Thực tế cho thấy, hoạt động mô hình bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện còn nhiều tồn tại, hạn chế và chưa thực sự hiệu quả. Do vậy, huyện Mù Cang Chải xác định việc thành lập, kiện toàn Bộ phận Phục vụ hành chính công cấp huyện là hết sức cấp thiết, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Nhằm tạo sự thống nhất và quyết tâm cao của hệ thống chính trị về công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và xây dựng bộ máy chính quyền "Kiến tạo - phát triển - liêm chính - hành động quyết liệt - phục vụ nhân dân”, huyện xác định rõ nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm của công chức khi giải quyết các TTHC bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định.
Không chỉ vậy, khi Bộ phận Phục vụ hành chính công cấp huyện đi vào hoạt động phải đồng bộ, liên thông với cấp tỉnh, cấp xã và đảm bảo hầu hết các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, kể cả các cơ quan, đơn vị ngành dọc đóng trên địa bàn như: công an, thuế, bảo hiểm xã hội…
Trụ sở làm việc của Bộ phận được cải tạo, sửa chữa, rất thuận tiện cho các cá nhân, tổ chức đến giao dịch với đầy đủ các phòng chức năng theo quy định như: phòng tiếp nhận TTHC, phòng tiếp công dân, phòng của lãnh đạo bộ phận, phòng giám sát…
Ngoài ra, còn nhiều hạng mục phụ trợ khác gồm nhà vệ sinh, nhà để xe. Hiện nay, trụ sở đang tiến hành sửa chữa và nâng cấp theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, trang thiết bị đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, được bố trí đầy đủ ghế ngồi chờ, bàn để viết, máy tính có kết nối mạng dành cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, camera theo dõi toàn bộ khu vực làm việc có kết nối với cơ quan Nhà nước cấp trên và trong toàn hệ thống, bố trí khu vực đặt các trang thiết bị: máy lấy số xếp hàng tự động kết nối tới hệ thống thông tin một cửa điện tử; các màn hình cảm ứng hiển thị thông tin gồm: tình hình giải quyết hồ sơ đúng hạn, quá hạn, thông tin số thứ tự đang giải quyết tại từng quầy và các thông tin khác để phục vụ tổ chức, cá nhân tra cứu thông tin, TTHC, tra cứu kết quả giải quyết TTHC.
Cùng với đó, hệ thống máy tính cá nhân, hệ thống mạng lắp đặt mạng LAN, kết nối Internet, mạng WLAN tới Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh để tích hợp, chia sẻ dữ liệu.
Hệ thống phần mềm chung được trang bị đầy đủ gồm: phần mềm một cửa điện tử liên thông; cổng phục vụ hành chính công trực tuyến, cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng với dịch vụ công trực tuyến theo các mức độ 1, 2, 3, 4.
Qua đây, các TTHC được công bố, niêm yết công khai, hướng dẫn các thủ tục, quy trình giải quyết TTHC, mức thu phí (nếu có), tra cứu thông tin và theo dõi hoạt động của tiến độ giải quyết TTHC, điều hòa, phối hợp, theo dõi, giám sát, đôn đốc các đầu mối một cửa tại bộ phận bảo đảm tiến độ.
Thời hạn giải quyết TTHC theo quy định, theo dõi công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị được cử đến bộ phận tiếp nhận, hướng dẫn, thẩm định, đôn đốc các cơ quan, đơn vị có liên quan trong giải quyết các TTHC theo đúng chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm tiến độ và thời hạn trả kết quả cho tổ chức, các nhân theo quy định. Song song với đó, để vận hành bộ máy, yếu tố con người được xác định rất quan trọng. Vì vậy, nhân lực làm việc tại Bộ phận được huyện đặc biệt quan tâm.
Theo đó, sẽ có 14 người làm việc tại đây; trong đó, 3 công chức chuyên trách và 11 cán bộ, công chức được cử đến từ các phòng, ban chuyên môn làm việc kiêm nhiệm. Mặt khác, căn cứ vào tình hình thực tế, tần suất giao dịch để bố trí phù hợp. Ngoài ra, các cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn cũng được huy động mỗi đơn vị một người.
Đồng chí Vũ Tiến Đức - Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Để Bộ phận Phục vụ hành chính công huyện đi vào hoạt động đúng theo lộ trình, huyện chủ động tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo việc xây dựng, cài đặt phần mềm, hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ Bộ phận để thực hiện thống nhất trên địa bàn tỉnh; tổ chức mở lớp tập huấn cho đội ngũ công chức, viên chức trước khi đi vào hoạt động chính thức”.
Trần Minh