Lan tỏa thông tin tích cực
Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết đâu là điểm nhấn quan trọng của Chỉ thị số 12/CT-TTg?
Nhà báo Vũ Việt Trang: Chủ trương tăng cường hoạt động báo chí tuyên truyền cũng như định hướng hoạt động truyền thông, báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và chấn chỉnh vi phạm là vấn đề mang tính nhất quán của Đảng và Nhà nước nhưng Chỉ thị này đã cụ thể hóa và có những bổ sung phù hợp với sự phát triển của xã hội cũng như truyền thông hiện đại.
Tôi thấy một số điểm nhấn quan trọng của Chỉ thị gồm những nội dung như sau:
Thứ nhất, lan tỏa thông tin tích cực: Một trong các chức năng của báo chí là phản biện nhưng trong một số trường hợp chúng ta quá sa đà phản ánh những vấn đề bất cập, tiêu cực của xã hội mà coi nhẹ những câu chuyện tích cực, những điều tốt đẹp, phổ biến những thông tin-kiến thức cần thiết cho cuộc sống. Từng có ý kiến rằng báo chí (cả quốc tế cũng như ở trong nước) đề cập quá nhiều về những mảng tối khiến người đọc sợ hãi và không muốn đọc báo nữa. Chính vì vậy, chỉ đạo lan tỏa thông tin tích cực là rất kịp thời và đúng đắn. Báo chí phải phản ánh trung thực xã hội - cả cái tốt lẫn cái xấu - chứ không thể quá tập trung vào những mặt tiêu cực.
Thứ hai, nâng cao nhận thức của nhân dân trước các thông tin sai sự thật: Trong những năm qua, tin giả, tin sai lệch, tin xấu độc càng ngày càng tràn lan, tới mức người dân khó nhận biết thông tin đúng-sai, nhất là trên các nền tảng xã hội. Những thông tin sai lệch, bịa đặt này không chỉ tác động đến các cá nhân, tổ chức-doanh nghiệp, mà cả xã hội và thể chế. Đặc biệt trong thời gian xảy ra dịch Covid-19 hay các sự kiện chính trị-xã hội quan trọng, chống tin giả trở thành đòi hỏi cấp bách. Báo chí cần có trách nhiệm trong việc nâng cao nhận thức cho người dân, giúp họ nhận biết và tránh các thông tin sai trái, bóc trần tin giả và đăng tải thông tin đúng đắn, trung thực.
Thứ ba, tăng cường tính chủ động và tính phối hợp của các cơ quan: Chỉ thị nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, thành viên của Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành trong việc cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí; các cơ quan báo chí cần làm tốt nhiệm vụ "là dòng chảy chính” của hệ thống thông tin và truyền thông phục vụ công chúng trong và ngoài nước, ứng dụng công nghệ mới trong các khâu của quy trình tác nghiệp và đưa thông tin rộng rãi trong xã hội; các cơ quan chỉ đạo và quản lý nhà nước về báo chí thực hiện nhiệm vụ định hướng hoạt động thông tin, truyền thông, xây dựng cơ chế phối hợp nhằm bảo vệ chủ quyền "thông tin” của Việt Nam trên không gian mạng.
PV: Cùng với cơ quan báo chí chủ lực, Thông tấn xã Việt Nam sẽ phải làm gì để thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng, thưa đồng chí?
Nhà báo Vũ Việt Trang: Để làm tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thông tin nguồn, cung cấp thông tin chính thức, chính thống tới công chúng và hệ thống báo chí trong và ngoài nước. Thời gian qua, tôi thấy Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) cũng như Báo Quân đội nhân dân và các cơ quan báo chí chủ lực khác luôn xác định cần phải phổ biến kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về quan điểm bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam; vai trò của lực lượng chức năng cũng như của chính quyền các cấp và người dân nhằm tạo ra sự động thuận xã hội trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Trước các sự kiện, vấn đề quan trọng của đất nước, cùng với các cơ quan báo chí, chúng tôi thường xuyên tổ chức các tuyến tin chuyên đề, chuyên sâu để cung cấp thông tin một cách hệ thống tới các cơ quan báo chí và công chúng trong và ngoài nước. Trong thời gian qua, TTXVN đã đổi mới hình thức cung cấp thông tin, ứng dụng phương thức làm báo mới tạo ra các trang web đặc biệt tích hợp các loại hình thông tin (văn bản, ảnh, video, đồ họa và megastory) nhân các sự kiện như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026…Các trang web này không chỉ cung cấp thông tin thời sự mà còn cả thông tin tư liệu giúp người dùng có thể tiếp cận một hệ thống dữ liệu quý giá của TTXVN được biên tập một cách khoa học và bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Bên cạnh đó, TTXVN, với mạng lưới phóng viên thường trú tại 30 địa bàn trên 5 châu lục cùng các biên tập viên có bản lĩnh chính trị và ngoại ngữ tốt, sẽ tiếp tục tăng cường nắm bắt để đăng phát thông tin về các vấn đề thời sự khu vực và quốc tế một cách nhanh chóng và phù hợp với đường lối đối ngoại của Việt Nam, phục vụ tốt nhất lợi ích quốc gia và dân tộc.
Việc sản xuất nội dung là một nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, việc đưa nội dung đó đến với công chúng cũng chính là một trong các chỉ số xác định vị thế của cơ quan báo chí. Phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, các cơ quan báo chí chủ lực tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện về mọi mặt với việc tăng cường ứng dụng công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm thông tin mới theo hướng đa phương tiện, đa nền tảng để tăng sức lan tỏa thông tin chính thống, qua đó khẳng định vai trò và vị thế của báo chí là dòng thông tin chủ lực trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Đẩy lùi thông tin xấu, độc
PV: Theo đồng chí, sự ra đời của Chỉ thị sẽ mang lại những thuận lợi gì cho báo chí hiện nay?
Nhà báo Vũ Việt Trang: Trước những vấn đề nổi cộm, phát sinh trong quá trình phát triển của đất nước, phóng viên thường trú tại 63 tỉnh thành cùng các phóng viên chuyên ngành của TTXVN chủ động tiếp cận các cơ quan có thẩm quyền, chuyên gia và những cá nhân/tổ chức có liên quan để cung cấp thông tin toàn diện và chính xác về vấn đề nóng cũng như giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, góp phần hạ nhiệt kịp thời vấn đề "nóng” của xã hội.
Thực tiễn tác nghiệp cho thấy, một số cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương có lúc, có nơi, còn chưa sẵn sàng cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí khi có "vấn đề” phát sinh. Chính việc chậm trễ này đã tạo không gian cho thông tin "xấu độc”. Với sự ra đời của Chỉ thị 12, tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới sẽ có sự phối hợp hiệu quả hơn giữa các cơ quan báo chí và các bộ, ngành, địa phương.
PV: Báo chí phải làm gì để định hướng dư luận về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, thưa đồng chí?
Nhà báo Vũ Việt Trang: Việc định hướng dư luận về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Ví dụ, trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, các cơ quan báo chí chủ lực luôn xác định cần tổ chức thông tin để công chúng nắm được bản chất của vấn đề từ quan điểm, đường lối, quá trình tổ chức thực hiện và đặc biệt là nỗ lực của lực lượng chức năng, các quy định pháp luật trong nước và quốc tế có liên quan, quan điểm của các bên liên quan và thông tin tham chiếu từ các vụ việc tương tự của các quốc gia khác. Việc tổ chức thông tin toàn diện và trên cả kênh đối nội và đối ngoại sẽ giúp người dân trong nước hiểu được tình hình, khơi dậy tinh thần yêu nước của người dân nhưng cũng giảm thiểu các biểu hiện quá khích; cũng như thu hút thêm được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta.
Nhiệm vụ chỉnh hướng, phản bác các thông tin không đúng sự thật, thông tin sai trái của các thế lực thù địch cũng được xác định là một nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan báo chí. Để làm tốt công việc này, những người làm báo phải không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn để có được các tác phẩm báo chí với các luận chứng, luận cứ sắc sảo và có tính cập nhật cao giúp dư luận có cái nhìn đúng bản chất về sự việc và chỉ ra những âm mưu mà thế lực thù địch muốn thực hiện khi reo rắc những thông tin bịa đặt, sai sự thật.
PV: Trân trọng cảm ơn nhà báo Vũ Việt Trang về cuộc trò chuyện này!
(Theo QĐND)