Cô giáo “giỏi việc nước, đảm việc nhà”
- Cập nhật: Thứ năm, 3/12/2015 | 2:53:34 PM
YBĐT - “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”- đó là đánh giá, cảm nhận của lãnh đạo, bạn bè, đồng nghiệp và học sinh về cô giáo Nguyễn Thị Gấm - giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong, thị trấn Yên Thế (Lục Yên). Chị cũng là tấm gương tiêu biểu “giỏi việc nước, đảm việc nhà” của ngành giáo dục huyện Lục Yên.
Cô giáo Nguyễn Thị Gấm trong giờ lên lớp.
|
Sinh năm 1979 tại huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, học hết phổ thông, để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo, Gấm theo học ngành sư phạm. Ra trường, chị được thực hiện nhiệm vụ cao cả “gieo chữ, trồng người” ở Trường THCS Nguyễn Thái Học, xã Minh Xuân (Lục Yên). Những ngày đầu đứng lớp, cũng giống như bao giáo viên trẻ khác Gấm gặp nhiều bỡ ngỡ, khó khăn, nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ, chị từng bước chiến thắng bản thân, đứng lớp với nhiệt huyết và niềm say mê cháy bỏng, cống hiến những kiến thức, chuyên môn cho các em, giúp học sinh giành được nhiều thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Năm học 2014 - 2015, theo sự phân công của tổ chức, Gấm chuyển về giảng dạy tại Trường THCS Lê Hồng Phong (Lục Yên). Với chuyên môn vững, chị được giao nhiệm vụ giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi môn Sinh học cấp huyện, tỉnh. Để truyền đạt được những kiến thức tốt nhất cho các em trong quá trình ôn luyện, Gấm đã có nhiều sáng kiến được hội đồng sáng kiến cấp cơ sở đánh giá và áp dụng có hiệu quả trong giảng dạy.
Tiêu biểu như: năm học 2011 - 2013 với sáng kiến “Một vài kinh nghiệm dạy học phần di truyền và biến dị Sinh học 9 theo phương pháp dạy học tích cực” được xếp loại xuất sắc; năm học 2014 - 2015 với sáng kiến “Một số kinh nghiệm trong dạy học các bài thực hành phần di truyền và biến dị môn Sinh học 9 cấp THCS” được xếp loại xuất sắc. Những sáng kiến, kinh nghiệm của Gấm đã được đúc rút trong quá trình giảng dạy bộ môn, kết hợp giữa nghiên cứu thực tiễn và lý luận, được áp dụng có hiệu quả trong giảng dạy Sinh học ở cả 2 phía giáo viên và học sinh, điều đó đã được chứng minh qua các kỳ thi Sinh học cấp huyện, tỉnh. Trong 3 năm gần đây Gấm đã có 12 em học sinh giỏi cấp huyện, 6 học sinh giỏi cấp tỉnh.
Không chỉ là một giáo viên dạy giỏi, Gấm còn có lối sống thân thiện, hòa nhã với đồng chí, đồng nghiệp, sống trung thực, lành mạnh, giản dị, gương mẫu, được đồng nghiệp và học sinh yêu mến, tín nhiệm. Chị và gia đình cũng luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nuôi dạy con tốt, gia đình hạnh phúc. Cô giáo Phạm Phương Thảo - giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong cho biết: “Là đồng nghiệp công tác cùng trường, thấy được lòng nhiệt huyết cùng những thành tích chị Gấm đã đạt được thì thực sự đây là một tấm gương sáng để anh chị em giáo viên trong trường học tập và noi theo”.
Ngoài ra, trong sinh hoạt chi bộ cũng như họp cơ quan, Gấm đều phát huy tinh thần dân chủ, triển khai công việc khoa học, động viên cán bộ, giáo viên gắn bó với nhà trường, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, cùng với Ban giám hiệu nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên; đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt các tổ chuyên môn để giúp giáo viên có phương pháp giảng dạy tốt.
Gần 16 năm gắn bó với sự nghiệp "trồng người", dù ở đâu, đảm nhận vị trí nào, cô giáo Nguyễn Thị Gấm cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và ghi dấu ấn của mình ở cương vị ấy, điển hình như liên tục từ năm học 2003 - 2004 đến nay Gấm đều đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; trong 2 năm học 2011 - 2012 và năm học 2013 - 2014 chị đạt Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh; 4 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ qua các năm học; bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh về thực hiện tốt phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; đồng thời Gấm cũng xuất sắc đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2009 - 2010 và năm học 2012 - 2013.
Ông Vũ Tô Hoàng - Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Yên khẳng định: “Cô Gấm là một trong những giáo viên trẻ tiêu biểu của ngành giáo dục huyện Lục Yên, đồng thời cũng là giáo viên nòng cốt trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của huyện. Trong những năm qua, chất lượng giáo dục các môn cô Gấm dạy đều được nâng cao, với những thành tích đã đạt được hiện nay cô giáo Nguyễn Thị Gấm đang làm hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen”.
Luôn tâm niệm, phần thưởng quan trọng nhất không phải là những bằng khen, giấy khen mà là sự trưởng thành của từng thế hệ học trò, sự vững bước đi lên của Trường THCS Lê Hồng Phong, cô Gấm luôn tự hứa với bản thân, phải làm tốt hơn nữa, giành nhiều thành tích hơn nữa trong sự nghiệp “trồng người” để xứng đáng với lòng tin yêu của lãnh đạo, đồng nghiệp và phụ huynh học sinh.
Khắc Điệp - Hoàng Hữu (Đài TT - TH Lục Yên)
Các tin khác
YBĐT -Loại cây vốn dĩ rất quen thuộc trong cái nghèo, một ngày vào nghị quyết của Đảng trở thành loại cây đột phá cho chiến dịch xóa đói giảm nghèo vùng cao.
YBĐT - Những nữ thủ quỹ của ngành Tài chính, Ngân hàng dưới đây là thí dụ điển hình về những con người thanh liêm ấy.
YBĐT - Chuyện giáo viên mầm non là nữ chẳng có gì lạ, bởi nghề “cô nuôi dạy trẻ” được coi là nghề dành cho phái yếu. Song, những thầy giáo mầm non mà chúng tôi được gặp tại huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải đã khiến chúng tôi phải thay đổi quan niệm về giới tính và nghề nghiệp. Chúng tôi gọi họ là những "người thầy đặc biệt” đang ngày ngày miệt mài gieo ươm những mầm non nơi vùng cao.
YBĐT - Tiết trời hanh hao nắng lúc chớm đông, chúng tôi đến với lớp học của các em ở Trung tâm Trợ giúp và Can thiệp sớm trẻ khuyết tật (TTTG&CTSTKT) Hương Giang, phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái). Chị Lương Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm, đã kể về chuyện đời, chuyện nghề của chị.