Thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc ở Yên Bái, góp thêm một minh chứng phản bác quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc về chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Bài 2: Giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số là sự thật không thể phủ nhận

  • Cập nhật: Thứ ba, 25/6/2024 | 7:40:58 AM

YênBái - Bình đẳng về văn hóa là việc bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, đưa các giá trị, các nhu cầu văn hóa mới tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc tới cho đồng bào hưởng thụ ngày càng nhiều.

Nghệ thuật Xòe Thái ngày càng được phát huy giá trị trên vùng Nghĩa Lộ - Mường Lò.
Nghệ thuật Xòe Thái ngày càng được phát huy giá trị trên vùng Nghĩa Lộ - Mường Lò.


Trước một số hạn chế trong việc bảo tồn, lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc hoặc qua một số trường hợp cụ thể khi thực hiện các chính sách mà chưa chú ý đến đặc thù văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), các thế lực thù địch, phản động rêu rao: Đảng, Nhà nước Việt Nam không tôn trọng bản sắc, văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, cố tình "đồng hóa về văn hóa” ở vùng đồng bào DTTS theo văn hóa người Kinh để "Kinh hóa đồng bào DTTS”; các DTTS đang bị đồng hóa, phân biệt đối xử vì khác biệt văn hóa… 

Nhưng sự thật là: tôn trọng, quan tâm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS luôn là chủ trương của Đảng, Nhà nước. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nhấn mạnh: "Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc”. 

Đến Đại hội XIII, chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề dân tộc tiếp tục được quan tâm, chú trọng, nội dung cơ bản thống nhất với các kỳ đại hội trước; trong đó, có nội dung: "… giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS trong sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất”. 

Việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS ở Yên Bái là một minh chứng cho sự thật về chủ trương tôn trọng, quan tâm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa DTTS của Đảng và Nhà nước ta, góp phần khẳng định đó là một sự thật thông thể phủ nhận.

Câu chuyện ở vùng Mường Lò - minh chứng điển hình về giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào DTTS ở Yên Bái

Những thành quả trong gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa bản địa ở vùng Nghĩa Lộ - Mường Lò là một ví dụ, một minh chứng điển hình, sinh động, sống động và rõ ràng cho sự quan tâm, chăm lo bảo tồn, phát huy, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS tại Yên Bái. Thị xã Nghĩa Lộ là vùng đất có các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các DTTS vùng Tây Bắc, đặc biệt nơi đây được xác định là vùng đất tổ của tộc người Thái đen; là điểm kết nối, hội tụ những giá trị văn hóa của 21 dân tộc anh em cùng chung sống. 

Trong những năm qua, thị xã Nghĩa Lộ đã đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là Nghệ thuật Xòe Thái. 

Với những giá trị nhân văn và vô cùng đặc sắc, năm 2021, Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc ghi danh di sản văn hóa này không chỉ là niềm tự hào của riêng người dân Nghĩa Lộ, mà còn là niềm tự hào chung của tỉnh Yên Bái và đồng bào Thái khắp nơi; đồng thời, là sự ghi nhận những nỗ lực bảo tồn, gìn giữ, bởi tình yêu quê hương và sự trăn trở với một nền văn hóa đặc sắc, riêng có ở Mường Lò. 

Bà Đỗ Thị Thanh Nga - Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Để có được thành quả đó, những năm qua, thị xã đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với di sản văn hóa Nghệ thuật Xòe Thái nhằm bảo vệ, phát huy các truyền thống văn hóa, giáo dục giá trị văn hóa, văn học và nghệ thuật của di sản; biên tập, xây dựng, phát hành phim tư liệu, videoclip giới thiệu nghệ thuật xòe Thái, đăng tải các video trên sóng phát thanh, truyền hình và các hạ tầng số để thu hút sự quan tâm của nhân dân, du khách; khuyến khích các hoạt động sáng tác về những nét đẹp của xòe Thái trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Nghĩa Lộ - Mường Lò và các hình thức tuyên truyền trực quan”. 

Thị xã tổ chức các cuộc thi trình diễn xòe Thái; xây dựng các tiết mục trình diễn xòe trong các chương trình hội diễn nghệ thuật quần chúng; đưa xòe Thái vào các lễ hội trong năm, đặc biệt là Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò được tổ chức thường niên. Đây chính là những hoạt động thiết thực để tạo môi trường cho các giá trị văn hóa nói chung và Nghệ thuật Xòe Thái nói riêng phát huy giá trị. 

Đặc biệt, năm 2023, thị xã đã tổ chức Hội thi "Lung linh vòng xòe lần thứ nhất” và tiếp tục tổ chức Hội thi này lần thứ 2  trong năm 2024, mang lại sự phấn khởi và tự hào cho người Thái trong vùng. Thị xã đã gắn liền nhiệm vụ bảo tồn và phát huy Nghệ thuật Xòe Thái với phát triển du lịch để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, bản sắc và riêng có.

Thị xã tập trung xây dựng các tour, tuyến du lịch trải nghiệm kết nối Nghệ thuật xòe Thái với các di sản văn hóa và các địa danh nổi tiếng của người Thái Mường Lò để xây dựng "Hành trình di sản Xòe Thái"; phát triển các sản phẩm du lịch gắn với các lễ hội truyền thống, tìm hiểu Nghệ thuật Xòe Thái vào dịp đầu năm tại thị xã Nghĩa Lộ; nghiên cứu, phát huy những lễ hội, nghi lễ gắn với Nghệ thuật Xòe Thái như: lễ hội Rằm tháng Giêng; lễ hội Xên bản, Xên mường... thành sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch... 

Thị xã cũng tập trung xây dựng và phát triển các câu lạc bộ, đội văn nghệ thôn nhằm bảo tồn và phát huy Nghệ thuật Xòe Thái gắn với phát triển du lịch; thực hiện truyền dạy và thực hành Xòe Thái trong tất cả các trường học trên địa bàn thị xã, trong cộng đồng dân cư tại địa phương thông qua các đội văn nghệ quần chúng, các câu lạc bộ và Hội Bảo tồn tri thức bản địa. 

Song song với truyền dạy, thị xã đặc biệt quan tâm việc tôn vinh các nghệ nhân trong lĩnh vực thực hành Nghệ thuật Xòe Thái để ghi nhận công lao và khuyến khích các nghệ nhân gìn giữ, phát huy giá trị của di sản Xòe Thái… 

Không chỉ Nghệ thuật Xòe Thái nói riêng, mà nhiều bản sắc văn hóa tốt đẹp nói chung của đồng bào DTTS ở Nghĩa Lộ đều đã được quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị. Giá trị văn hóa vật thể được bảo tồn thông qua bảo tồn các giá trị kiến trúc nhà ở, trang phục, đồ dùng sinh hoạt… Giá trị văn hóa phi vật thể được bảo tồn qua giữ gìn, trao truyền tiếng nói, chữ viết, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống. Thị xã đã tiến hành rà soát, quy hoạch các bản văn hóa truyền thống đặc trưng của các dân tộc Thái, Mường tại nhiều xã, phường trên địa bàn; tổ chức nhiều lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể các dân tộc tại cộng đồng; sưu tầm, biên soạn các tài liệu khắp Thái, nhạc cụ khèn bè...; duy trì tổ chức thường niên các lễ hội truyền thống trên địa bàn…

Có thể nói, với những nỗ lực không ngừng nghỉ của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị cùng người dân đã làm nên một vùng đất Nghĩa Lộ - Mường Lò đậm đà bản sắc như ngày hôm nay. Ở đó, không chỉ đồng bào các DTTS nói riêng, mà đông đảo người dân nói chung đều được thực hành và rất đỗi tự hào về vốn văn hóa bản địa đặc sắc, nhất là của đồng bào dân tộc Thái. Bởi vậy, luận điệu rêu rao rằng, Đảng, Nhà nước ta cố tình "đồng hóa về văn hóa” ở vùng đồng bào DTTS theo văn hóa người Kinh để "Kinh hóa đồng bào DTTS”; các DTTS đang bị đồng hóa, phân biệt đối xử vì khác biệt văn hóa… trở nên vô cùng vô lý và vô nghĩa khi đối chiếu với thực tiễn sống động ở vùng đất Mường Lò.

Di sản văn hóa phong phú, đa dạng trên toàn tỉnh đã và đang được bảo tồn và phát huy 

Bà Lê Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: "Triển khai thực hiện công tác bảo tồn di sản, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành "Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020 -2030”. Theo đó, trung bình mỗi năm thực hiện làm hồ sơ, quay phim bảo tồn từ 5 - 7 di sản, mỗi năm nghiên cứu làm 2 hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Số di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng”. 

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2022 - 2023, các địa phương đã tổ chức bảo tồn 9 lễ hội truyền thống của các DTTS để khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch. Tỉnh cũng đã xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người DTTS trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận; đã có 10 nghệ nhân người DTTS được thụ hưởng chính sách hỗ trợ và được hỗ trợ nghiên cứu, sưu tầm và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể; đã tổ chức được 14 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; đã triển khai 1 dự án nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát triển văn hóa phi vật thể các DTTS có nguy cơ bị mai một trên địa bàn huyện Văn Yên. Ngoài ra, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc cũng được ngành văn hóa triển khai gắn với xây dựng đời sống văn hóa cơ sở thông qua tổ chức các cuộc thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ các DTTS tổ chức 2 năm/lần từ cấp cơ sở đến tỉnh…

Di sản văn hóa phong phú, đa dạng trên địa bàn tỉnh được bảo tồn và phát huy có hiệu quả là cơ sở quan trọng cho việc tổ chức hoạt động lễ hội trong nhân dân; là cơ hội để nhân dân thực hành di sản, góp thêm minh chứng không thể phủ nhận cho việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS của Đảng và Nhà nước ta.

Thu Hạnh
Bài cuối: Khẳng định quyền tham chính của người dân tộc thiểu số

Tags Yên Bái dân tộc thiểu số chính sách dân tộc Mường Lò thị xã Nghĩa Lộ Xòe Thái văn hóa phi vật thể

Các tin khác
Cuộc sống của người dân thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên ngày một ấm no, phát triển.

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định chính sách dân tộc (CSDT) có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bình đẳng giữa các dân tộc là một nguyên tắc cơ bản có ý nghĩa quan trọng hàng đầu của CSDT về quyền của các dân tộc thiểu số (DTTS). Việc cụ thể hóa, hiện thực hóa các quyền bình đẳng của các DTTS trên địa bàn tỉnh Yên Bái - một tỉnh miền núi có nhiều dân tộc chung sống là minh chứng sống động, góp thêm một tiếng nói phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc CSDT ở Việt Nam.

Fanpage

Tập trung tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội cấp huyện của Văn Yên còn chủ động, kịp thời nắm bắt, phân tích, phản ánh khách quan dư luận của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân qua nhiều hình thức.

Chung tay xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng thật trong sạch, vững mạnh.

Chỉ có quét sạch chủ nghĩa cá nhân, thói đạo đức giả, tích cực rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, chí công vô tư, thực hiện tốt bổn phận, nâng cao lòng tự trọng của mỗi cán bộ, đảng viên, nâng cao phẩm chất, danh dự, sống có trách nhiệm với cơ quan, địa phương, đất nước, đảng viên và cán bộ mới làm tròn trách nhiệm, lời hứa thiêng liêng trước cờ Đảng, trước nhân dân.

Ảnh minh họa

“Đạo đức giả”-dân gian hay gọi là thói đạo đức giả, là những hành vi dùng vỏ bọc đạo đức bề ngoài; nói và làm những điều tưởng như chuẩn mực, giống y như những người có đạo đức, để che đậy bản chất cơ hội bên trong, đánh lừa cá nhân, tập thể, nhằm mưu lợi riêng, trục lợi cá nhân, gây hại cho xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục