Về vùng triệu phú ngô đồi

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/12/2015 | 10:02:42 AM

YBĐT -Loại cây vốn dĩ rất quen thuộc trong cái nghèo, một ngày vào nghị quyết của Đảng trở thành loại cây đột phá cho chiến dịch xóa đói giảm nghèo vùng cao. 

Cán bộ Phòng Nông nghiệp -Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu và lãnh đạo xã Trạm Tấu kiểm tra sinh trưởng một số giống ngô năng suất cao được trồng khảo nghiệm tại xã Trạm Tấu. (Ảnh: Hữu Hà)
Cán bộ Phòng Nông nghiệp -Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu và lãnh đạo xã Trạm Tấu kiểm tra sinh trưởng một số giống ngô năng suất cao được trồng khảo nghiệm tại xã Trạm Tấu. (Ảnh: Hữu Hà)

Không biết bao nhiêu thế hệ người Mông ở thôn Tấu Dưới, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu mơ ước tìm được một loại cây trồng trở thành hàng hóa. Giữa mảnh đất vùng cao nhọc nhằn, nhìn trước, nhìn sau đều thấy đồi với núi, như già làng Mùa A Sùng chia sẻ: “Cuộc sống người Mông trước đây đói nghèo đeo bám do tập quán sản xuất lạc hậu, tự cung, tự cấp. Vì vậy, họ khát khao có thể làm ra một loại nông sản dễ tiêu thụ, đem lại ngay lợi ích kinh tế trước mắt. Thế rồi, nhờ có bao thế hệ đội ngũ cán bộ lãnh đạo miền xuôi lên công tác, với bao thử nghiệm giống mới, cây trồng mới. Sau nhiều trăn trở, trồng, nhổ đi, rút kinh nghiệm thực hiện, kết quả lại chính là cây ngô vốn dĩ rất quen thuộc trở thành cây ngô “nghị quyết” mang lại cuộc sống ấm no hơn cho đồng bào thôn Tấu Dưới quê tôi. Để giờ đây, Tấu Dưới trở thành vùng ngô hàng hóa lớn nhất xã với nhiều triệu phú ngô đồi”.

Mang theo câu chuyện của già làng Mùa A Sùng, chúng tôi men theo con đường núi ngoằn ngoèo, được Đảng quan tâm mở rộng thênh thang hơn về thôn Tấu Giữa, đi cùng có người bạn đồng hành là anh cán bộ khuyến nông Hà Sông Thao, người đã gắn bó với mảnh đất này ngót 10 năm. Anh thân thuộc đến nỗi, người Mông ở Trạm Tấu thay vì gọi tên giống lúa mới khó nhớ lại gọi thành giống lúa “cán bộ Thao” và bất kỳ người nông dân xã Trạm Tấu nào cũng biết đến anh. Đây đúng là dịp cuối vụ ngô hè thu, người nông dân mải miết thu nốt những triền ngô muộn, vỏ đã khô trắng.

Ông Giàng Nỏ Chua nhìn thấy chúng tôi cười khoái trá, kể bằng cái giọng sang sảng: “Trước đây, cán bộ về nói đến việc trồng ngô đồi thay cây lúa nương, tôi nghe như chuyện trên trời, cây ngô với người Mông có từ xửa từ xưa, có ai giàu lên được từ nó đâu. Họ càng nói, tôi càng nghe thấy như nói phét. Nghe thế thôi, tôi cũng chẳng trồng thêm làm gì, lúc ấy nghĩ rằng, trồng ra không biết mang đi đâu, gia súc ăn không hết có mà đổ ra đường, trong khi lúa gạo đang thiếu. Ấy vậy mà năm đầu có cán bộ, đảng viên trồng trước, họ thu về ngô chưa kịp khô đã có người đến mua tận nơi. Năm thứ 2, bản làng nhiều người trồng hơn, có đường rồi, ô tô, xe máy của thương lái rồng rắn lên đây mua ngô. Dân bản thích quá! Nhà nhà thi đua trồng ngô”.

Nói rồi, ông Chua khoát tay chỉ vạt đồi rộng trước mắt kể tiếp: “Toàn bộ diện tích này trước đây trồng lúa nương, mỗi năm vài chục bao thóc, chỉ đủ cho 9 khẩu trong gia đình ăn, gia súc nuôi theo kiểu “trời sinh voi, sinh cỏ” nên chẳng có năng suất. Rồi “mục sở thị” kết quả mà cây ngô đồi mang lại, bản tôi chuyển hết diện tích lúa nương sang trồng ngô. Vụ này, 3 ha ngô hè thu mang về năng suất 23 tạ/ha. Gia đình có thêm thu nhập". Bằng những sáng tạo trong sản xuất, từ một hộ nghèo, thiếu ăn, gia đình ông Chua nay trở thành hộ khá của xã với thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm từ nông sản và gia súc. Bên cạnh đó, còn có 4 con trâu làm “của để dành". Ngôi nhà gỗ khang trang, kiên cố, tiện nghi không kém những ngôi nhà vùng thấp.

Kỳ tích ở Tấu Dưới còn phải kể đến gia đình Giàng A Lù. Một thời niên thiếu khó khăn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc khiến quyết tâm làm giàu luôn bùng cháy trong Giàng A Lù. Thế nhưng, khi cây ngô vốn đã sinh ra trước khi có Lù trên đời được đưa vào nghị quyết của thôn là cây trồng sẽ thành hàng hóa, giúp bà con giảm nghèo, Lù cũng cho rằng: "Đấy là chuyện của mấy ông lắm chữ, ngồi rỗi không hiểu tập quán của đồng bào cứ phán bừa. Giàu được từ ngô thì cả bản này giàu từ lâu rồi”.

Ấy vậy mà cũng như ông Chua, từ những nương ngô "đảng viên" đem lại thu nhập, khi tư thương ùn ùn lên bản mùa thu hoạch, Lù quyết định làm liều, có bao nhiêu ruộng nương chuyển tất sang trồng ngô đồi, với 1,5 ha ngô, 1 năm 2 vụ. Giá cao 5.000 đồng/kg, xuống thấp cũng 2.500 - 4.000 đồng/kg. Không lo ẩm mốc vì thu đến đâu có người mua đến đó. Nay Giàng A Lù đã trở thành hộ giàu của xã, là điển hình tiên tiến của quê hương, làng bản. Lù chia sẻ: "Cũng nhờ Đảng quan tâm, mở đường rồi Nhà nước cấp giống, sự nhiệt tình của cán bộ hướng dẫn bà con trồng có kỹ thuật, vận động dân mạnh dạn chuyển đổi, cuộc sống gia đình tôi nay bước sang một trang mới. Phấn khởi lắm!".

Ở Tấu Dưới, phong trào trồng ngô đồi thay lúa nương cứ "rào rào" như thế. Mùa này đang thu hoạch ngô hè thu, trong cái tiết trời "đỏng đảnh" lúc mưa, lúc nắng, đồng bào Mông thôn Tấu Dưới rộn ràng những câu chuyện nhà nông. Trong câu chuyện của họ phải kể đến cái sự lì lợm của gia đình Giàng Nhà Lử. Cả bản làm kinh tế mà Lử cứ kệ vì như Lử bảo: "Nghèo mãi cũng quen". Ấy vậy mà cái không khí sôi sục làm kinh tế của dân bản làm Lử không thể ngồi yên được. Lử cười giòn tan: “Nhà nước cho giống mình trồng ngô luôn, trồng ngô để nuôi gia súc, thừa thì bán, có "tiền tươi", phấn khởi lắm cán bộ huyện ạ! Năm 2015 này mình thoát nghèo rồi. Hóa ra, ranh giới giữa cái khá, cái nghèo cũng không hề xa như mình nghĩ. Cây ngô "nghị quyết" này đúng là tuyệt vời thật!".

Bà con thôn Tấu Dưới, xã Trạm Tấu thu hoạch ngô.

Chuyện về cây ngô đồi ở Trạm Tấu lạ đến là vậy. Loại cây vốn dĩ rất quen thuộc trong cái nghèo, một ngày vào nghị quyết của Đảng trở thành loại cây đột phá cho chiến dịch xóa đói giảm nghèo vùng cao. Ở Tấu Dưới, nhờ sự quyết liệt, sáng tạo trong vận động và sự kiên trì nhẫn nại của cán bộ, đảng viên đã trở thành một vùng đất xuất hiện nhiều triệu phú ngô đồi giữa miền đất còn muôn vàn gian khó. Trưởng thôn Giàng A Sáy phấn khởi ra mặt, ông tâm sự: "Nhờ có nguồn thu từ ngô đồi, chẳng riêng gì hộ nhà mình, nhiều hộ khác đã thoát nghèo. Tiêu biểu như nhà Chua, Lử, Giàng Sấu Giang còn là hộ khá giàu tiêu biểu của cả xã. Thôn mình trở thành lá cờ đầu trong phát triển kinh tế của xã nhà. Tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn hết các thôn, bản khác".

