Trong buổi giới thiệu tài liệu lưu trữ quốc gia về chiến dịch Điện Biên Phủ và Hội nghị Genève sáng 5.4 tại Hà Nội, bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia 3, đọc một đoạn tư liệu từ hồi ký Điện Biên của bác sĩ Tôn Thất Tùng: "Sáng nay chuẩn bị đi thăm anh em trọng thương. Đêm qua mưa. Nghĩ đến các thương binh ở tiền tuyến trong các giao thông hào mà ứa nước mắt, xôn xao trong người như thấy con mình đau. Chưa bao giờ biết hiểu tình thương anh em bộ đội như hôm nay. Trời lạnh, trời tạnh, nắng, may cho anh em bộ đội đang giao chiến quá. Bộ đội anh dũng của chúng ta tiến quá nhanh. Trong chiến dịch này mấy ngày mổ ngày lo ít hơn mổ đêm. Mổ đêm cứ có máy bay là ánh sáng bị hạn chế…".
Bà Hoa cho biết những khối tư liệu về Điện Biên Phủ như hồi ký nói trên thể hiện từ khi mở màn chiến dịch, diễn biến chuẩn bị từ hai bên cho đến toàn bộ chiến dịch. Trong đó có văn bản chỉ đạo của Chính phủ từ các nghị quyết, chỉ thị, Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Ngoài ra còn có nhiều hồ sơ, những bút tích khác nhau. Theo bà Hoa: "Nếu muốn xem theo kiểu ngày này năm ấy thì có các báo cáo của Quốc hội với hồ sơ chi tiết. Các câu chuyện cũng có nhiều nguồn như Quốc hội, bộ, ban ngành, tư liệu lưu trữ nước ngoài như Pháp, Nga".
Chính vì thế, người quan tâm đến chiến dịch Điện Biên Phủ có thể tiếp cận nhiều tư liệu ảnh, tài liệu giấy rất đa dạng. Ở cấp cao, có thể xem hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các nhà lãnh đạo Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp họp bàn quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ vào tháng 12.1953. Về phía Pháp, cũng có ảnh chụp tướng Navarre, tướng De Castries họp bàn kế hoạch xây dựng trận địa phòng thủ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ năm 1953, ảnh quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ngày 20.11.1953. Cả hai tư liệu ảnh này đều do Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp cung cấp.
Về văn bản cũng đa dạng. Trong đó có bút ký Điện Biên Phủ một danh từ Việt Nam của Thép Mới, 2 tập Memoires của Đại tướng Võ Nguyên Giáp in bằng tiếng Pháp, cuốn Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ của các tác giả Võ Nguyên Giáp, Phạm Ngọc Mậu, Vũ Lăng, Nam Long, Vương Thừa Vũ, Tôn Thất Tùng... Có các báo cáo tình hình giải phóng Điện Biên Phủ của Ty Công an Lai Châu, báo cáo của Ủy ban Hành chính tỉnh Vĩnh Phúc về việc tặng thưởng cho chiến sĩ dân công mặt trận Điện Biên Phủ…
Về lâu dài, bà Hoa cho biết thời gian tới, khi cần thiết trung tâm cũng sẽ tiến hành giải mật tư liệu Điện Biên Phủ mới, được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Bảo vật quốc gia
Bà Trần Việt Hoa đánh giá với những giá trị to lớn của các tài liệu lưu trữ về Điện Biên Phủ, "chắc chắn có thể đề xuất để thành bảo vật quốc gia, ví dụ như những chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoặc những bộ biên bản liên quan đến nội dung cuộc họp cũng như diễn biến của chiến dịch chẳng hạn".
Theo bà Hoa, chiến thắng Điện Biên Phủ là một quá trình chuẩn bị và chỉ đạo của Đảng, có sự thực hiện của nhiều cơ quan. "Trong lưu trữ có cả hồ sơ của Quốc hội, của Chính phủ, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Những tư liệu đó, những bút tích mang tính chỉ đạo đó dù hôm nay chúng ta nhìn thấy chỉ là một trang giấy nhưng nó lưu lại cả lịch sử dân tộc. Tất cả những cái đó đều xứng đáng là bảo vật quốc gia", bà Hoa nói.
Bà Hoa cũng cho biết về việc xây dựng hồ sơ bảo vật quốc gia đối với các tư liệu Điện Biên Phủ. "Trung tâm lưu trữ quốc gia có tiêu chí tài liệu lưu trữ là tài liệu vĩnh viễn và chỉ tài liệu có giá trị quốc gia rất đặc biệt thì mới lưu trữ. Như thế thì mỗi tài liệu khi đưa vào lưu trữ quốc gia đã có giá trị rất đặc biệt rồi và hoàn toàn có thể làm hồ sơ đề cử bảo vật quốc gia", bà nói.
Theo bà Hoa, khi xây dựng hồ sơ bảo vật quốc gia, trung tâm sẽ lưu ý xét theo tiêu chí xây dựng các bộ hồ sơ. "Chúng tôi sẽ đưa ra những bộ hồ sơ tương đối toàn vẹn, đầy đủ. Nhưng cũng mong có sự quan tâm hơn, sự tham gia của các nhà sử học hoặc công chúng", bà cho biết.
(Theo TNO)