ khuyết tật (TTTG&CTSTKT) Hương Giang, phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái). Chị Lương Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm, đã kể về chuyện đời, chuyện nghề của chị.
Chị Lương Thị Thu Hà (giữa) cùng cô giáo hướng dẫn bé Hà Anh Tuấn tìm hiểu về số đếm.
|
Qua đó, chúng tôi càng hiểu hơn sức mạnh, tình yêu thương của người mẹ dành cho con; sự đồng cảm với những người cha, người mẹ có hoàn cảnh giống như chị. Và câu chuyện chị kể cứ cuốn chúng tôi vào một thế giới khác - thế giới mà ở đó, tình yêu thương như sức mạnh vô hình đưa trẻ khuyết tật vươn lên chiến thắng bệnh tật...
Từ một người mẹ hết lòng vì con...
Sinh năm 1982, như bao người phụ nữ khác, học xong đại học, chị Lương Thị Thu Hà lập gia đình. Năm 2007, bé gái đầu tiên ra đời trong sự hân hoan của cả gia đình. Khi bé đầu được 3 tuổi, anh chị quyết định sinh đứa thứ 2 và thêm một công chúa bé nhỏ chào đời với đôi mắt sáng, khuôn mặt xinh xắn, đáng yêu được đặt tên là Lưu Hương Giang. Nhưng từ khi bé Hương Giang được 18 tháng tuổi, cũng là lúc nỗi buồn ập đến với gia đình chị . Những linh cảm không tốt đến với vợ chồng chị, khi anh chị nhận thấy triệu chứng bất thường của con, đó là khi gọi tên, bé Hương Giang không biết quay lại và cháu cũng không biết nói. Hai vợ chồng chị quyết định cho con đi khám và kết quả nhận được từ bác sỹ là bé bị khiếm thính. Khó khăn lắm, anh chị mới tự thuyết phục được bản thân mình rằng, con gái mình bị khiếm thính và càng khó khăn hơn khi anh chị luôn tự động viên, an ủi nhau rằng, sẽ có một phương thuốc để chữa được cho con mình.
... Đến thành lập Trung tâm
Ở những nơi đưa con đến điều trị, chị Hà gặp rất nhiều người Yên Bái cùng hoàn cảnh như mình đưa con đi điều trị. Điều đặc biệt hơn là, có nhiều cô giáo dạy ở các trung tâm lại là người Yên Bái. Được gặp, được nghe, được nhìn cách mà các cô giáo ở các trung tâm giúp trẻ em khuyết tật được trở về với cuộc sống bình thường, trong chị luôn trăn trở suy nghĩ, tại sao Yên Bái có nhiều trẻ khuyết tật mà tỉnh chưa có trung tâm phục hồi chức năng và can thiệp sớm để giúp các gia đình như chị bớt đi phần nào những khó khăn về thời gian, chi phí và các cô giáo cũng sẽ được dạy tại tỉnh?
Chia sẻ những suy nghĩ của mình, chị Hà đã được bác Trần Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Nam Định nhận giúp đỡ, hướng dẫn mở trung tâm trợ giúp trẻ khuyết tật tại Yên Bái. Với cái nhìn hết sức đặc biệt về những con người khuyết tật, bằng cả tấm lòng yêu thương vô bờ đối với những phận đời đáng thương, dù gặp phải không ít khó khăn, song với sự quyết tâm của bản thân và được Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, chính quyền địa phương giúp đỡ, TTTG&CTSTKT Hương Giang chính thức được thành lập từ tháng 1/2014 trong sự vui mừng của những gia đình có con bị khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
Những trẻ đến đây vì bị khiếm thính, tự kỷ, mắc bệnh down, chậm phát triển trí tuệ, ngôn ngữ... đều được các cô giáo dành cho những tình cảm thân thương, trìu mến. Để giúp tôi hiểu hơn về môi trường giáo dục chuyên biệt này, chị Hà đưa đi tham quan phòng học của các em. Cô giáo Tô Thị Thảo đang dạy bé Hà Anh Tuấn tìm hiểu và nói tên các con vật. Nhìn cách cô kiên trì, nhẫn nại hướng dẫn mới thấy hết được tình yêu thương của cô dành cho trẻ khuyết tật. Chia sẻ về công việc, cô giáo Thảo cho biết: "Để hiểu về thế giới đặc biệt của các em, tôi luôn tìm hiểu tâm lý, nắm bắt sở thích của trẻ để có cách dạy riêng thu hút các em hướng vào bài học. Cụ thể, mình phải nói thật chậm, dễ hiểu, nhắc đi nhắc lại nhiều lần và có những hành động minh họa để trẻ dễ nhớ, dễ nhận biết, hứng thú với bài giảng. Qua thời gian, thấy các em dần tiếp nhận được kiến thức, phát triển tốt, chúng tôi thấy rất vui và có thêm động lực gắn bó với nghề".
Để có những phương pháp tốt nhất trợ giúp, can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật, chị Hà đã kết nối để giáo viên của Trung tâm được bồi dưỡng nâng cao kiến thức, tham gia các chương trình tập huấn về phát triển ngôn ngữ và thính học của Quỹ Toàn cầu tại Viện Nhi trung ương, giáo dục hòa nhập của tổ chức GVI Hoa Kỳ... Đồng thời, thường xuyên mời các chuyên gia hãng Coochler, Trung tâm Phát triển ngôn ngữ AVT Sunny Hà Nội lên tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm cho các cha mẹ có con bị khuyết tật, hướng dẫn nuôi dạy con khuyết tật tại nhà.
Sức mạnh của niềm tin
Gần 2 năm hoạt động, Trung tâm có gần 100 trẻ theo học. Anh Hà Kiên Cường ở khu 2A, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (huyện Văn Chấn), bố của bé Hà Anh Tuấn cho biết: bé Tuấn bị bệnh khiếm thính. Qua sự giới thiệu, anh cho cháu về TTTG&CTSTKT Hương Giang từ tháng 7/2015. Sau gần 5 tháng theo học, gia đình vui mừng khôn xiết vì cháu đã biết gọi mẹ, gọi ba, nhận biết được các chủ đề đơn giản. Mỗi tuần gia đình phải có một người về chăm sóc cháu. Cho dù phải thuê trọ, ăn ở vất vả, tốn kém nhưng thấy con phát triển tốt nên gia đình đã có thêm động lực để cố gắng". Còn chị Đỗ Thị Thúy ở phường Yên Thịnh (thành phố Yên Bái) không giấu nổi những giọt nước mắt mừng vui khi con gái Phạm Phương Thu bị tự kỷ nay đã nhanh nhẹn hơn rất nhiều và chủ động tham gia các hoạt động do các cô giáo tổ chức. Những tiếng trẻ bi bô đọc chữ, đọc số và tên các con vật vẫn chưa sõi... dù mới chỉ là thành công bước đầu, dù biết là khó khăn vẫn còn nhiều phía trước, song đó cũng là niềm tin ban đầu mở ra cánh cửa hy vọng...
Niềm vui ấy được hiện rõ trên khuôn mặt chị Hà khi nói về cô con gái Lưu Hương Giang giờ đã 5 tuổi: "Nhờ được can thiệp sớm về ngôn ngữ nên giờ cháu đã biết hát, biết đọc thơ và có thể giao tiếp cơ bản, đó là mong đợi rất lớn của tôi. Tôi muốn nói với các phụ huynh rằng, đừng thất vọng mà hãy có niềm tin bởi chính tình yêu thương giành cho con cái luôn có một sức mạnh vô hình và sẽ chiến thắng mọi khó khăn".
Là người hiểu hơn ai hết những khó khăn của các gia đình có con bị khuyết tật, chị Hà luôn cố gắng kết nối với các ban, ngành, đoàn thể địa phương và phối hợp với báo Quân đội Nhân dân, Trung tâm Trợ thính Thiên Đức - Hà Nội để thực hiện các chương trình từ thiện nhân đạo, tặng máy trợ thính, xe lăn và tiền mặt cho một số trẻ bị khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn tại Yên Bái. Nhận được sự đồng hành và giúp sức của các tổ chức, cá nhân, chị Hà cảm thấy mình sống có ý nghĩa hơn trong cuộc đời này. Trong ánh mắt, lời nói của chị Lương Thị Thu Hà, tôi nhận thấy một sức mạnh niềm tin mà không phải ai cũng có được. Và hy vọng, với sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm, TTTG&CTSTKT Hương Giang sẽ mang đến những điều tuyệt vời nhất cho các em không may mắn, các em sẽ có niềm tin vào tương lai, như đóa hướng dương hướng về mặt trời...
Thanh Chi
Các tin khác
YBĐT - Câu chuyện về hai thanh niên trẻ Phạm Văn Cường, sinh năm 1989 và Trần Văn Quân, sinh năm 1990 ở thôn 6, xã Đại Phác (Văn Yên) mạnh dạn đầu tư tiền tỷ để xây dựng, thành lập Hợp tác xã Thanh niên Q&C chuyên sản xuất rau, củ quả sạch là hiếm, nhất là đối với một tỉnh miền núi như Yên Bái.
YBĐT - Những năm gần đây, huyện Mù Cang Chải đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách không chỉ bởi vẻ đẹp của Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang mà còn bởi văn hóa tộc người rất độc đáo ở nơi này, trong đó có nghề dệt thổ cẩm.
YBĐT - Những năm gần đây, người dân xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã biết phát huy thế mạnh đồi rừng để phát triển kinh tế với các dịch vụ khai thác, chế biến nông, lâm sản, trong đó nổi lên là nghề chế biến gỗ.
YBĐT - Không chỉ làm món ăn phục vụ, ông Dơn "cũng phải học "Hê - lô", "Thanh - kiu", "Bông - roa", "Méc - xi" để giao lưu với khách Tây".