Bùi Sỹ Tới - Thành công nhờ đam mê sáng tạo
- Cập nhật: Thứ hai, 26/12/2016 | 8:02:42 AM
YBĐT - Chẳng phải ngẫu nhiên anh nông dân hiền lành chất phác Bùi Sỹ Tới chỉ học hết trung học cơ sở lại vinh dự được Thủ tưởng Chính phủ tặng bằng khen và nhiều phần thưởng cao quý khác của các bộ, ngành trung ương, địa phương. Anh đã có những sáng kiến đóng góp cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm máy cày mi ni canh tác trên địa hình ruộng bậc thang, đồi núi cao.
Anh Bùi Sỹ Tới bên sản phẩm cơ khí do mình chế tạo.
|
Anh Bùi Sỹ Tới từ miền xuôi theo gia đình lên xây dựng kinh tế mới tại thôn Trung tâm, xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn. Lúc đầu là buôn bán nhỏ, rồi anh chuyển sang làm nghề sửa chữa xe máy, sửa chữa công cụ cơ khí nhỏ.
Vốn đam mê nghề cơ khí, hàng ngày, anh Tới thường mày mò chế tạo những sản phẩm cơ khí nông nghiệp phục vụ nhu cầu gia đình rồi ứng dụng rộng rãi cho người dân địa phương. Nhờ đam mê sáng tạo, anh Tới đã trở thành ông chủ của Xưởng cơ khí Tới Huê có tiếng ở vùng núi đầy khó khăn này.
Giữa đông, tiết trời vùng cao khá rét buốt nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm lên Nậm Búng - xã vùng cao cũng là xã vùng thượng huyện để gặp bằng được ông chủ Xưởng cơ khí Tới Huê. Anh Tới là đại biểu tiêu biểu được vinh danh tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX năm 2015 và vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2014 với những đóng góp quan trọng trong chế tạo các sản phẩm cơ khí nhỏ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ở những địa phương vùng cao. Gần 4 giờ đồng hồ từ trung tâm thành phố Yên Bái đi trên những cung đường sương mù dày đặc, cơ ngơi của ông chủ vùng đất núi hiện ra, khiến chúng tôi đều phải choáng ngợp.
Một dãy nhà liền kề mặt đường, bên là cửa hàng bán quần áo, nhà ở, bên là xưởng cơ khí rộng 160 m2 với 8 công nhân lành nghề đang miệt mài làm việc. Với bộ quần áo còn vương đầy dầu mỡ, quần xắn móng lợn, anh Tới bộc bạch: “Đi lên từ hai bàn tay trắng, nên tôi thực sự vui vì có một ngày mình đã nhận được danh hiệu vinh dự này. Chẳng biết có phải nợ duyên với nghề cơ khí hay không mà tôi thoát được nghèo, cuộc sống hôm nay khấm khá cũng nhờ những đống sắt vụn tưởng chừng vô tri vô giác kia”.
Chẳng phải ngẫu nhiên anh nông dân hiền lành chất phác Bùi Sỹ Tới chỉ học hết trung học cơ sở lại vinh dự được Thủ tưởng Chính phủ tặng bằng khen và nhiều phần thưởng cao quý khác của các bộ, ngành trung ương, địa phương. Anh là một gương mặt tiêu biểu có những sáng kiến đóng góp cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm máy cày mi ni canh tác trên địa hình ruộng bậc thang, đồi núi cao. Sinh ra trong một gia đình đông anh em, nên anh chỉ học hết trung học cơ sở rồi phải ở nhà làm ruộng phụ giúp gia đình. Lúc nông nhàn, anh học và làm nghề sửa xe máy. Vốn đam mê nghề cơ khí từ nhỏ, những lúc rảnh rỗi anh thường mày mò chế tạo những sản phẩm cơ khí nông nghiệp để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của gia đình.
Những năm gần đây, một số nông dân trong xã đã tính chuyện mua máy móc để sản xuất trên đồng ruộng của mình. Tuy nhiên, do máy cày bán trên thị trường chạy bằng động cơ diesel to và quá nặng. Bình quân một chiếc máy cày nặng gần 2 tạ, để di chuyển lên những địa hình ruộng bậc thang ít nhất phải cần 6 - 7 người hợp sức, khó hoạt động trên ruộng bậc thang nhỏ và bờ cao. Nhận thấy nhu cầu của người dân, đồng thời thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, vất vả của việc sản xuất nông nghiệp trên những địa hình đồi núi, ruộng bậc thang, anh Tới đã trăn trở để chế tạo ra chiếc máy cày mi ni bằng việc tận dụng những động cơ xe máy cũ cùng với những thứ đồ thu mua được từ hàng đồng nát.
Nghĩ là làm, ban đầu, anh phải tự mày mò, tận dụng mọi vật liệu có sẵn trong nhà, từ những đồ cũ, phế liệu đồng nát của xe máy. Nhiều đêm đang ngủ, nghĩ đến việc chế tạo máy, anh lại bật dậy mang máy ra hàn, gõ làm cả nhà tỉnh dậy theo. Khi đưa máy ra chạy thử thì ốc vít, mối hàn bị long ra mỗi nơi một chiếc. Nhất quyết không chịu đầu hàng, về nhà, anh lại loay hoay ngồi hàn lại rồi chạy thử.
Cuối cùng, chiếc máy đã vận hành như ý muốn. So với chiếc máy cày chạy bằng động cơ diesel, chiếc máy cày mi ni chạy bằng động cơ xăng do anh chế tạo tiêu hao nhiên liệu ít, nhỏ gọn hơn nhiều, chưa đầy 90 kg nên khả năng di chuyển trên những địa hình dốc, cao dễ dàng hơn. Trong quá trình cải tiến, lắp ráp, anh thường xuyên đưa chiếc máy cày tự chế của mình ra những thửa ruộng cạnh nhà chạy thử. Sau mỗi lần như vậy, anh lại rút ra cho mình kinh nghiệm và tạo ra sản phẩm tốt hơn.
Với những tính năng ưu việt như: phần thân chắc chắn, gọn nhẹ, ba bộ bánh phù hợp với từng điều kiện hoạt động: bánh lồng cày, bánh lồng bừa, bánh hơi để di chuyển, cần để lắp lưỡi cày, bừa, hệ thống bánh răng giảm tốc, tăng lực cho máy, sau đó gắn động cơ của xe gắn máy nhỏ gọn, dễ vận chuyển trên địa hình đồi dốc, công suất không thua kém gì các loại máy cày trên thị trường.
Điều đáng nói là việc chuyển máy cày từ thửa ruộng nhỏ này sang ruộng khác khá dễ dàng. Vậy là, vụ hè thu năm 2012, anh bắt đầu cho ra đời sản phẩm đầu tiên của mình. Tuy nhiên, để bà con trong xã chấp nhận sản phẩm, anh đã phải đi cày thử không lấy tiền cho bà con trong thôn và một vài thôn lân cận. Nhiều người vẫn còn hoài nghi, chưa thực sự tin tưởng sản phẩm, bởi vậy mãi đến năm 2013, những chiếc máy cày do anh tự chế mới thâm nhập được vào thị trường. Lúc đầu, động cơ của chiếc máy cày mi ni chủ yếu là động cơ mới, giá thành khoảng 8 -12 triệu đồng, so với thu nhập của người dân vùng cao là số tiền lớn với nhiều gia đình.
Việc sở hữu cho riêng mỗi nhà một chiếc máy cày cũng là điều không đơn giản. Vì vậy, anh đã tìm cách chế từ động cơ xe máy cũ để hạ giá thành sản phẩm. Những người nào có nhu cầu, anh sẵn sàng chế cho họ từ động cơ xe máy cũ mà họ mang đến, miễn sao giá cả có thể đáp ứng được với tất cả các gia đình, kể cả những gia đình nghèo bằng việc cải tiến, lắp ráp, thay đổi cơ chế cài số của xe máy từ chế độ dùng chân đạp sang chế độ gạt cần số tay. Đồng thời, anh cải tiến việc sử dụng các số máy phù hợp với sản xuất như: số một, số hai dùng cho việc cày, di chuyển lên dốc; số ba, số bốn dành cho việc bừa đất...
Anh Bùi Sỹ Tới giới thiệu với cán bộ Hội Nông dân huyện Văn Chấn sản phẩm cơ khí do anh chế tạo.
Nhận thấy máy cày do anh chế tạo phù hợp với ruộng bậc thang vùng cao nên nhiều người dân trong vùng và những địa phương lân cận đã đến xem và đặt mua. Tiếng lành đồn xa, hiện người đến đặt mua máy cày của anh ngày càng nhiều, không chỉ nông dân trong vùng mà còn có cả nhiều cá nhân, doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh đặt mua với số lượng lớn. Một mình không làm hết đơn đặt hàng, anh đã mở xưởng sản xuất và thuê thêm 8 nhân công giúp việc. Mỗi tháng, xưởng sản xuất 30 máy cày mi ni, làm ra đến đâu bán hết đến đó.
Đến nay, hơn 1.000 chiếc máy cày mi ni của anh đã được bán cho người dân các tỉnh: Sơn La, Lào Cai, Phú Thọ, Thanh Hóa… Không muốn dừng lại ở đó, anh Tới đang tự cải tiến, chế tạo ra những chiếc máy xới cỏ, vun đất, phun thuốc, máy giã cốm tự động từ động cơ xe máy cũ để giúp bà con giảm công lao động, bớt độc hại từ hóa chất.
Hiện tại, một số sản phẩm như máy giã cốm đã có thể đưa vào sử dụng, một số sản phẩm khác cũng đang trong quá trình hoàn tất. Chia sẻ những dự định trong tương lai, anh Tới mong muốn mình sẽ tiếp tục chế tạo ra nhiều sản phẩm cơ khí nhỏ gọn hơn nữa, giá cả hợp lý để phục vụ tốt nhu cầu canh tác cũng như phát triển kinh tế cho người dân vùng cao. Tuy nhiên, để thành công hơn nữa, mong muốn của anh là các cấp, các ngành có cơ chế cho vay vốn ưu đãi để mở rộng xưởng, đầu tư trang thiết bị, máy móc tốt hơn.
Rời thôn Trung Tâm, chúng tôi chia tay người nông dân đầy niềm đam mê, nhiệt huyết để biến những đống sắt vô tri vô giác thành những công cụ phục vụ đắc lực cho cuộc sống của người nông dân vùng cao khi mùa xuân đang gõ cửa mọi nhà. Như con ong chăm chỉ làm mật cho đời, với niềm đam mê sáng tạo của mình, những sản phẩm cơ khí của anh Tới được ứng dụng ngày một rộng rãi hơn, giúp người dân vùng cao nâng cao hiệu quả sản xuất, vươn lên thoát nghèo, xây dựng quê hương ngày một ấm no.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Ông Lao bồi hồi tâm sự thêm: “Ngày xưa cũng chỉ vì thách cưới mà 2 vợ chồng mình đã phải làm lụng vất vả hàng chục năm mới trả hết nợ nên khi có chủ trương xây dựng nếp sống mới mình thấy rất phù hợp và áp dụng luôn”.
YBĐT - “Anh Thiệp là một công dân tốt, một đảng viên gương mẫu và là một người rất có tâm” - đó là lời nhận xét của ông Nguyễn Văn Mạc - Bí thư Chi bộ khu phố Hoàng Hoa Thám I, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái về anh Vũ Văn Thiệp, 48 tuổi, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh Thiệp - Bình.
YBĐT - Từng có thời hoàng kim “ăn nên làm ra” và tay đút túi quần ngày cũng có tiền triệu. Vậy mà, chàng trai tên Trần Hữu Hưng, sinh năm 1978 lại "đột ngột" bỏ đô thị nhộn nhịp ở tỉnh Hưng Yên lên với xã miền núi Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn. Ai cũng cho rằng, Hưng bị “hâm”, “gàn dở” nhưng sau hơn 10 năm gắn bó với mảnh đất này, anh đã có một gia đình hạnh phúc cùng mô hình nuôi vịt bán trứng thương phẩm cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
YBĐT - Ở xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên có 3 thôn Tĩnh Hưng, Khe Năm, Đát Quang được tiếng chăm chỉ làm ăn. Dân địa phương thường gọi đây là vùng Tĩnh - Mỹ - Hưng, nơi có 36% số dân của xã sinh sống.