Rồi Giàng A Sáy phấn khởi kể, thôn có 112 hộ trồng ngô đồi với tổng cộng 95 ha ngô hè thu và 136 ha ngô xuân. Sản lượng 2 vụ khoảng 558 tấn mỗi năm, nhà nhiều đất thì trồng từ 2 - 3 ha, ít hơn như nhà bà Giàng Thị Mo, Hảng A Dia cũng có mấy nghìn mét vuông. Đến thời điểm này, cả thôn có 72 hộ chuyển đổi lúa nương năng suất thấp sang trồng ngô đồi. Vì vậy, đời sống người dân thôn Tấu Dưới cải thiện đáng kể. Trồng ngô lấy thu nhập là chính, phụ phẩm từ ngô để chăn nuôi gia súc hoặc đốt lấy tro tăng độ mùn cho đất. Giàng A Sáy chậc chậc: "Trồng nhiều ngô đúng là tốt thật, giá như nghĩ ra từ ngày xửa, ngày xưa chắc dân đã hết nghèo".

Một năm kế hoạch sắp về đích, thôn Tấu Dưới vui mừng với thành quả vượt xa chỉ tiêu lúc đầu về cây lương thực; trong đó, cây ngô đồi đóng vai trò chủ đạo. Thời tiết mới lập đông, khi ngô lúa đầy bồ, đồng bào Mông thôn Tấu Dưới lại tất bật làm cây rơm dự trữ thức ăn cho đại gia súc, với đàn lợn và đàn gia cầm, dân bản không còn nỗi lo thiếu thức ăn cho chúng. Trưởng thôn Sáy vẫn còn tham vọng lớn lắm vì nay lương thực bảo đảm, cây ngô đồi thành cây hàng hóa, người dân muốn biến đất này thành vùng chăn nuôi thực phẩm sạch. Anh Sáy bảo, mơ ước này hôm nay nghe có vẻ buồn cười như chuyện ngô đồi cách đây 3 năm vào nghị quyết. Nhưng hy vọng, trong tương lai gần, nó sẽ thành sự thật. Phó chủ tịch xã Trạm Tấu - Mùa A Páo tự hào nói: "Hiện nay, xã đang đứng đầu các khối thi đua các xã về làm kinh tế. Nếu thôn, bản nào cũng làm kinh tế như ở Tấu Dưới thì chắc chắn trong tương lai chúng tôi sẽ là xã đầu tiên thoát nghèo bền vững".

Chúng tôi chào về đến mấy lần vẫn thấy anh Trạm phó Trạm Khuyến nông huyện - Hà Sông Thao tranh thủ dặn dò bà con trồng cấy, chăm sóc gia súc. Đúng là thành công ở địa phương nào cũng cần có những cán bộ nhiệt huyết với công việc như thế!

Phương Thùy (Đài TT – TH huyện Trạm Tấu)

Các tin khác
Chị Đặng Thị Hiền Thu trong giờ làm việc.

YBĐT - Những nữ thủ quỹ của ngành Tài chính, Ngân hàng dưới đây là thí dụ điển hình về những con người thanh liêm ấy.

Các cháu mẫu giáo ở điểm trường Tống Trong quây quần bên thầy giáo Thào A Tủa. (Ảnh: Quyết Thắng)

YBĐT - Chuyện giáo viên mầm non là nữ chẳng có gì lạ, bởi nghề “cô nuôi dạy trẻ” được coi là nghề dành cho phái yếu. Song, những thầy giáo mầm non mà chúng tôi được gặp tại huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải đã khiến chúng tôi phải thay đổi quan niệm về giới tính và nghề nghiệp. Chúng tôi gọi họ là những "người thầy đặc biệt” đang ngày ngày miệt mài gieo ươm những mầm non nơi vùng cao.

Chị Lương Thị Thu Hà (giữa) cùng cô giáo hướng dẫn bé Hà Anh Tuấn tìm hiểu về số đếm.

YBĐT - Tiết trời hanh hao nắng lúc chớm đông, chúng tôi đến với lớp học của các em ở Trung tâm Trợ giúp và Can thiệp sớm trẻ khuyết tật (TTTG&CTSTKT) Hương Giang, phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái). Chị Lương Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm, đã kể về chuyện đời, chuyện nghề của chị.

Đến nay, Hợp tác xã Thanh niên Q&C có gần 2,9 ha đất chuyên sản xuất rau, củ, quả sạch.

YBĐT - Câu chuyện về hai thanh niên trẻ Phạm Văn Cường, sinh năm 1989 và Trần Văn Quân, sinh năm 1990 ở thôn 6, xã Đại Phác (Văn Yên) mạnh dạn đầu tư tiền tỷ để xây dựng, thành lập Hợp tác xã Thanh niên Q&C chuyên sản xuất rau, củ quả sạch là hiếm, nhất là đối với một tỉnh miền núi như Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục