Khác lắm Bu Cao!
- Cập nhật: Thứ ba, 14/2/2017 | 1:47:51 PM
YBĐT - Một diện mạo mới, một cuộc sống mới đang từng ngày hiện hữu ở Bu Cao - thôn vùng cao của xã vùng cao đặc biệt khó khăn Suối Bu (Văn Chấn). Để rồi, người Mông ở Bu Cao ngày càng thấu rằng quyết định giúp dân hạ sơn của tỉnh, của huyện mười năm về trước là hoàn toàn đúng đắn.
Người dân Bu Cao xây dựng nhà cửa khang trang.
|
Đương xuân. Những cây đào đương độ xỏa bông rực rỡ nhất, thắm sắc trước sân nhà. Ấy là những nếp nhà nhỏ nhỏ, mái vảng vất, là là khói trắng, biết đang nồng nồng ấm lửa nơi góc bếp nào.
Những nếp nhà nhỏ nhỏ nhưng san sát nhau, dọc mãi hai bên con đường mượt chạy, không đông đặc kiểu phố phường chật hẹp nhưng đông đông vui vui. Thì đấy, ríu rít lũ trẻ nhỏ à ới nhau đùa nô rộn những góc sân.
Lại nữa, những bước chân khỏe khoắn đâu đó chộn rộn trong phơi phới những điệu cười trẻ lắm đang lại gần. Có sai đâu, tốp 5, 7 gái, trai trẻ trung nhường thế xập xòe váy áo rủ nhau chơi xuân kia kìa…
Biết là đang ở Bu Cao mà con đường mượt chạy ấy, những nếp nhà san sát ấy, những chộn rộn cười nói ấy sao tôi dám tin mình đương ở giữa một thôn vùng cao của người Mông cơ chứ! Chỉ những váy áo mấy cô gái Mông xập xòe thì nhắc tôi là thật. Lời Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Suối Bu - Vàng Sáy Tùng úp mở lúc trước nào đâu có sai: "Lên Bu Cao bây giờ ý à? Đông vui lắm đấy! Khác xưa lắm đấy!".
Nhắc chuyện xưa nay, Trưởng thôn Bu Cao - Mùa A Chang gời gợi nhiều điều lắm nhưng đại ý rằng, 10 năm mà tính tháng tính năm thì chẳng ngắn, song cũng không quá dài. Nhưng đâu chỉ chuyện thời gian, cơ bản hơn, Bu Cao đã thực sự khác, để những gì của 10 năm trước có thể gọi là xưa.
Diện mạo Bu Cao bây giờ người lạ như tôi thấy lạ với mường tượng về một thôn bản vùng cao của người Mông thì hẳn rồi. Nhưng Bu Cao như ngày hôm nay cũng còn là điều ít người dân Bu Cao trước giờ nghĩ đến. Ví như ngôi nhà xây hai tầng khang trang ở giữa thôn này chẳng hạn, mà chủ nhân không ai khác chính là trưởng thôn Mùa A Chang.
"Thì cũng chắt chiu, dành dụm từ ruộng lúa, nương chè cả thôi" - Mùa A Chang thì thủng nói. Ờ thì cũng chỉ là ruộng lúa, nương chè nhưng dưới bàn tay khối óc của con người cần cù, chịu khó ấy mà góp gom nên cơ đồ.
Nhìn dáng người thôi cũng biết anh là người hay lam hay làm. 900 m2 ruộng nước, vụ chiêm thu cỡ 20 bao, vụ mùa cũng hơn chục bao, vừa dư ăn vừa có bán nếu muốn. Hết năm 2 vụ lúa, lại quay qua 3.000 m2 chè cổ thụ chừng 100 gốc, thu hái rồi bán ngay cho hợp tác xã. Lại còn chăn nuôi trâu, lợn, gà, chưa kể đến cửa hàng tạp hóa đủ mặt hàng. Chỉ có hai vợ chồng với đủ thứ việc nông, việc nhà ấy, chăm chỉ, chịu khó, trời chả phụ công. Hai vợ chồng trưởng thôn Chang trước nay vẫn được cả thôn trông vào học tập, là hộ khá nhất thôn bản chứ ai. Vậy mà anh Chang đầy khiêm nhường: "Vợ chồng mình vẫn còn vất vả lắm. Có nhà nhiều trâu, bò, lợn gà, ruộng nương hơn ấy chứ, như nhà bà Sông đằng kia kìa".
Bà Giàng Thị Sông mà trưởng thôn Chang vừa nhắc đến đã vào tuổi xưa nay hiếm mà đôi mắt dường như vẫn tinh anh, đương thư thả cùng mấy phụ nữ khác thả đường kim mũi chỉ trên khuôn vải thổ cẩm trước sân nhà, trong tiếng chuyện trò cười nói. Chao ôi, là thanh bình mà không lặng lẽ giữa Bu Cao! Chút thư thái tuổi già rõ nét trên gương mặt người phụ nữ Mông cao tuổi này, hiện hữu trong nụ cười móm mém mà thảy hết toan lo.
"Ngày mới xuống đây ở cũng vất vả nhưng không khổ bằng ở bản cũ. Rồi chịu khó làm nương, làm ruộng, đủ ăn, đủ mặc rồi cuộc sống tốt dần lên. Giờ nhà có hơn 1.000 m2 ruộng, 5 - 6 con bò, chè nhiều hơn nhà trưởng thôn ấy nhưng mà con cháu nó làm cho hết rồi, không phải lo gì nữa đâu" - kể vậy rồi bà Sông cười vẻ hài lòng cuộc sống.
Có lẽ với người Mông Bu Cao, không phải điều gì đó lớn lao, to tát, những sự hài lòng có được như bà Giàng Thị Sông xuất phát từ những điều giản dị, như là có đất sản xuất, canh tác, để làm lụng. Hạ sơn, thiếu đất sản xuất vẫn là mối lo trước nhất. Giờ, như trưởng thôn Mùa A Chang cho hay, 70 hộ trong thôn có ruộng nước với tổng diện tích trên 9 ha, nhà nhiều đến hơn 4.000 m2, nhà ít độ 200 - 300 m2.
Người dân đã biết đầu tư, chăm sóc, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cho cây lúa, bắp ngô năng suất cao hơn. Nhiều nhà dù có ruộng nước thuận tiện nhưng cũng vẫn không bỏ nương đồi ở bản cũ. Cả thôn còn có 70 ha chè cổ thụ, lại vừa mới trồng thêm được 7 ha nữa. Nhiều gia đình chịu khó chăn nuôi thêm trâu, bò, gà lợn, chắt chiu cho cuộc sống, cho mỗi ngày một khá hơn.
"Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng như vậy là khác trước nhiều lắm rồi" - Trưởng thôn Chang thừa nhận vậy. Nhiều người Mông khác ở Bu Cao cũng biết vậy, thấy vậy. Thấy vậy, biết vậy để thấy quyết định hạ sơn năm nào là hoàn toàn đúng đắn.
Hơn 10 năm trước, gần 70 hộ dân thôn Bu Cao sinh sống trên bản cũ chỉ cách bản mới bây giờ 3,5 km. Quãng đường chẳng dài nhưng để đến được với Bu Cao chẳng hề đơn giản khi con đường lên bản cứ ngược dốc mà đi khiến Bu Cao trở thành một trong những thôn vùng cao khó khăn nhất của xã Suối Bu.
Cái bản Mông vốn cách trở ấy bỗng một ngày càng trở nên cách trở khi tháng 9/2005 con đường lên bản bị sạt lở, đứt mạch bởi ảnh hưởng cơn bão lớn. Khắc phục con đường khi ấy là chuyện thực sự nan giải. Quyết tâm đưa Bu Cao hạ sơn của huyện Văn Chấn cũng được quyết định bởi đó. Năm 2007, người dân Bu Cao bắt đầu hạ sơn.
Từ hơn 60 hộ của mười năm trước, Bu Cao mới bây giờ có tới 126 nóc nhà kề nhau san sát. Những chiếc xe máy của người dân trong thôn giờ chạy vè vè trên con đường mượt mà thay cho đôi chân chỉ rặt leo bộ trên bản cũ năm nào. Những chiếc xe mà hơn 10 năm trước thực sự là điều gì đó xa lắm với người dân Bu Cao. Cả cái con đường bê tông chạy dài suốt bản như thế này cũng là chuyện chả mấy người Mông Bu Cao từng nghĩ đến.
Có xe, có đường, loáng cái ra tới ruộng, loáng cái ra quốc lộ, loáng cái tới chợ, cũng loáng cái tới trạm y tế, tới trường học. Ốm đau không phải quá lo. Có cái gì muốn bán cũng thuận tiện. Nhất là chuyện học của bọn trẻ cũng chưa bao giờ tốt như bây giờ khi con đường từ nhà tới trường không còn là những con đường đất vắt ngang núi như trên bản cũ.
Trẻ em thôn Bu Cao được học hành, vui chơi tại điểm trường xây dựng ngay trong thôn.
Chị Giàng Thị Say có tới 4 đứa con đang học phổ thông khoe: "Trước ở bản cũ, mỗi bận mưa to gió lớn là lo mấy đứa con đi học lắm. Nhà thì xa trường, đường bản lại khó đi. Giờ ở đây, chả phải lo như thế nữa rồi. Hai đứa nhỏ học cấp 1 ngay ở trường trong thôn. Hai đứa lớn học cấp 2 trường không gần nhưng đường đi thì dễ lắm, cũng không lo lắng gì. Nhà không có nhiều ruộng nên mong con cái học hành tốt rồi đi học, đi làm được như anh Phông ấy".
À, là Mùa A Phông mà trưởng thôn Chang đã kể trước đó. Phông học qua Đại học Kinh tế quốc dân, giờ đang làm ở huyện. Hóa ra, giờ không chỉ là việc học được thuận lợi mà chuyện học lên cao đẳng, đại học đã là điều mà nhiều người Mông ở đây hướng tới rồi. Con gái cả của Trưởng thôn Chang đang cho học ở Đại học Lâm nghiệp tại thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ (Hà Nội). Hai đứa con nữa, anh bảo cũng muốn đầu tư cho chúng theo con đường học hành...
Đêm buông. Bắt đầu sáng ánh đèn điện trong những nếp nhà, hắt đều ra con đường giữa bản. Những râm ran tiếng người trong bữa cơm tối nhà nọ tiếp nhà kia. Tiếng bản tin thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam lúc 19 giờ nghe mồn một vọng ra từ nhiều nhà.
Bu Cao sáng ấm và không tĩnh lặng. Cô lẻ từng nếp nhà giữa lưng chừng núi, hiu hắt thiếu sáng vì không có điện lúc đêm về trên bản cũ giờ chỉ còn trong ký ức của những người Mông ở Bu Cao đã hạ sơn.
10 năm sau hạ sơn, nhiều người Mông ở Bu Cao hiểu rằng, cuộc sống tuy vẫn còn nhiều vất vả nhưng nếu không hạ sơn thì đến ánh sáng đèn điện thế này chắc gì đã hiện hữu giữa thôn, nói chi đến nhiều điều khác như những ước mơ về chuyện học hành của con cái chẳng hạn…
Thu Hạnh
Các tin khác
YBĐT - Nhắc đến chuyện làm nhà văn hóa (NVH) ở một địa phương có đến gần nửa số thôn xây NVH mà người dân không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, tự nguyện đóng góp 100% để xây dựng thì có lẽ là rất ít.
YBĐT - Tôi đã từng gặp rất nhiều triệu phú trẻ và biết không ít những tấm gương thanh niên nghèo vượt khó, quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng bằng sức lao động của chính mình, nhưng phải đến khi gặp Nông Văn Phấn tại thôn Thâm Bưa, xã Mường Lai, huyện Lục Yên tôi mới thực sự thấm thía câu nói “có công mài sắt, có ngày nên kim”.
YBĐT - Con đường ngược núi vào Lìm Mông trước lún thụt đất đá là thế mà nay đã rộng mở thênh thang. Những em nhỏ người Mông đi học về tung tăng chiếc cặp trên tay, đùa nhau ríu rít. Những cô gái Mông duyên dáng trong trang phục với những gam màu nhiều họa tiết, đôi má ửng hồng cười vui, sau lưng là những gùi ngô, thực phẩm để chuẩn bị đón tết.
YBĐT - Thành lập 18 năm nay, Câu lạc bộ Trang trại Thanh niên thị trấn Nông trường Trần Phú năm 2016 nguyên cây cam, các thành viên thu xấp xỉ một ngàn tấn, tính rẻ cũng có hơn 5 tỷ đồng. Là Bí thư Đoàn thị trấn kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ, Phạm Văn Thắng chính là gương mặt duy nhất của tỉnh Yên Bái giành Giải thưởng Lương Định Của năm 2016 do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng.