Từ "cửu vạn" đến triệu phú nuôi thỏ
- Cập nhật: Thứ ba, 7/2/2017 | 8:04:51 AM
YBĐT - Tôi đã từng gặp rất nhiều triệu phú trẻ và biết không ít những tấm gương thanh niên nghèo vượt khó, quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng bằng sức lao động của chính mình, nhưng phải đến khi gặp Nông Văn Phấn tại thôn Thâm Bưa, xã Mường Lai, huyện Lục Yên tôi mới thực sự thấm thía câu nói “có công mài sắt, có ngày nên kim”.
Nông Văn Phấn (thứ hai bên trái) giới thiệu với cán bộ Huyện đoàn Lục Yên và Đoàn xã Mường Lai về kỹ thuật nuôi thỏ.
|
Tôi đã từng gặp rất nhiều triệu phú trẻ và biết không ít những tấm gương thanh niên nghèo vượt khó, quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng bằng sức lao động của chính mình, nhưng phải đến khi gặp Nông Văn Phấn tại thôn Thâm Bưa, xã Mường Lai, huyện Lục Yên tôi mới thực sự thấm thía câu nói “có công mài sắt, có ngày nên kim”.
Khi tiếp xúc, chàng thanh niên sinh năm 1988 này mang lại cho tôi một cảm giác kỳ lạ, rất khó định nghĩa về sự chững chạc cũng như chặt chẽ, vững vàng trong định hướng tương lai. Đến nỗi, tôi cứ canh cánh trong lòng câu hỏi “Nông Văn Phấn sẽ trở thành ông chủ lớn vào năm bao nhiêu tuổi?”.
Từ “anh cửu vạn” đến “bạn của thỏ Newzilan”
Sinh ra và lớn lên trong gia đình đông anh em, bố mẹ làm nông nghiệp, tuổi thơ của Nông Văn Phấn gắn liền với công việc đồng áng và những bữa cơm không đủ no trong ngôi nhà nghèo ở xã vùng cao Mường Lai (Lục Yên). Năm 2003, sau khi học xong lớp 9, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, Phấn phải gác lại việc học tập của bản thân để ở nhà phụ giúp gia đình.
Những bữa cơm thiếu thịt, những bữa ăn độn ngô, độn sắn cũng chẳng đủ no khiến cho sức vóc của cậu thanh niên đang tuổi lớn chỉ đạt ở mức “tầm tầm” so với nhiều chúng bạn cùng trang lứa. Như nhiều thanh niên khác trên vùng đất này, với giấc mơ đổi đời bằng sự phiêu bạt xa xứ, năm 2005, Phấn tạm xa gia đình, lên đường kiếm sống nơi đất khách quê người với hy vọng thoát nghèo.
Cùng với một số bạn bè, Phấn lên Lào Cai làm thuê với nghề bốc vác, có lúc làm thuê trong các lò gạch thủ công... Song, do bản thân không khỏe, lại làm công việc nặng nhọc nên sau một thời gian lao động, số tiền lương tích cóp được chỉ đủ trang trải cho cuộc sống xa nhà vốn nhiều đắt đỏ. Suy đi tính lại, Phấn quyết định bỏ Lào Cai, rồi theo lời giới thiệu của anh em vào miền Nam lao động ở các khu công nghiệp.
Hết Bình Dương đến Bình Phước, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù đồng lương kiếm được khá cao so với làm bốc vác ở Lào Cai, song chi phí sinh hoạt, đi lại cũng mất khá nhiều, hơn nữa, các công ty Phấn làm lại hay xảy ra tình trạng thất nghiệp, việc làm thiếu ổn định...
Một lần nữa, sau 5 năm xa quê, nếm trải đủ cảnh thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, năm 2010, Phấn quyết định trở về địa phương với hai bàn tay trắng. Thời gian đầu về nhà, trở lại với công việc đồng áng, chăn nuôi lợn, gà… thu nhập chẳng đáng là bao, khiến Phấn nhiều lúc cảm thấy rất nản.
Tuy nhiên, Phấn vẫn luôn nung nấu hoài bão tìm đường đưa bản thân và gia đình vượt lên đói nghèo. Với lợi thế của sức trẻ, tiếp cận công nghệ thông tin khá nhanh, Phấn bắt đầu truy cập vào các trang mạng để tìm hiểu những thông tin, những mô hình, cách làm kinh tế mới ở khắp mọi vùng miền của đất nước...
Thế rồi, cơ duyên làm kinh tế đến với Phấn bắt đầu từ khi được bạn bè giới thiệu đi tham quan một số mô hình nuôi thỏ Newzilan ở tỉnh Bắc Ninh. Phấn tâm sự: “Ngay từ lần đầu tiên tham quan mô hình nuôi thỏ, em đã mường tượng ra cảnh những dãy chuồng đặt tại mảnh vườn, ngay trong xã Mường Lai nhà mình vì em nhận thấy ở địa phương mình có đủ điều kiện để nuôi con vật này”.
Rồi cũng qua bạn bè giới thiệu, Phấn được đi tham quan một số mô hình nuôi thỏ của các doanh nghiệp, được tư vấn về kỹ thuật nuôi thỏ và tư vấn đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, khi biết quyết tâm của Phấn, ông Trần Huy Quang - Chủ doanh nghiệp Quang Thanh, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên đã hứa sẵn sàng cung cấp con giống, chuồng nuôi, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm theo tiêu chuẩn.
Điểm khác biệt là thỏ xuất chuồng không phải chỉ để cung cấp thịt cho thị trường mà còn là nguồn cung cấp thỏ quan trọng cho Công ty Nipbozoky của Nhật Bản được đặt tại huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh để sản xuất vacxin... Vậy là, kể từ tháng 10 năm 2015, “chàng cửu vạn” Nông Văn Phấn chính thức “kết bạn” với giống thỏ Newzilan đầy tiềm năng.
Thành quả bất ngờ
Bắt tay vào nuôi thỏ Newzilan không lâu, thời gian đầu phải trải qua muôn vàn khó khăn, thách thức, nhưng những gì Nông Văn Phấn làm được thực sự khiến tôi cảm thấy đáng nể. Bắt đầu với số lượng 30 con thỏ cái, 6 con thỏ đực mua bằng tiền vay của anh em họ hàng, do chưa nắm được kỹ thuật chăm sóc nên đàn thỏ của Phấn bị bệnh, chết gần một nửa.
Không cam lòng, Phấn tiếp tục kiếm tìm trên các trang mạng xã hội, kết bạn và giao lưu qua Internet với những người chăn nuôi thỏ ở nhiều vùng đất nước để tìm hiểu về đặc tính, thói quen, các loại bệnh thường gặp và cách chữa trị, phòng ngừa bệnh của loài vật này. Ham đọc, ham mày mò và chăm chỉ trong thực hành, dần dần, Phấn bỗng trở thành “chuyên gia” về thỏ lúc nào không hay.
Phấn bảo: “Giờ thì chỉ nhìn qua là em biết ngay con thỏ nào đang trong tình trạng sức khoẻ ra sao, đã đến kỳ thỏ cái giao phối hay chưa, thoáng qua cũng biết gần chính xác cân nặng của chúng cũng như lúc nào đẻ...”.
Chính vì thế, sau thời gian ngắn, đàn thỏ của Phấn dần đi vào quỹ đạo, phát triển ổn định, sinh nở khỏe mạnh, tăng rất nhanh về số lượng và chất lượng. Quy mô chuồng trại cũng được Phấn đầu tư tốt hơn từ nguồn tiền bán thỏ thương phẩm. Hệ thống chuồng trại giờ đây đã được đầu tư sạch đẹp, ngăn nắp, đảm bảo hợp vệ sinh và tạo môi trường tốt nhất cho đàn thỏ sinh trưởng khoẻ mạnh. Vừa phát triển, tăng số lượng đàn thỏ, Phấn còn giữ vai trò đầu mối cung cấp con giống cho một số hộ trên địa bàn xã, đồng thời hướng dẫn miễn phí cho họ về kỹ thuật nuôi.
Trang trại thỏ của Phấn từ khi đi vào hoạt động đến nay đã xuất bán con giống và bán cho doanh nghiệp được 2.000 con thỏ, giá thỏ thương phẩm từ 70 - 75.000 đồng/kg, thỏ giống có giá từ 12.000 đồng - 14.000 đồng/kg, trừ chi phí thức ăn, thuốc men, mỗi tháng trang trại thu từ 15 - 20 triệu đồng. Không thể tin nổi, đến thời điểm này, chỉ sau hơn 1 năm, từ số lượng đầu thỏ ít ỏi ban đầu, trừ hết số thỏ đã bán, đàn thỏ của Phấn đã phát triển lên trên 1.500 con. Trong đó, có 200 con thỏ cái sinh sản và 40 con thỏ đực giống đạt tiêu chuẩn.
Phấn khoe: “Con thỏ đực đầu đàn của em nặng đến gần 6 kg đấy! Trông lực lưỡng và ra dáng lắm. Nuôi thỏ điều quan trọng nhất là phải để ý kỹ từng lứa thỏ con, chọn thỏ giống cũng từ việc quan sát từng con trong quá trình sinh trưởng, nói chung là phải qua kinh nghiệm thực tế để sàng lọc”. Là một thanh niên trẻ, có mơ ước khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình, ngoài việc nuôi thỏ, Phấn còn nuôi thêm đàn dê và 6 con bò lấy thịt. Tận dụng nguồn phân và đất soi bãi, Phấn còn trồng cỏ phục vụ chăn nuôi và trồng một vườn với trên 400 gốc cam Vinh đã cho thu hoạch...
Hướng tới tương lai
Mới chỉ hơn 1 năm, với thu nhập 15 - 20 triệu đồng/tháng, có lẽ hơi quá lời khi đưa Nông Văn Phấn vào danh sách “triệu phú”. Nhưng ngồi với Phấn, được nghe mơ ước ấp ủ bấy lâu của chàng thanh niên này mới thấy được, đó là tương lai hiển hiện rất gần. Ngoài việc chăn nuôi và cung cấp thỏ giống, thỏ thịt cho thị trường, do nhu cầu của khách mua giống cần cung cấp cả lồng nuôi, máng ăn, vòi uống nước cho thỏ, Phấn đã nhạy bén đầu tư thêm máy làm lồng nuôi thỏ để cung cấp cho người nuôi được thuận lợi. Với giá bán mỗi chiếc lồng làm bằng dây thép từ 200.000 đồng - 240.000 đồng tùy vào trọng lượng của lồng thỏ, trừ chi phí, mỗi lồng Phấn được lãi 50.000 đồng.
Cần cù, chăm chỉ, ngoài thời gian chăm sóc thỏ, mỗi ngày Phấn cũng làm thêm được 5 chiếc lồng. Trong quá trình nuôi thỏ, Phấn đã trực tiếp tư vấn và giúp đỡ cho nhiều người nuôi trên địa bàn huyện, đặc biệt là các bạn thanh niên trong xã.
Mô hình nuôi thỏ của đoàn viên Nông Văn Phấn đã được Đoàn xã Mường Lai chọn làm mô hình điểm để nhân rộng. Hiện nay, Đoàn xã Mường Lai đã có 8 bạn trẻ tham gia xây dựng mô hình, mỗi hệ thống chuồng nuôi từ 100 con nái trở lên. Trang trại thỏ của Phấn cũng đã đón trên 50 lượt khách đến tham quan, làm cầu nối cung ứng giống cho các xã trên địa bàn huyện, huyện Yên Bình và cả các xã lân cận của tỉnh Hà Giang...
Với những kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi, thời gian tới, Nông Văn Phấn sẽ tiến hành mở rộng quy mô trang trạng, phát triển số lượng thỏ nái đẻ lên con số 500 con, đồng thời, ký hợp đồng bền vững với Doanh nghiệp Quang Thanh cung cấp mỗi tháng 500 kg thỏ thương phẩm cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo chăn nuôi giữ vệ sinh môi trường lâu dài, Phấn đã lên kế hoạch xây dựng hầm biogas để xử lý phân. Song song với việc tiếp tục sản xuất lồng nuôi, tạo việc làm ổn định cho từ 3 - 5 lao động, đảm bảo thu nhập từ 4 triệu đồng/người/tháng trở lên...
Với những thành tích nổi bật và lòng say mê trong lao động, nhiệt tình trong giúp tư vấn về kỹ thuật chăn nuôi của mình, Nông Văn Phấn đã được Huyện đoàn Lục Yên tặng giấy khen trong lễ tuyên dương “Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác” nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Phấn còn được lựa chọn tham gia Diễn đàn “Thanh niên khởi nghiệp” do Tỉnh đoàn Yên Bái tổ chức, tham gia hội thảo chăn nuôi thỏ do Đoàn xã Mường Lai tổ chức...
Ngoài công việc phát triển kinh tế, Nông Văn Phấn còn là tấm gương đáng học hỏi trong việc tham gia các hoạt động do Đoàn thanh niên tổ chức, tiến hành thăm quan học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn đoàn viên thanh niên trong xã, xây dựng hình tượng “thanh niên kiểu mẫu” hưởng ứng mạnh mẽ Phong trào “Tuổi trẻ lập thân, lập nghiệp” của Đoàn thanh niên.
Thiên Cầm
Các tin khác
YBĐT - Con đường ngược núi vào Lìm Mông trước lún thụt đất đá là thế mà nay đã rộng mở thênh thang. Những em nhỏ người Mông đi học về tung tăng chiếc cặp trên tay, đùa nhau ríu rít. Những cô gái Mông duyên dáng trong trang phục với những gam màu nhiều họa tiết, đôi má ửng hồng cười vui, sau lưng là những gùi ngô, thực phẩm để chuẩn bị đón tết.
YBĐT - Thành lập 18 năm nay, Câu lạc bộ Trang trại Thanh niên thị trấn Nông trường Trần Phú năm 2016 nguyên cây cam, các thành viên thu xấp xỉ một ngàn tấn, tính rẻ cũng có hơn 5 tỷ đồng. Là Bí thư Đoàn thị trấn kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ, Phạm Văn Thắng chính là gương mặt duy nhất của tỉnh Yên Bái giành Giải thưởng Lương Định Của năm 2016 do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng.
YBĐT - Những câu chuyện về một Làng Lao xa tít, biệt lập với thế giới bên ngoài và căn bệnh lạ, chuyện chạy “ma” mùa nứa khuy ở thôn người Mông xa nhất, khó khăn nhất xã Cát Thịnh, mới đó vài chục năm thôi mà giờ đã nghe như cổ tích. Người Mông thôn Làng Lao đã thực sự đổi đời từ sau cuộc “cách mạng” hạ sơn năm 2011 của huyện Văn Chấn. Cuộc sống đang hồi sinh nơi bản định cư mới và cuộc đời bao người Mông ở Làng Lao cũng đổi thay từ đây...
YBĐT - Nguyễn Văn Huỳnh - Phó Bí thư Chi đoàn thôn Đại Thịnh, xã An Thịnh, huyện Văn Yên với sản phẩm bếp nóng lạnh Huỳnh Phát vừa được Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái tuyên dương là một trong 10 gương mặt thanh niên tiêu biểu tỉnh Yên Bái năm 2016. Sinh năm 1993, ông chủ 9x giờ đã có trong tay tiền tỷ với hệ thống 6 cơ sở sản xuất và cửa hàng cung cấp sản phẩm bếp Huỳnh Phát trên địa bàn tỉnh Yên Bái, thành phố Hà Nội và Lào Cai.