Trên đỉnh Tà Chì Nhù

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/2/2016 | 2:28:07 PM

YBĐT - Đỉnh Tà Chì Nhù thuộc xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu có độ cao 2.979 m. Đây là đỉnh núi cao nhất của huyện Trạm Tấu, cao thứ 6 của Việt Nam, nằm trong khối núi Pú Luông, thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Trên đỉnh Tà Chì Nhù có những câu chuyện đẹp như cổ tích với biển mây trắng ngập trời thu hút du khách đến khám phá và chiêm ngưỡng.

Vẻ đẹp vùng cao Tà Chì Nhù (Trạm Tấu).
Vẻ đẹp vùng cao Tà Chì Nhù (Trạm Tấu).

>> Cổ tích trên đỉnh Tà Chì Nhù (phần 1)

>> Cổ tích trên đỉnh Tà Chì Nhù (phần 2)

Chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù

6 giờ 10 phút, chúng tôi cùng anh Lường Văn Sai - cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, anh Thào A Chinh - công an viên xã Xà Hồ xuất phát từ trụ sở UBND xã bằng xe máy qua bản Cang Chi Khúa, lên khu vực mỏ chì, tuy là đường đi được ô tô nhưng rất xấu, xe nhảy chồm chồm trên các đoạn đường đá lởm chởm. Trời mù sương, tầm nhìn ngắn, xe chỉ cách nhau 10 m là không nhìn thấy. Đi chừng 6 - 7 km, hết đường xe máy, chúng tôi gửi xe tại khu vực mỏ chì và bắt đầu leo núi để chinh phục Tà Chì Nhù.

Vượt qua hai con dốc, chúng tôi đi ngang qua những cánh rừng nguyên sinh. Sương mù dày đặc. Qua rừng nguyên sinh, qua khu rừng trúc vàng óng, đoạn đường dốc thẳng đứng mà dân bản thường gọi là dốc 3 cây đinh hiện ra. Chúng tôi tiếp tục vượt con dốc thẳng đứng khi đôi chân đã mỏi và sau hơn 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi có mặt trên đỉnh dốc 3 cây đinh, đồng hồ chỉ 10 giờ sáng.

Tiếp tục hành trình, gần 1 giờ chiều, đến được trang trại của anh Thào A Tủa - nằm dưới chân đỉnh Tà Chì Nhù, chúng tôi quyết định dừng lại, nấu cơm ăn. 3 giờ chiều, tiếp tục hành trình. Việc chinh phục chặng cuối cũng gian nan không kém khi chúng tôi quyết định đi theo con dốc thẳng để rút ngắn thời gian. Nhìn thấy cột mốc ghi tên đỉnh Tà Chì Nhù, cả đoàn đều hô lên sung sướng, như muốn gọi to để cho các bạn mình ở xa đều nghe thấy tiếng mình vọng ra giữa nơi mặt đất và bầu trời gần nhau đến thế. Từ trên đỉnh núi cao 2.979 m nhìn xuống, biển mây trắng bồng bềnh, bao bọc quanh các ngọn núi.

Từ đây, chúng tôi có thể nhìn thấy đất Ngọc Chiến, Bắc Yên, Mường La của tỉnh Sơn La, đỉnh Tà Xùa - đỉnh núi cao thứ hai của huyện Trạm Tấu với độ cao trên 2.900 m. Ngay dưới chân núi là những lán nuôi trâu, nuôi bò của người dân khiến khung cảnh căng tràn nhựa sống. Giơ tay trên đỉnh Tà Chì Nhù, tôi có cảm giác như với được những đám mây mềm mại như dải lụa. Cùng nhau giơ cao lá cờ Tổ quốc để chụp ảnh trên đỉnh núi, bên dưới là cột mốc gắn tên đỉnh Tà Chì Nhù do các bạn trong nhóm Hành trình xanh khi chinh phục đỉnh núi này đã cắm, tôi thấy lòng mình chợt bâng khuâng đến lạ.

Rời ngọn núi khi ánh trăng đã lên, cả đoàn đi sát nhau để trở về lán anh Tủa. Một đêm trên đỉnh núi không ánh sáng của đèn điện, không có âm thanh ồn ào của đô thị. Ở đây, có ánh sáng của trăng, của sao, tiếng chảy róc rách của suối. Nghe âm thanh Đài Tiếng nói Việt Nam phát ra từ chiếc điện thoại của anh Tủa, tôi cảm nhận được ánh sáng của Đảng, của nghị quyết đã đến mảnh đất này, giúp cho anh Tủa “viết lên” những câu chuyện cổ tích trên đỉnh Tà Chì Nhù này.

Cổ tích trên núi

Sinh năm 1969, lấy vợ năm 1996, cuộc sống gia đình khó khăn do nhà đông anh em, tập quán canh tác lạc hậu, một năm, nhà Tủa thiếu ăn vài tháng. Thuở nhỏ, không được đi học, các anh, em của Tủa cũng vậy nên suốt ngày lũi cũi theo mẹ đi nương, vào rừng đào măng, đào củ sống qua ngày. Không muốn các con, các cháu mình sinh ra phải chịu cuộc sống cơ cực, Thào A Tủa quyết tâm cùng anh em trong gia đình tìm cách làm kinh tế.

Bắt đầu từ việc nuôi dê, vì anh nghĩ mảnh đất Suối Giao này nuôi dê rất hợp. Tuy nhiên, làm giàu chưa bao giờ là dễ. Mồ hôi, nước mắt đổ xuống nhưng gia đình anh nếm đủ mùi vị đắng cay của thất bại khi dê sinh lứa đầu tiên. 50% số dê non đều bị chết do rét đậm, rét hại, do nguồn thức ăn và bãi chăn thả của dê hạn chế, ấy là năm 1999. Thất bại ấy đã dạy cho anh Tủa một bài học lớn. Trước đây, nghe nhiều người dân trong bản đi rừng về kể về một khu đất rộng nằm dưới chân đỉnh Tà Chì Nhù, cách thôn Suối Giao cả ngày đường đi bộ mà đường đi lại rất khó khăn. Anh Tủa không nản, tự mình một dao, một cuốc vừa đi vừa mở đường lên núi. Mất hai ngày mới lên đến nơi, thấy đây là một thảo nguyên rộng, thuận lợi cho việc chăn nuôi gia súc.

Thào A Tủa đánh dấu các vị trí có thể dựng được lán, cũng là đánh dấu sự có mặt của mình trên mảnh đất này. Quay về nhà, anh Tủa huy động anh em trong dòng họ lên giúp mình dựng lán, giúp đưa 10 con dê lên đây để chăm sóc. Rồi anh Tủa cùng người em trai Thào A Giao vay Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện 15 triệu đồng để mua thêm 10 cặp dê sinh sản và 1 cặp trâu bò về chăn nuôi, đầu tiên để chủ động sản xuất, sau đó để nhân giống.

Anh Tủa kể cho tôi nghe câu chuyện về những ngày đầu lập nghiệp trên đỉnh Tà Chì Nhù này. Để đàn gia súc quen được với khí hậu ở đây, đem gia súc lên anh không vội thả ngay mà nuôi nhốt ở một chỗ, dùng bạt quây kín và cắt cỏ cho gia súc ăn. Mỗi lần như thế, anh đều bỏ thêm ít muối cho gia súc tăng cường sức đề kháng. Một tháng, hai tháng, những ngày nắng, gió nhẹ, anh đưa đàn gia súc tự đi ăn cỏ ngoài tự nhiên, tối đến lại lùa vào chuồng.

Điều lạ là, ở Tà Chí Nhù dù rất lạnh song lại có những loại cỏ phù hợp cho trâu, bò và dê ăn như cỏ chạc, cỏ chay và măng sặt. Cứ như vậy, khi đàn gia súc của anh đã quen với khí hậu, anh thả chúng ra và bắt đầu nhân giống để nuôi. Với những con dê non, bò non được mẹ sinh ra ở đây đã quen khí hậu thì tỷ lệ sống đạt gần 100%. Nhân giống thành công, anh bắt đầu nghĩ đến mở rộng trang trại chăn nuôi của mình.

Anh Thào A Tủa chăm sóc đàn gia súc trên đỉnh núi.

Sau 16 năm khởi nghiệp trên vùng đất khó, từ một vài con gia súc ban đầu với 1 lán nuôi, đến nay anh đã có 5 lán nuôi với số lượng dê ước tính từ 300 - 400 con, bò trên 100 con, trâu 8 con và ngựa 12 con, diện tích khu vực chăn nuôi rộng hàng chục héc-ta. Tính theo giá thị trường hiện nay với 120.000 đồng/kg dê thịt, từ 25 - 40 triệu đồng/con trâu, bò, trên 30 triệu đồng/con ngựa, anh đã có vài tỷ đồng từ nuôi gia súc.

Có kinh tế vững chắc, anh vận động con cháu trong gia đình chăm chỉ học hành vì anh biết rằng, làm bất cứ việc gì cũng cần có kiến thức. Hiện nay, người con trai cả của anh đang là cán bộ của Ban Quản lý dự án huyện, 2 người con đã tốt nghiệp trung cấp thú y và trung cấp nhạc họa và người con út đang học cấp 3 ở huyện.

- Nhiều gia súc thế sao anh không bán đi để lấy tiền tiêu?

- Mình không muốn bán đâu, chỉ khi nào cần tiền dùng vào việc chính đáng mới bán. Mình muốn có đàn dê, đàn ngựa thật nhiều để làm vốn cho con cháu - người đàn ông dân tộc Mông tính toán kỹ lưỡng cho tương lai.

- Ở trên này anh xem thời tiết như thế nào?

- “Bạn thân” của mình đây! Có nó, mình được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam nắm tình hình thời sự trong nước, quốc tế. Sướng nhất là cái dự báo thời tiết, ngày nào cũng phải nghe thời tiết dù nắng hay mưa để bảo vệ đàn gia súc, đưa đàn gia súc về chuồng trại hoặc những nơi trú ẩn an toàn, ngoài ra còn học cách để chăm sóc và điều trị bệnh cho gia súc. Nhiều lúc, mưa rét về bất ngờ hay hay hết muối thì dùng nó để gọi con trai và họ hàng lên giúp; khách hàng mua dê, mua trâu, bò cũng gọi điện thoại cho mình hết - anh cười thật lớn rồi đưa cho tôi xem chiếc điện thoại “cục gạch” của mình.

Tà Chì Nhù vẫy gọi

Phóng viên Báo Yên Bái cùng cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu giơ cao lá cờ Tổ quốc trên đỉnh Tà Chì Nhù.

Không thể phủ nhận vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho Tà Chì Nhù, lên đỉnh núi, du khách sẽ được đắm mình trong biển mây trắng bồng bềnh, được ngắm những bông hoa rừng, thả hồn vào thảo nguyên xanh bao la với những chú ngựa nhởn nhơ gặm cỏ. Và hơn hết, bạn sẽ có những trải nghiệm thú vị khi chinh phục cung đường lên đỉnh núi, vừa hào hứng vừa run sợ vừa vỡ òa trong hạnh phúc.

Trên hành trình xuống núi, chúng tôi gặp hai bạn trẻ là Đậu Quốc Quân và Lê San - những người đam mê chinh phục những đỉnh núi cao. Với Quân, đỉnh Tà Chì Nhù là đỉnh cao thứ 9 ở Việt Nam mà bạn đã chinh phục trong năm nay. Còn San là đỉnh thứ 10, dù là nữ nhưng đây là lần thứ 2, cô gái trẻ chinh phục đỉnh núi này. Qua Quân tôi được biết, San là người leo núi nhanh thứ 2 trong nhóm phượt của bạn với gần 30 thành viên. 

- Cảm giác của bạn khi chinh phục đinh núi như thế nào?

- Cái được nhất là giúp mình vượt qua bản thân, những lúc mình mệt mà vẫn đi lên được đỉnh núi thì trong cuộc sống có những lúc khó khăn tưởng chừng như không thể qua nổi thì luôn nhớ đến lúc chinh phục đỉnh núi mệt như thế, không còn sức để leo mà mình vẫn cố gắng thì tại sao công việc này mình không thể thực hiện được - không ngần ngại Quân trả lời.

Được biết, UBND huyện Trạm Tấu đã xây dựng Đề án Quảng bá hình ảnh và phát triển du lịch huyện Trạm Tấu, giai đoạn 2016 - 2020, hình thành các tour, tuyến du lịch trọng điểm của huyện nhằm phát huy các giá trị sinh thái của huyện để xây dựng nên các loại hình và sản phẩm du lịch đặc thù của huyện Trạm Tấu. Đây là cơ hội tốt để đưa Trạm Tấu phát triển ngành “công nghiệp không khói”, từng bước thoát khỏi huyện nghèo.

Sau hai ngày chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, điều ấn tượng nhất với chúng tôi không phải là đứng gần nhất với mây trời, gió núi mà là nghị lực vượt khó vươn lên giữa đại ngàn của anh Thào A Tủa - người đã biết vượt lên chính mình để khẳng định bản thân, “viết” lên câu chuyện cổ tích trên đỉnh Tà Chì Nhù.

Mạnh Cường - Hoài Văn 

Các tin khác
Chị Hoàng Thị Phượng (thứ 2 bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng khách du lịch bên ngôi nhà sàn của chị.

YBĐT - Tôi thật sự ấn tượng với chị ngay từ buổi đầu gặp gỡ. Và hơn hai chục năm rồi, chị vẫn giữ được vẻ đẹp rất đặc trưng của những cô gái Mường Lò – nơi mà có nhà văn từng gọi đó là “miền gái xinh”.

Anh Trần Văn Tuấn (giữa) tại Lễ trao danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2015.

YBĐT - Cuối cùng thì anh cũng tìm thấy điều yêu thích, khơi lên lòng đam mê cho mình trên bước đường của một doanh nhân. Có thất bại, có thành công, còn thử thách nhưng quan trọng hơn, đam mê sẽ trở thành động lực cho Trần Văn Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hoàng Phát (thị xã Nghĩa Lộ), người vừa nhận danh hiệu “Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2015” vững bước trên bước đường khởi nghiệp.

Đường giao thông nông thôn ở xã Phù Nham (Văn Chấn) được kiên cố hóa từ vốn đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân.

YBĐT - Từ các xã vùng ngoài như Đại Lịch, Nghĩa Tâm, Bình Thuận đến các xã vùng trong như Thanh Lương, Thạch Lương và các xã vùng cao như Sùng Đô, Nậm Mười, Nậm Lành, Gia Hội, Tú Lệ… đâu đâu cũng thấy những ngôi nhà xây, nhà bán kiên cố.

Gia đình ông Hoàng Minh Tuấn thu gần 50 triệu đồng/năm từ vườn cam ở Nước Ngập.

YBĐT - Từ một vùng đất bị vắt kiệt sức sống đến hoang tàn, đổ nát sau “cơn sốt” đá đỏ, bãi Nước Ngập (hay còn gọi là khu vực tự quản Nước Ngập, thuộc tổ 12, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên) đã trỗi dậy, hồi sinh mạnh mẽ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục