Giải phóng Sơn La - kết quả quan trọng của Chiến dịch Tây Bắc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/10/2022 | 7:35:47 AM

YênBái - Cách đây 70 năm dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc. "Thắng lợi đó đã rèn luyện cho bộ đội ta về kỹ thuật, củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc, củng cố và mở rộng khối đoàn kết toàn dân, tăng cường lực lượng kháng chiến của nhân dân, nâng cao lòng tin tưởng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đối với Đảng và Hồ Chủ tịch...”. Thắng lợi của Chiến dịch đã giải phóng được vùng Tây Bắc rộng lớn; trong đó, có tỉnh Sơn La.

Trong chiến dịch Tây Bắc, địa bàn tỉnh Sơn La giữ vị trí trung tâm và là chiến trường chính, nên luôn được Trung ương Đảng và Khu ủy Tây Bắc chỉ đạo sát sao và tăng cường bổ sung cán bộ cho Đảng bộ tỉnh để lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ trên địa bàn trọng yếu này. Nhận thức rõ tầm quan trọng của chiến trường chính, Tỉnh bộ Việt Minh Sơn La đã khẩn trương và chuẩn bị tích cực về mọi mặt, phục vụ, phối hợp chiến đấu cùng bộ đội chủ lực nhằm đảm bảo những điều kiện cho Chiến dịch Tây Bắc thắng lợi. Đây là một trong những nhân tố quan trọng có tính chất quyết định, góp phần to lớn làm nên thắng lợi của chiến dịch. 

Thứ nhất, củng cố lực lượng vũ trang, sẵn sàng tham gia chiến dịch 

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh về việc xây dựng lực lượng cách mạng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc, ngay từ những ngày đầu kháng chiến, dưới sự chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh và Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh, công tác xây dựng lực lượng kháng chiến đã từng bước phát triển, phát huy tốt vai trò ở địa phương. 

Ngày 25 tháng 11 năm 1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc. Mặt trận Việt Minh Sơn La và chính quyền các cấp đã đề ra những nhiệm vụ cần kíp trước mắt: củng cố chính quyền, tích cực xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang để chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân. Phong trào Việt Minh phát triển mạnh và rộng khắp trong toàn tỉnh, các đoàn thể cứu quốc thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi… được tổ chức ở khắp các xã, bản; nhiều lớp huấn luyện đào tạo cán bộ được tổ chức, hàng trăm thanh niên ưu tú con em các dân tộc được đào tạo để cung cấp cho cách mạng, đáp ứng yêu cầu của địa phương; các đội vũ trang của các địa phương tiếp tục được củng cố và phát triển. 

Ngày 22 tháng 12 năm 1945, Trung đoàn Sơn La được thành lập mang phiên hiệu Trung đoàn 148, với quân số gần 600 người. Trung đoàn đã góp phần tiêu diệt sinh lực địch, bảo vệ nhân dân, cùng với lực lượng của Ty Liêm phóng tiễu trừ bọn phản động, tay sai và dùng áp lực quần chúng ngăn chặn những hành động gây rối, phá hoại trật tự trị an của địch.

Cùng với các đơn vị bộ đội tăng cường, Tỉnh ủy Sơn La tập trung chỉ đạo với quyết tâm bám đất, bám dân, biến hậu  phương của địch thành hậu phương của cách mạng, vì vậy các đội xung phong vũ trang tuyên truyền của tỉnh được thành lập, sát cánh với các đội xung phong vũ trang của Khu ủy X và XIV, làm nhiệm vụ "nhảy cóc” vào vùng hậu địch xây dựng cơ sở chính trị, phát triển lực lượng du kích.

Từ cuối năm 1945 đến năm 1950, các huyện Phù Yên, Mộc Châu, Yên Châu, Mường La, Mai Sơn, Thuận Châu của tỉnh Sơn La đã xây dựng được các cơ sở chính trị vững chắc, các đội du kích, khu du kích nổi tiếng như: Y Lương, Mường Mần, Hát Lót, Mường Sại (Mai Sơn), Mường Bú, Mường Chùm, Mường Bằng (Mường La), Long Hẹ, Mường Bám (Thuận Châu), Mường Do, Mường Bang, Mường Lang, Mường Cơi (Phù Yên), Mường Lựm (Yên Châu), bản Mòn, A Má, Bó Sập, Chiềng Khừa, Tú Nang (Mộc Châu). Đến thời điểm này, cục diện chiến trường ở Sơn La đã thay đổi có lợi cho lực lượng cách mạng kháng chiến. 

Trước yêu cầu thực tiễn phong trào và diễn biến tình hình ở địa phương, ngày 11 tháng 5 năm 1950, Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng đã ra nghị quyết và xác định rõ: "Về quân sự: Bộ đội chủ lực rút về tập trung, tăng cường xây dựng bộ đội địa phương vững mạnh, củng cố và phát triển dân quân du kích, giữ vững và phát triển cơ sở, tăng cường địch vận, từng bước làm tan rã nguỵ binh, thường xuyên chuẩn bị chiến trường cho bộ đội chủ lực tác chiến". 

Thực hiện chủ trương trên, lực lượng bộ đội địa phương được củng cố và phát triển mạnh. Bên cạnh đó, các lực lượng chính trị cũng ngày càng phát triển. Năm 1950, tổng số đảng viên trong toàn tỉnh so với năm 1949 tăng 71%, các cơ sở đảng phát triển nhanh, phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo ở địa phương. Sự phát triển lực lượng vũ trang là cơ sở để Tỉnh ủy chỉ đạo củng cố, sẵn sàng tham gia chiến dịch. 


Tỉnh Sơn La đang trở thành vựa cây ăn quả lớn nhất khu vực miền núi phía Bắc.    

Thứ hai, quân và dân Sơn La phối hợp với bộ đội chủ lực chiến đấu, phục vụ chiến đấu, kết thúc thắng lợi chiến dịch

Để kịp thời chỉ đạo quân và dân Sơn La chuẩn bị tích cực về mọi mặt và thực hiện tốt sự phối hợp hành động giữa địa phương với lực lượng bộ đội chủ lực trong chiến dịch Tây Bắc, Tỉnh ủy Sơn La triệu tập hội nghị mở rộng và ra Nghị quyết "Nhận rõ tình hình, tích cực làm tròn nhiệm vụ”, nhận định: Bộ đội chủ lực lên hoạt động tác chiến trên địa bàn tỉnh, tiêu diệt sinh lực địch, sẽ giúp địa phương trong công tác tranh thủ nhân dân, khôi phục cơ sở, giải phóng đại bộ phận đất đai Sơn La, do đó tỉnh phải gấp rút chuẩn bị lực lượng mọi mặt để tiếp quản vùng giải phóng, ổn định đời sống đồng bào các dân tộc, xây dựng cuộc sống mới. Mọi mặt công tác diễn ra rất khẩn trương, đặc biệt là công tác chuẩn bị lực lượng phối hợp cùng các đơn vị chủ lực để giải phóng tỉnh Sơn La. 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La phân công các đồng chí Tỉnh ủy viên trực tiếp chỉ đạo từng huyện, tiếp tục thành lập Ban Cán sự và huyện đội ở các huyện Yên Châu, Mai Sơn, Thuận Châu, tăng cường cán bộ phụ trách công tác dân quân cho 03 huyện mới thành lập Ban Cán sự. Đồng thời, Tỉnh ủy quyết định thành lập "Ban cung cấp tiền phương của tỉnh”, do một đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng ban, nhằm phục vụ chiến dịch được kịp thời, hiệu quả nhất. 

Về quân sự, các đơn vị bộ đội địa phương được bố trí ở các địa bàn theo kế hoạch, sẵn sàng phối hợp chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Đại đội 428, bộ đội địa phương của tỉnh tiến sâu vào khu Tranh Đấu - Mai Sơn. Tại đây, đơn vị tổ chức tuyên truyền vũ trang, phục hồi cơ sở, làm hậu thuẫn đắc lực cho dân quân du kích các xã, bản, củng cố khu du kích. Bộ đội địa phương huyện Mộc Châu, Yên Châu hoạt động mạnh trên Đường số 41 từ Hát Lót, Yên Châu đến Mộc Lỵ. Đại đội 310 bộ đội địa phương của tỉnh trực tiếp hoạt động bảo vệ khu căn cứ Mộc Hạ, bố trí các điểm phục kích đề phòng địch càn quét, tấn công vào căn cứ trung tâm đầu não của tỉnh. 

Các trung đội bộ đội huyện Phù Yên, Mộc Châu, Mai Sơn tạo mọi điều kiện giúp đỡ và phối hợp với Đại đội Quân báo của Bộ Tổng Tham mưu nắm tình hình, luồn sâu vào khu vực đồn bốt của địch điều tra, trinh sát, vẽ sơ đồ, phục vụ công tác chuẩn bị chiến dịch giải phóng quê hương - một trong những yếu tố quan trọng quyết định thắng lợi trong chiến dịch.

Về chính trị, mặc dù địch ra sức càn quét, khủng bố, bắt nhân dân về tập trung quanh đồn để tạo vành đai nhằm khống chế hoả lực tiến công của ta, dùng nhiều chiêu bài để lôi kéo, lừa mỵ nhân dân, tung nhiều gián điệp vào phá cơ sở… nhưng tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực, bí mật đưa cán bộ, đảng viên trung kiên vào hoạt động, phát triển nhân tố mới của ta trong hàng ngũ binh lính địch. Các đội vũ trang tuyên truyền đẩy mạnh hoạt động trong vùng địch hậu, vận động, hướng dẫn nhân dân đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn của địch, ủng hộ kháng chiến. 

Ở các vùng tự do, cùng với tuyên truyền, giáo dục nâng cao cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn phá hoại của địch, nhân dân được phổ biến chủ trương, đường lối kháng chiến của Đảng, tích cực tăng gia sản xuất để có lương thực, thực phẩm ủng hộ kháng chiến.  Với những định hướng đúng đắn đó, đồng bào các dân tộc Sơn La đã phát huy tốt vai trò của mình, góp phần ủng hộ tích cực về lương thực, thực phẩm, bảo vệ, giữ bí mật, vận chuyển lương thực, tải đạn, dẫn đường, kéo pháo phục vụ, phục vụ chiến dịch.

Trước Chiến dịch Tây Bắc bắt đầu, Đại đội 85 - Đoàn Trinh sát 426 (mật hiệu là Tinh cầu NS) thuộc Bộ Tổng Tham mưu gồm 90 cán bộ, chiến sĩ nhận lệnh hành quân từ Đại Từ - Thái Nguyên (8.1952) tiến sâu vào địa bàn Tây Bắc, điểm hoạt động chính của Đoàn trinh sát 426 là "bám chắc trục đường 41 từ Cò Nòi đến tỉnh lỵ Sơn La”. 

Đầu tháng 9 năm 1952, Đại đội 85 - Đoàn Trinh sát 426 bí mật hành quân vượt qua các đồn địch ở các vùng Quang Huy, Hồng Ngài (lúc đó thuộc Phù Yên), vượt sông Đà, qua đồn Tạ Khoa, bản Chẹn, Pom Bau (Yên Châu) đến điểm tập kết Cò Nòi huyện Mai Sơn an toàn. Đi tới đâu, Đại đội Trinh sát 85 đều được nhân dân địa phương bảo vệ, giữ bí mật, tiếp tế lương thực, thực phẩm. 

Hơn 2 tháng hoạt động trên địa bàn Cò Nòi, Nà Sản - địa bàn trung tâm, nơi sở chỉ huy chiếm đóng Tây Bắc của địch. Trong khi đại bộ phận nhân dân bị địch tập trung về quanh đồn để khống chế, nhưng Đại đội Trinh sát 85 vẫn được nhân dân cung cấp lương thực, thực phẩm, bảo vệ, giữ bí mật tuyệt đối an toàn cho đến ngày kết thúc chiến dịch.

Ngày 14 tháng 10 năm 1952, đợt 1 của chiến dịch Tây Bắc bắt đầu: Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo các lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bộ đội chủ lực tiến hành tiêu diệt địch. Sau 11 ngày chiến đấu kiên cường, đợt 1 của Chiến dịch Tây Bắc thắng lợi. Ta đã đánh tan đại bộ phận địch ở phân khu Nghĩa Lộ, tiểu khu Phù Yên, giải phóng trên một vùng rộng lớn suốt từ hữu ngạn sông Hồng đến tả ngạn sông Đà, từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai.  

Đợt 2 của Chiến dịch Tây Bắc từ ngày 7 đến ngày 22 tháng 11 năm 1952: hướng Lai Châu địch vẫn còn sơ hở, lúc này Bộ Tư lệnh chiến dịch coi đây là hướng phối hợp quan trọng nên đã hình thành mặt trận mang bí danh Y13 đánh sâu vào phía sau đội hình chiến địch. Mặt trận Y13 gồm có các lực lượng của Tiểu đoàn 910, Trung đoàn 148, Trung đoàn 165 và lực lượng vũ trang địa phương được lệnh nổ súng sớm đánh vào Quỳnh Nhai nhằm khai thông tuyến tiến công vào Luân Châu, Thuận Châu, Tuần Giáo; nhiệm vụ tiếp theo của Y13 trong chiến dịch là tiêu diệt địch; đồng thời, nghi binh lừa địch làm cho chúng phán đoán Lai Châu là hướng tiến công chủ yếu của ta.

Cùng thời gian này Tiểu đoàn 910 cùng các tiểu đoàn 512, 526 hình thành 2 mũi tiến công, sau khi vượt sông Đà đã nhanh chóng thọc sâu vào Nậm Dín… bị uy hiếp mạnh từ nhiều phía, cuối cùng địch phải rút về Luân Châu để phòng ngự, một bộ phận rút về Mường Sài. Được sự dẫn đường Tiểu đoàn 564 kịp thời chặn đánh phá tan đội hình địch, không cho chúng tập trung co cụm. 

Thừa thắng ta phát triển tiến công địch, ngày 21 tháng 12 năm 1952 giải phóng Thuận Châu, địch hoang mang lo sợ bỏ chạy, quân ta tiếp tục truy kích tới Sơn La. Ngày 22 tháng 11 năm 1952 trước sức ép của ta, toàn bộ quân địch dồn về Nà Sản, ta tiến vào tiếp quản Mường La (thành phố Sơn La ngày nay), lùng quét và bắt gần 400 tàn quân địch. Các đơn vị tham gia tác chiến trên mặt trận Y13 đã hoàn thành nhiệm vụ Bộ Tư lệnh chiến dịch giao. 

Địch ở các đồn lẻ còn lại và tàn quân của chúng rút chạy, co cụm về Nà Sản cố thủ; trước nguy cơ mất vùng Tây Bắc, thực dân Pháp cấp tốc củng cố vị trí Nà Sản thành một cụm cứ điểm có hệ thống phòng thủ liên hoàn mạnh nhất Tây Bắc. 

Để giải quyết nốt Nà Sản, đêm 30 tháng 11 năm 1952, đợt 3 của chiến dịch Tây Bắc tiếp tục tiến công tập đoàn cứ điểm Nà Sản. Các đơn vị của ta tấn công 2 điểm ngoại vi bản Hời và Pú Hồng. Cuộc chiến đấu của ta và địch vô cùng ác liệt, lực lượng của cả 2 bên đều bị tiêu hao. Nhận thấy quân ta chưa đủ sức tấn công tập đoàn cứ điểm và chuẩn bị cho đầy đủ, đánh chắc thắng; do đó, ngày 10 tháng 12 năm 1952 Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định kết thúc chiến dịch Tây Bắc. Tỉnh Sơn La được giải phóng (trừ Nà Sản).

Thắng lợi của chiến dịch tiến công Tây Bắc có ý nghĩa chiến lược cả về quân sự, chính trị, kinh tế. Riêng về mặt nghệ thuật quân sự, ta đã sử dụng và phát huy vai trò phối hợp tác chiến giữa bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương, góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch. Trong chiến dịch, quân và dân Sơn La đã phối hợp cùng quân, dân Tây Bắc tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch; giải phóng một vùng rộng lớn; góp phần làm đảo lộn thế bố trí chiến lược, khoét sâu thêm mâu thuẫn và chỗ yếu của kẻ địch; phá vỡ "bình phong” che trở cho địch ở Thượng Lào.

Chiến thắng của Chiến dịch Tây Bắc đánh dấu sự trưởng thành về nhiều mặt của các lực lượng vũ trang nói chung và của tỉnh Sơn La nói riêng trong việc chấp hành mệnh lệnh, khả năng phối hợp tác chiến giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương, dân quân du kích. Đây cũng là thắng lợi của tinh thần giác ngộ cách mạng của nhân dân, hết lòng, hết sức vì tiền tuyến. Nhân dân Sơn La dù bị kẻ địch khủng bố, càn quét, dồn về tập trung quanh đồn, thường xuyên bị vơ vét, cướp phá, nhưng nhân dân vẫn tự nguyện gom góp lương thực, thực phẩm, hăng hái đi dân công vừa phục vụ tiền tuyến vừa đánh giặc bảo vệ quê hương. 

Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến. Tất cả để chiến thắng”. Trong Chiến dịch Tây Bắc, nhân dân Sơn La đã đóng góp 1.421.220 ngày công, có đợt tới 4.000 dân công phục vụ liên tục hàng tháng, tỉnh đã vận động nhân dân cung cấp được 693.434 kg gạo, 8.000 kg ngô, 48.321 kg thịt các loại; vận chuyển 135 tấn gạo từ Phú Thọ lên các kho tiền phương. Quân và dân Sơn La đã làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, phối hợp với quân và dân cả nước đưa chiến dịch Tây Bắc tới thắng lợi, góp phần to lớn giải phóng quê hương. 

Thắng lợi to lớn của quân và dân các dân tộc tỉnh Sơn La trong Chiến dịch Tây Bắc đã khẳng định sự trưởng thành nhanh chóng về nhiều mặt, nhất là về vai trò hạt nhân lãnh đạo của mỗi đảng viên, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là nhân tố quyết định giành thắng lợi hàng đầu, góp phần quan trọng trong chiến thắng của chiến dịch Tây Bắc. Từ thực tiễn đấu tranh cách mạng, có thể khẳng định:

Một là, với số lượng đảng viên ít, địa bàn rộng, giao thông đi lại, điều kiện sản xuất khó khăn; âm mưu và thủ đoạn khủng bố, chia rẽ, lôi kéo đồng bào của kẻ địch thâm độc… nhưng dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí đảng viên trong toàn Đảng bộ đã phát huy tốt vai trò trong việc tập hợp, mở rộng mặt trận đoàn kết dân tộc thực hiện mục tiêu cách mạng. Trong chiến dịch Tây Bắc, tỉnh Sơn La đã huy động hiệu quả, đạt mức cao sự đóng góp sức người, sức của phục vụ kháng chiến, giải phóng quê hương.

Hai là, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, quy định trách nhiệm rõ ràng, cụ thể, xây dựng kế hoạch hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng. 

Công tác chuẩn bị để phối hợp phục vụ chiến dịch Tây Bắc có nhiều nội dung liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, các địa phương trong tỉnh. Thực hiện sự chỉ đạo của Khu ủy Tây Bắc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phân tích rõ điều kiện, tình hình thuận lợi, khó khăn nhất là trong việc huy động thu gom lương thực, thực phẩm, góp phần chuẩn bị đảm bảo hậu cần, cũng như trong việc phối hợp chiến đấu, thu dọn chiến trường, tiếp quản vùng giải phóng…

Ba là, xây dựng tinh thần chủ động, thường xuyên giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng đối với quân và dân ta. 

Nắm vững yêu cầu, nhiệm vụ được giao, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên, nhân dân về tình hình, nhiệm vụ, mục đích của Chiến dịch được đặc biệt chú trọng, được tiến hành bằng nhiều biện pháp tích cực, liên tục từ trước, trong quá trình phục vụ chiến dịch, làm cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân nâng cao ý thức tự giác, tự hào trong việc hoàn thành nhiệm của mình.

Thành phố Sơn La nhìn từ trên cao. 

Có thể nói, Chiến thắng Tây Bắc 1952 là một trong những mốc son lịch sử hào hùng của cách mạng Việt Nam. Chiến thắng ấy đã gắn với nhiều địa danh trên quê hương Sơn La anh hùng. Cùng với niềm tự hào to lớn được góp một phần vào thắng lợi chung của chiến dịch Tây Bắc, những bài học quý báu được rút ra qua thực tiễn chiến đấu đã trở thành tài sản quan trọng trong kho tàng lý luận về công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh Sơn La, đến nay, tiếp tục được vận dụng, phát huy trong việc lãnh đạo sự nghiệp đổi mới. 

Chính những bài học này đã được Tỉnh ủy Sơn La vận dụng một cách sáng tạo trong triển khai các nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước, mang lại hiệu quả cao trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc, củng cố được niềm tin vào Đảng, vào chế độ của đồng bào các dân tộc. Hiện nay, chủ trương, định hướng  của tỉnh là xây dựng Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc để thực hiện thành công mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Nguyễn Hữu Đôn
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, 
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La

Các tin khác

Những ngày này cách đây 70 năm, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta đang bước vào giai đoạn quyết liệt nhất. Với niềm tin vững chắc: “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta”, quân và dân Yên Bái đã cùng các đơn vị bộ đội khắc phục mọi khó khăn, vượt qua đèo cao suối sâu, mưa rét và bom đạn của địch để vận chuyển hàng vạn tấn đạn, dược, lương thực, thực phẩm vào mặt trận, bảo đảm các điều kiện cho chiến dịch Tây Bắc giành thắng lợi.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo và tuổi trẻ xã Đại Lịch dâng hương tại Nhà lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Hoàng Văn Thọ.

Những ngày đầu tháng 10, chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc, chúng tôi có dịp về thăm quê hương Đại Lịch anh hùng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân và dân Đại Lịch đã kiên cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh sức người, sức của cùng với quân và dân trong cả nước làm lên những huyền thoại đèo Lũng Lô, Chiến thắng Nghĩa Lộ phố, đặc biệt là Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Yên Bái (thứ 4, bên trái) cùng Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn (thứ 3, bên trái) và lãnh đạo thị xã Nghĩa Lộ trao đổi với các cử tri các dân tộc.

Những ngày Tháng Mười đầy ắp ý nghĩa lịch sử hào hùng của dân tộc, cùng với các địa phương trong tỉnh, thị xã Nghĩa Lộ đã có nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc (1952 - 2022) và 70 năm chiến thắng Nghĩa Lộ (18/10/1952 - 18/10/2022).

Các đồng chí lãnh đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện Văn Chấn trao tặng xe đạp cho các cháu học sinh nghèo vượt khó của huyện.

Tháng 4/2000, nhân dân và lực lượng vũ trang (LLVT) huyện Văn Chấn vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Phát huy truyền thống, một trong những thành công nổi bật của LLVT huyện thời gian qua, đó là triển khai hết sức bài bản, khoa học việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục