Bảo đảm bình đẳng giữa các ứng viên trong vận động bầu cử

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/4/2016 | 2:36:15 PM

Cơ quan tổ chức bầu cử ở địa phương sẽ cố gắng để người ứng cử là lãnh đạo Trung ương hay người ứng cử ở cơ sở đều bình đẳng trong quá trình quá trình vận động tranh cử.

Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định đồng thời cũng là người có kinh nghiệm 4 lần tham gia tổ chức bầu cử đã chia sẻ với báo chí về công tác tổ chức và thực hiện bầu cử hiện nay.

- Luật Bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp vừa được Quốc hội thông qua quy định hai hình thức vận động bầu cử là tiếp xúc cử tri nơi ứng cử và vận động thông qua trình bày chương trình hành động trên báo chí, các phương tiện truyền thông đại chúng. Ông có thể phân tích những điểm mạnh của hai hình thức này?

Trong vận động bầu cử, Luật đã quy định người ứng cử đại biểu Quốc hội chỉ áp dụng hai hình thức trên, trong đó việc vận động qua hội nghị tiếp xúc cử tri nơi ứng cử do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp với lãnh đạo chính quyền địa phương tổ chức.

Trong tiếp xúc cử tri để người ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND trình bày chương trình hành động của mình thì mỗi địa phương đều cố gắng tăng số lượng cử tri tới dự. Tuy vậy việc này rất khó khăn, đôi khi khó khăn ở việc thiếu chỗ ngồi nên mỗi hội nghị chỉ có khoảng vài trăm người và ở mỗi đơn vị bầu cử thì người ứng cử cũng chỉ tiếp xúc được 5 tới 7 cuộc. Tính chung thì sẽ có khoảng hơn 1.000 người tới nghe trực tiếp chương trình hành động của ứng viên. Điều này cho thấy số cử tri đại diện so với số lượng cử tri ở nơi đó là không đáng kể và có thể sẽ tác động tới số phiếu bầu cử của đại biểu đó.

Do đó, người ứng cử phải tận dụng kênh bầu cử rất quan trọng thứ hai là thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để giới thiệu chương trình hành động của mình.

Theo đó, người ứng cử có thể trình bày chương trình hành động tại cơ quan báo chí của địa phương và website của Hội đồng Bầu cử quốc gia để nhiều cử tri biết đến mình hơn.

Cơ quan tổ chức bầu cử ở các địa phương cũng sẽ cố gắng để người ứng cử là lãnh đạo Trung ương hay người ứng cử ở cơ sở đều được bình đẳng trong quá trình trình bày chương trình hành động và bình đẳng trong thời lượng vận động trên báo, đài truyền thanh, truyền hình.

Nếu người ứng cử tận dụng tốt 2 hình thức này thì nhiều cử tri sẽ biết đến chương trình hành động của mình và họ có cơ sở đánh giá, cân nhắc khi bỏ phiếu.

- Ông đánh giá thế nào về cách thức vận động bầu cử trên mạng xã hội hiện nay?

Luật Bầu cử không cấm người ứng cử vận động bầu cử trên mạng xã hội, người ứng cử cũng có thể sử dụng phương thức này.

Nhưng với các ĐBQH ứng cử ở vùng sâu, vùng xa thì tôi cho rằng có vận động trên mạng xã hội thì cử tri ở khu vực đó cũng không thể biết tới mình được vì cử tri khó có điều kiện tiếp cận được cách thức này.

Do đó, người ứng cử nên cố gắng tận dụng hai kênh nói trên.

- Với kinh nghiệm của mình, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm vận động bầu cử thế nào để đạt hiệu quả nhất?

Với người ứng cử là cán bộ ở Trung ương và địa phương thì không có gì khó khăn trong vận động bầu cử vì đây là những người có nhiều kinh nghiệm. Nhưng với người ứng cử lần đầu hoặc người ứng cử là cán bộ cấp cơ sở thì cũng có những khó khăn. Chúng tôi cũng có hướng dẫn và khuyến nghị với người ứng cử rồi.

Theo tôi, người ứng cử muốn cử tri hiểu rõ mình thì phải dành thời gian thích đáng cho việc tìm hiểu kỹ địa phương nơi  ứng cử (vị trí, thế mạnh KT-XH, thành phần dân tộc, tôn giáo…), đặc biệt với người ứng cử ĐBQH lần đầu. Nếu không,  vấn đề mình đề cập sẽ không gần gũi, gắn bó, thiết thực với cử tri nơi ứng viên ra ứng cử.

Đặc biệt, trong trình bày chương trình hành động của mình, người ứng cử không hứa những điều mà mình không có cơ sở thực hiện. Bởi mọi quyết định của Quốc hội là quyết định của tập thể nên người vận động tranh cử không thể "hứa" vào được Quốc hội thì tôi sẽ làm luật này, ban hành chính sách kia.

Nếu người ứng cử mắc phải các sai phạm trong vận động bầu cử thì bị xử lý thế nào thưa ông?
Các điều cấm thì Luật đã ghi rõ rồi. Sai phạm bị xử lý ở mức cao nhất là xóa tên khỏi danh sách người ứng cử. Những người đã được đưa tên vào danh sách người ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND sau hội nghị hiệp thương lần thứ 3 chưa chắc sẽ hoàn toàn được đưa ra bầu nếu anh vi phạm các quy định của bầu cử.

Ở các cấp có các tổ chức bầu cử, Ủy ban bầu cử. Đó là tổ chức vừa làm nhiệm vụ tổ chức và xử lý các tình huống xảy ra. Không chỉ Mặt trận mà các cơ quan, đoàn thể khác cũng có thẩm quyền giám sát. Quy trình cụ thể thì chưa có nhưng giám sát của Mặt trận là rộng rãi và chắc chắn bảo đảm phát hiện các vi phạm trong bầu cử.

- Ông có thể cho biết việc Hội đồng Bầu cử quốc gia phân bổ các ứng viên ĐBQH là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước về một số địa phương hiện được thực hiện như thế nào?

Việc này có tiêu chí do Hội đồng Bầu cử quốc gia quy định. Trừ hai thành phố lớn (Hà Nội và TPHCM) thì các tỉnh, thành phố khác không thể có trường hợp 2 Ủy viên Bộ Chính trị hoặc trường hợp một Phó Thủ tướng Chính phủ và một Bộ trưởng đều ứng cử ở một địa phương. Đây là điều bình thường như các lần bầu cử khác chúng ta đã làm.

Nhân đây tôi cũng nói thêm là tới nay các địa phương đã có công văn đề nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia cử các đồng chí ở Trung ương về địa phương mình ứng cử ĐBQH nhưng chưa có một đồng chí lãnh đạo cấp cao nào có đơn xin về chỗ này hay chỗ kia để cho dễ trúng cử.

Tới lần bầu cử này thì việc đề cử và bầu cử cho người thuộc dòng họ của mình vào được cơ quan dân cử cấp xã, phường có được xử lý triệt để không thưa ông?

Trường hợp này có thể xảy ra ở cấp xã. Theo quy định, các thôn, tổ dân phố có quyền giới thiệu người ứng cử HĐND cấp xã, vì thế cũng có thể có câu chuyện một dòng họ giới thiệu người của dòng họ mình ra ứng cử.

Nhưng giới thiệu nhiều hay ít người ứng cử thì cuối cùng vẫn phải tới hội nghị hiệp thương cấp xã sẽ lựa chọn giới thiệu. Đến khâu này thì dòng họ sẽ không còn khả năng chi phối nữa. Những tổ chức đảm nhận việc hiệp thương (như chính quyền, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể) phải chịu trách nhiệm sao cho lựa chọn những người thực sự tốt nhất.

- Xin cảm ơn ông!

(Theo Chinhphu.vn)

Các tin khác

YBĐT - Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, huyện Lục Yên có 464 đại biểu nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND 2 cấp. Trong đó, cấp huyện 24 người, tỷ lệ 33,3%; cấp xã, thị trấn 440 người, tỷ lệ 37%.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Sáng 14-4, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để chốt danh sách sơ bộ 197 người thuộc khối trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH)  khoá XIV.

YBĐT - Đến thời điểm này, các lực lượng Công an thị xã Nghĩa Lộ đã tập trung các biện pháp nghiệp vụ, chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho ngày bầu cử.  

Hội nghị hiệp thương lần 2.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 để lựa chọn, lập danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục