Sau khi Hiệp định Geneva về lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, trước ý đồ thay thế Pháp, xâm lược miền Nam nước ta của đế quốc Mỹ, tháng 7-1954, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6, Đảng ta đã sớm xác định: Kẻ thù chính của nhân dân thế giới và hiện đang trở thành kẻ thù chính, trực tiếp của nhân dân Đông Dương là đế quốc Mỹ.
Tiếp theo đó, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 13 (tháng 12-1957), Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
Trong đó, nhiệm vụ củng cố miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) có tính chất quyết định thắng lợi của cách mạng trong giai đoạn mới; lực lượng cách mạng miền Nam cần tiếp tục duy trì và phát triển. Đảng ta coi đó là nhân tố trực tiếp quyết định thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chủ trương kịp thời và hoàn toàn đúng đắn của Đảng ta lúc đó là: Ra sức ổn định tình hình, củng cố miền Bắc thật vững chắc; bảo vệ và xây dựng lực lượng, căn cứ địa cách mạng, tìm con đường, biện pháp thích hợp để cách mạng Việt Nam tiến lên. Nhờ đó, nhân dân miền Bắc đã giành thắng lợi to lớn về cải tạo và xây dựng CNXH, làm cho miền Bắc từng bước trở thành căn cứ địa vững chắc của cách mạng cả nước.
Ở miền Nam, từng bước, Đảng ta đã tìm ra phương pháp và hình thức đấu tranh thích hợp nên đã đối phó có hiệu quả với địch, đưa cách mạng tiếp tục phát triển. Bước chuyển biến mới, rõ rệt nhất của cách mạng ở miền Nam là sau khi có nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Trung ương Đảng (tháng 1-1959), lực lượng ba thứ quân và hệ thống chỉ huy quân sự các cấp từng bước hình thành.
Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Các căn cứ địa cách mạng tại chỗ được khôi phục và mở rộng; đường bộ 559, đường biển 759 được hình thành và phát huy tác dụng… Sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của miền Bắc đã thúc đẩy cách mạng miền Nam phát triển; đã vượt qua thử thách nghiêm trọng nhất, từ thoái trào và giữ gìn lực lượng đã chuyển sang thế tiến công. Đến đầu năm 1960, miền Nam trên thực tế đã ở trong quá trình khởi nghĩa từng phần.
Tiếp theo đó, nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9-1960) đã hoàn chỉnh đường lối cách mạng Việt Nam; thể hiện rõ tư duy lý luận chiến lược về lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng của Đảng ta.
Những điểm nổi bật là: Đảng đã sớm xác định và chỉ rõ kẻ thù mới của dân tộc ta là đế quốc Mỹ và tay sai, sớm vạch ra một cách đúng đắn hai chiến lược cách mạng; khẩn trương ổn định tình hình, củng cố miền Bắc làm hậu phương vững chắc, là trung tâm lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng cả nước; vạch ra đường lối, phương pháp đấu tranh cách mạng đúng đắn, có lợi nhất, đưa đến cuộc đồng khởi vĩ đại, đánh thắng chiến lược đầu tiên của đế quốc Mỹ; giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa giải phóng miền Nam và xây dựng CNXH ở miền Bắc, giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng quốc tế.
Để đối phó với cách mạng miền Nam, sau cuộc Đồng khởi của ta, từ cuối năm 1960, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược "chiến tranh đặc biệt” và nhiều kế hoạch, chiến dịch bình định miền Nam, dồn dân vào các ấp chiến lược. Trước âm mưu, thủ đoạn mới của địch, Đảng ta đã kịp thời chuyển cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng; kết hợp nhuần nhuyễn giữa khởi nghĩa vũ trang với chiến tranh cách mạng; đưa cuộc chiến tranh của nhân dân ở miền Nam phát triển phù hợp với tình hình mới; đánh địch bằng cả quân sự và chính trị, bằng cả ba mũi giáp công; trên cả ba vùng chiến lược.
Kịp thời nâng vị trí đấu tranh vũ trang lên theo yêu cầu của chiến tranh, hướng mũi nhọn vào đấu tranh phá "ấp chiến lược”, làm thất bại các cuộc càn quét của quân chủ lực ngụy, từng bước làm phá sản mục tiêu chủ yếu của địch. Qua thực tế lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng, tư duy lý luận và mưu lược chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta từng bước phát triển, có nhiều thành công: Đảng ta đã dự kiến đúng diễn biến tình hình, tư duy sắc bén, linh hoạt, chuẩn bị tốt, chuyển hướng nhanh, kịp thời, chủ động và sáng tạo.
Nhờ đó đã kìm chế và làm phá sản chiến lược "chiến tranh đặc biệt” của Mỹ-ngụy, buộc Mỹ phải chuyển sang chiến lược "chiến tranh cục bộ”, đưa quân Mỹ và chư hầu trực tiếp xâm lược, tham chiến ở miền Nam, đồng thời dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc hòng ngăn cản sự chi viện từ Bắc vào Nam.
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích toàn diện, sâu sắc tình hình và chiến lược mới của Mỹ, dự kiến sớm và đúng xu thế diễn biến của chiến tranh nên đã đề ra các chủ trương đối phó đúng đắn, chủ động và sáng tạo. Khi chiến lược "chiến tranh đặc biệt” của Mỹ đi đến thất bại, Đảng ta đã dự kiến địch có thể leo thang lên nấc cao hơn và có thể đánh ra miền Bắc. Lúc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, Đảng ta đã đánh giá đúng so sánh lực lượng địch-ta; kiên định quyết tâm đánh Mỹ; đã chủ động kết hợp tốt phản công với tấn công.
Tại các hội nghị của Bộ Chính trị, của Trung ương Đảng năm 1967, đầu năm 1968, Đảng ta vạch rõ: Cần phải tạo ra một chuyển biến lớn về tình hình có lợi cho ta giữa lúc Mỹ đang ở thế ngập ngừng về chiến lược, giới cầm quyền Mỹ đang hoang mang, dao động, phải tạo được một bước ngoặt lớn của chiến tranh, dùng cách đánh mới, hiểm, giáng một đòn bất ngờ thật mạnh vào ý chí xâm lược của Mỹ.
Đảng ta đã lựa chọn hướng tiến công không phải là rừng núi và nông thôn mà là đô thị, trọng điểm là Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, nơi địch đang sơ hở…
Đồng thời dự kiến các khả năng và quyết định Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Điều này thể hiện rõ tư duy quyết đoán, sáng tạo và cách đánh mới rất bất ngờ, đầy hiệu lực của Đảng ta. Nhờ đó đã buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngày 1-11-1968, đế quốc Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và đánh phá (lần thứ nhất) trên toàn bộ miền Bắc, đánh dấu sự phá sản hoàn toàn của chiến lược "chiến tranh cục bộ”.
Trước thất bại nặng nề của Mỹ, Nixon sau khi lên cầm quyền đã thay đổi chiến lược chiến tranh. Một mặt thi hành chiến lược mới-"Việt Nam hóa chiến tranh”; mặt khác xuống thang chiến tranh, rút dần quân Mỹ về nước nhưng kéo dài và mở rộng chiến tranh sang Campuchia và Lào; ráo riết thực hiện "học thuyết Nixon”: Dùng người Việt đánh người Việt, dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương bằng tiền của và vũ khí của Mỹ. Trước tình hình đó, Đảng ta đã dự kiến trước khả năng Mỹ có thể đánh bom, bắn phá trở lại miền Bắc, mở rộng chiến tranh sang Lào, Campuchia để gây sức ép với ta.
Đồng thời thấy rõ những điểm yếu của chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh”, Đảng ta đã tìm ra phương hướng chiến lược "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Với những phán đoán đúng và dự kiến sớm, ta đã chuẩn bị tốt và đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai trên miền Bắc, nổi bật là đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của Mỹ trên bầu trời Thủ đô Hà Nội (tháng 12-1972), buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút hết quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam.
Nhưng với bản chất hiếu chiến, Mỹ và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã ra sức phá hoại Hiệp định Paris, đẩy mạnh các cuộc hành quân càn quét, mở các chiến dịch "tràn ngập lãnh thổ”, lấn chiếm vùng giải phóng của cách mạng miền Nam. Hỗ trợ cho chính quyền và quân đội Sài Gòn, Mỹ ồ ạt viện trợ một khối lượng lớn vật chất, trang bị kỹ thuật nhằm tiếp tục thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh”.
Nhận rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn của địch, Đảng ta đã lãnh đạo quân và dân miền Bắc khôi phục, phát triển kinh tế, tiếp tục chi viện sức người, sức của cho miền Nam; đồng thời dự kiến tình hình có thể diễn ra theo hai khả năng: Hoặc hòa bình được duy trì, hoặc chiến tranh sẽ tiếp tục; ta cần tranh thủ khả năng thứ nhất nhưng cũng phải vừa chuẩn bị sẵn sàng đối phó với khả năng thứ hai.
Tháng 5-1973 và sau đó, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (họp đợt 1 từ ngày 19-6 đến 6-7; đợt hai từ ngày 1-10 đến 4-10-1973) đã phân tích sâu sắc diễn biến tình hình trên chiến trường, trong nước, trong khu vực và trên thế giới có liên quan đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam; chỉ rõ âm mưu, hành động chống phá Hiệp định Paris ngày càng trắng trợn của Mỹ-ngụy.
Từ đó, Đảng ta khẳng định dứt khoát con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng, bất kỳ trong tình hình nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công, chỉ đạo linh hoạt, mềm dẻo để đưa cách mạng miền Nam tiến lên.
Từ giữa năm 1974, nguồn viện trợ kinh tế, quân sự từ Mỹ ngày càng bị cắt giảm, làm cho chính quyền và quân đội ngụy Sài Gòn lâm vào cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng. Nắm bắt thời cơ, Đảng ta đã chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng lực lượng, chuẩn bị chiến trường. Các binh đoàn chiến lược được thành lập, hệ thống đường ống dẫn dầu được mở rộng; một khối lượng lớn vật chất, phương tiện chiến tranh được chuyển nhanh ra tiền tuyến.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tháng 7-1974, Bộ Tổng Tham mưu khởi thảo kế hoạch giải phóng miền Nam. Tháng 10 và tháng 12-1974, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cùng Bộ tư lệnh miền Nam họp bàn về quyết tâm và kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976 và dự kiến: Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.
Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn Tây Nguyên là hướng tiến công chủ yếu trong năm 1975. Sau khi Đảng ta quyết định thành lập 3 quân đoàn: 1, 2, 4; toàn Đảng, toàn dân và toàn quân khẩn trương chuẩn bị, cả về thế và lực, tinh thần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày càng dâng cao.
Trước tình thế cách mạng và thời cơ đã đến, Đảng ta quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên với trận đột phá chiến lược Buôn Ma Thuột (10-3-1975). Với chiến thắng này, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương kịp thời bổ sung quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975. Sau khi Huế được giải phóng (26-3) và Đà Nẵng được giải phóng (29-3), đến ngày 3-4, ta giải phóng hoàn toàn các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh từ ngày 26-4 và đến 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập.
Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn bị bắt, phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Sau ngày đó, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các hải đảo còn lại như: Thổ Chu, Côn Đảo, Phú Quốc đã được giải phóng.
Đại thắng mùa xuân 1975 là thiên anh hùng ca vĩ đại nhất trong lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh để dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta, đánh dấu bước ngoặt quyết định trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước ta bước hẳn vào kỷ nguyên độc lập, tự do và CNXH.
Nhân tố quyết định làm nên Đại thắng mùa xuân 1975 là sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình với mưu lược và tư duy chính trị, quân sự độc đáo, sắc sảo của Đảng ta. Đảng đã biết khơi dậy và khai thác tối ưu mọi tiềm năng thế mạnh của nhân tố con người, kết hợp chặt chẽ các nhân tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa với nhau, tạo thành một tổng hợp lực nhằm cùng một hướng để tăng sức mạnh của quân và dân ta lên gấp bội.
Đó là sức mạnh của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, sức mạnh của đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo, sức mạnh của độc lập dân tộc và CNXH, của việc kết hợp chặt chẽ lợi ích cơ bản của nhân dân ta với những mục tiêu của thời đại. Đó là sự kết hợp cả đường lối cách mạng và phương pháp cách mạng: Sử dụng bạo lực cách mạng tổng hợp, kể cả lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân; tiến hành khởi nghĩa từng phần từ nông thôn đến thành thị và từ khởi nghĩa phát triển thành chiến tranh cách mạng; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và ngoại giao.
Đó là kết hợp giữa tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công, đánh địch trên cả ba vùng chiến lược: Rừng núi, nông thôn, đồng bằng thành thị; đánh địch bằng ba mũi giáp công: Quân sự, chính trị, binh vận; kết hợp ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích.
Đồng thời biết tạo thời cơ và triệt để lợi dụng thời cơ, đã mở những cuộc tiến công chiến lược làm thay đổi cục diện chiến tranh, tiến lên thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, kết thúc trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta sau 21 năm, thực hiện thống nhất Tổ quốc, Nam-Bắc sum họp một nhà, cả nước đi lên CNXH.
(Theo QĐND)