Trong số những nhà "dân chủ cuội”, người đầu tiên phải kể đến là Nguyễn Văn Điển, sinh năm 1983, trước đây cư trú tại tổ 3 (tổ 17 cũ) phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái. Với học vấn chưa hết bậc THCS, Điển bỏ học ở nhà làm thợ mộc, sau đó đi xuất khẩu lao động tại Malaysia.
Tại đây, Điển đã gặp gỡ và bị Vũ Quang Thuận (một đối tượng phản động cộm cán) "nhồi sọ” và dẫn dắt vào các hoạt động chống đối chính trị và cũng chính vì những hoạt động này Điển và Thuận đã bị chính quyền nước sở tại trục xuất về Việt Nam.
Biết ở Yên Bái, Điển sẽ không tránh được tai mắt của quần chúng nhân dân, nên hắn đã chuyển về cư trú tại khu tập thể Bộ Giao thông Vận tải (Hà Nội) cùng với Vũ Quang Thuận.
Ở Hà Nội, Điển và Thuận tiếp tục kết giao với đám "dân chủ cuội” để tham gia cái gọi là Phong trào "Chấn hưng nước Việt” và nhận tài trợ cùng sự chỉ đạo của các tổ chức phản động. Chúng đã sản xuất, biên tập các video clip có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ, nhục mạ chính quyền xung quanh những vấn đề như "phản ánh sự thật về tình hình đất nước và xã hội”, các hoạt động đòi dân chủ, nhân quyền… rồi sử dụng nhiều tài khoản Youtube, Facebook để tuyên truyền những quan điểm, luận điệu chống Đảng, Nhà nước, hô hào biểu tình lật đổ chế độ, gây rối an ninh trật tự...
Trước những hành vi vi phạm pháp luật của Điển, Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội đã bắt giữ để tiến hành điều tra đối với Nguyễn Văn Điển về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo điều 88 - Bộ luật Hình sự. Với những tài liệu, chứng cứ rõ ràng, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Văn Điển mức án 6 năm, 6 tháng tù giam.
Một đối tượng khác là Lê Trọng Hùng, sinh năm 1979, lớn lên tại xã Minh Quân huyện Trấn Yên, sau khi tốt nghiệp sư phạm tại Yên Bái, Hùng làm giáo viên một trường tiểu học tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, rồi chuyển về dạy học tại một trường dành cho học sinh khuyết tật ở Hà Nội.
Nhưng với bản tính gàn dở, Hùng đã bỏ việc và quay hẳn sang kiếm ăn bằng nghề "dân chủ cuội”. Cũng giống như những kẻ "cùng hội, cùng thuyền”, với mớ lý luận ngây ngô, thậm chí ngớ ngẩn, Lê Trọng Hùng đã tự nhận mình là "nhà báo tự do” và khoác lên mình chiếc áo "Nhà hoạt động đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền”.
Lê Trọng Hùng đã "bắt sóng” với đám "dân chủ cuội” như Nguyễn Văn Điển, Vũ Quang Thuận, Lê Văn Dũng (Lê Dũng Vova) để cùng tham gia vào cái gọi là "Phong trào chấn hưng nước Việt” với vai trò là người phụ trách kênh truyền thông Youtube chuyên bàn về vấn đề "dân oan, xã hội, giáo dục”. Dễ dàng để nhận ra việc kiếm ăn của Hùng chủ yếu đến từ việc lên mạng xuyên tạc tình hình đất nước, công kích, đả phá chế độ để nhận tiền tài trợ của các tổ chức phản động.
Bên cạnh đó, Lê Trọng Hùng đã cùng đồng bọn luôn tìm mọi cách để kích động, xúi giục người dân tụ tập biểu tình, gây rối an ninh trật tự và có phản ứng tiêu cực với chính quyền. Đỉnh điểm là vụ việc xảy ra ở xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, Hùng chính là người đắc lực trong vai trò tư vấn, ủng hộ, cổ súy cho Lê Đình Kình và các đối tượng khác dẫn đến vụ án "Giết người” và "Chống người thi hành công vụ” ngày 09/01/2020 làm ba chiến sĩ công an hy sinh.
Đầu năm 2021, khi các công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra, Lê Trọng Hùng đã tuyên bố tự ứng cử đại biểu Quốc hội, Hùng mở kênh CHTV Việt Nam trên Facebook để phát livestream vận động tranh cử đại biểu Quốc hội.
Sau hành động này, Hùng liên tục có nhiều bài viết và sản xuất nhiều clip có cùng chủ đề để kêu gọi cư dân mạng ủng hộ cho hắn. Mặc dù hắn biết, xét trên 7 tiêu chí đối với người ứng cử trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, thì Hùng chỉ đủ 2 tiêu chí là "Người đủ 21 tuổi” và "Quốc tịch Việt Nam”. Còn những yêu cầu quan trọng về phẩm chất đạo đức, trình độ văn hóa, chuyên môn, năng lực… thì Hùng đều không đạt.
Thô bỉ hơn, Hùng đã quyên góp tiền với lý do "Lấy tiền tranh cử vào Quốc hội”… Và cũng thật lố bịch, Lê Trọng Hùng muốn trở thành chính trị gia mà không biết rằng ở Việt Nam chưa từng có vị đại biểu Quốc hội nào phải dùng tiền để vận động tranh cử.
Điều này chứng tỏ rằng, Hùng "tự ứng cử” chỉ là cái cớ để lừa đảo người nhẹ dạ, cả tin cũng như xin tiền "tài trợ” của các tổ chức phản động mà thôi. Hơn hết, đây có thể còn là cái cớ để Lê Trọng Hùng cũng như các đối tượng phản động, cơ hội chính trị khác tiếp tục hoạt động chống phá, xuyên tạc về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.
Và một cái kết như đã được định sẵn, ngày 29/3/2021, Lê Trọng Hùng đã bị Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội thi hành lệnh bắt tạm giam để điều tra về tội "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" quy định tại điều 117 Bộ luật Hình sự. Vụ án đang được các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục điều tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thời gian tới, khi thời điểm diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến gần, sự chống phá của các thế lực thù địch và đám "dân chủ cuội” được dự báo sẽ gia tăng với tính chất công khai, trực diện và trắng trợn hơn. Rõ ràng những hành vi này sẽ tác động xấu đến công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử.
Để đảm bảo thành công cho cuộc bầu cử, mỗi người chúng ta cần thận trọng hơn khi sử dụng mạng xã hội, không nên đăng tải, chia sẻ những luận điệu xuyên tạc, những thông tin sai trái cùng những bình luận tiêu cực... Với ý nghĩa, tầm quan trọng của sự kiện chính trị đặc biệt này, mỗi người dân chúng ta cần gia tăng "sức đề kháng” trước những thông tin xấu độc. Bên cạnh đó các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm cũng như việc cung cấp thông tin kịp thời đến với người dân.
Bùi Công Huân (bài viết dự thi về chủ đề "Vì bình yên cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân)