Gần 2 thập kỷ trôi qua, đã có rất nhiều đổi thay với tất cả, trong đó, những người làm thể thao Việt Nam đã được chứng kiến bước trưởng thành mạnh mẽ về trình độ chuyên môn của các vận động viên. Tuy nhiên, có một điều thực sự mang lại cảm giác đáng mừng nhất là sự thay đổi về tư duy…
SEA Games 22 - Mục tiêu nhất toàn đoàn
Thể thao Việt Nam trở lại với SEA Games từ năm 1989, sau khoảng 13 năm liên tiếp vắng mặt. Các kỳ Đại hội từ Malaysia (1989), đến Philippines (1991), Singapore (1993), Thái Lan (1995), Indonesia (1997), Brunei (1999) và Malaysia (2001) chứng kiến số huy chương của đoàn thể thao Việt Nam tăng dần, trong đó, số huy chương vàng từ con số 3 nâng lên 33 sau 12 năm. Thứ hạng toàn đoàn cũng được cải thiện dần, để từ nửa cuối bảng xếp hạng đã vươn lên tốp dẫn đầu, trở thành một trong những nền thể thao mạnh nhất khu vực.
Thế nhưng, so với các quốc gia như Indonesia (nhất toàn đoàn ở 3 kỳ liên tiếp - chỉ tính từ thời điểm Việt Nam trở lại, với trên, dưới 100 huy chương vàng, và gần 200 khi là chủ nhà), Thái Lan, Malaysia - đặc biệt khi là chủ nhà với lần lượt 157 và 111 huy chương vàng, thể thao Việt Nam vẫn ở một khoảng cách khá xa. Như SEA Games 19 chẳng hạn, giành được 35 huy chương vàng, đứng thứ 5 nhưng kém đoàn đứng thứ 3 tới 20 huy chương vàng. Hay như SEA Games 21, 33 huy chương vàng đủ để đứng thứ 4 nhưng kém đoàn đứng thứ 3 đến 39 huy chương vàng.
Và vì thế, khi nhận quyền đăng cai SEA Games 22, mục tiêu đặt ra cho thể thao Việt Nam là vị trí nhất toàn đoàn. Với tất cả những gì có thể, cùng lực lượng vận động viên đông đảo nhất so với thời gian trước đó, thể thao Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu với 158 huy chương vàng trong tổng số 346 huy chương các loại. Thái Lan, đoàn xếp thứ hai, chỉ có 90 huy chương vàng.
Chiến thắng ở "trận đánh lớn” đó được giới chuyên môn nhận định rằng, đó là bước ngoặt làm thay đổi diện mạo của thể thao Việt Nam ở đấu trường khu vực. Thực tế đã chứng minh điều đó, mặc dù thể thao Việt Nam không có thêm lần nào nữa đứng đầu về số huy chương vàng.
Trong 8 kỳ Đại hội tiếp theo, thể thao Việt Nam luôn có mặt trong Top 3 bảng tổng sắp huy chương, trong đó có những môn thể thao phát huy được thế mạnh và thống trị khu vực.
SEA Games 31 - Mục tiêu không phải là số 1
2 thập kỷ trôi qua kể từ lần đăng cai SEA Games đầu tiên, thể thao Việt Nam bước vào kỳ Đại hội năm nay với vị thế mới so với chính mình và tâm thế mới so với tất cả các kỳ Đại hội trước.
Nói về vị thế, hoàn toàn có thể lấy sự đổi thay về trình độ chuyên môn của các vận động viên làm thước đo. Nếu như trước kỳ SEA Games 22, thể thao Việt Nam mới có 7 vận động viên đạt chuẩn Olympic (tính ở Thế vận hội gần nhất là năm 2000 ở Sydney) và 1 tấm huy chương bạc đầy bất ngờ của Trần Hiếu Ngân (Taekwondo), thì những năm qua, số vận động viên giành suất dự Olympic đã vượt lên 2 con số - đông nhất là 23 người tại Rio 2016 - sự kiện mà thể thao Việt Nam cũng lần đầu tiên có huy chương vàng Olympic.
Thể thao Việt Nam cũng có 3 kỳ Olympic liên tiếp giành huy chương (từ 2008 đến 2016). Olympic Tokyo 2020 vừa qua tuy không giành huy chương nhưng cũng có đến 18 vận động viên tham dự trong bối cảnh không có nhiều cơ hội thi đấu cọ xát vì dịch COVID-19. Dẫu vậy, trong hoàn cảnh khó khăn, các huấn luyện viên, vận động viên vẫn nỗ lực từng ngày để tập luyện, vẫn tận dụng cơ hội tham dự các giải đấu quốc tế để thể hiện mình, tạo động lực trước SEA Games trên sân nhà.
Không chỉ là các môn thể thao cá nhân, giờ đây, nhiều tập thể của thể thao Việt Nam cũng đã vươn mình, lớn mạnh và khẳng định vị thế, như đội bóng đá nữ giành vé dự World Cup, đội U.23 nam từng là á quân Châu Á, đội futsal nam 2 lần dự World Cup…
Nhưng, như đã nói trên, sự thay đổi trong tâm thế mới là yếu tố tạo nên sự thúc đẩy cho thể thao Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Theo đó, những câu chuyện quá khứ về vấn đề "các nước chủ nhà đưa vào Đại hội nhiều môn thế mạnh để ‘vơ vét’ huy chương” sẽ được… cất vào ngăn tủ. Đây sẽ là kỳ Đại hội có sự cạnh tranh công bằng nhất, theo chỉ thị của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc "mẫu mực, không giành chiến thắng bằng mọi giá, mang tinh thần chơi đẹp”.
Sẽ là kỳ Đại hội tập trung vào các môn Olympic để cùng nhau phấn đấu vươn cao hơn về thành tích chuyên môn, thay vì tranh giành vị trí về số lượng huy chương - vấn đề đã khiến thể thao Đông Nam Á tụt lại rất xa so với Châu Á và thế giới. Cũng phải nói rằng, quan điểm này được đưa ra sau khi thể thao Việt Nam trải qua kỳ Olympic tại Tokyo vừa qua với những kết quả đáng buồn. Nhưng, như người ta vẫn nói, phải có những biến cố lớn, những bước ngoặt quan trọng để thay đổi.
Ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT - từng khẳng định: "SEA Games 31 sẽ tổ chức 40 môn, và đủ hết các nội dung thi đấu, đặc biệt không bỏ các nội dung liên quan đến các môn thể thao Olympic. Đây là lần đầu tiên ở Đông Nam Á tổ chức theo hình thức này. Chúng ta không lựa chọn những môn thế mạnh của mình, mà gạt thế mạnh nước khác ra. Điều này sẽ góp phần định hướng lại xem khả năng của Việt Nam hướng đến ASIAD và Olympic như thế nào”.
Cũng theo ông Phấn, qua việc thi đấu tại SEA Games 31, ngành thể thao mong muốn có đánh giá bước đầu về thực lực, năng lực của các vận động viên, đặc biệt với nhóm các môn ở ASIAD và Olympic để tiến hành sàng lọc và có chiến lược đầu tư phù hợp nhằm phát triển thành tích trong tương lai.
Đó là lý do mà với 40 môn thể thao, với 562 nội dung - chủ yếu là các môn Olympic, ngay cả khi đăng ký số lượng vận động viên đông đảo nhất (gần 1.000), nhưng mục tiêu của thể thao Việt Nam cũng chỉ là 140 huy chương vàng. Thấp hơn về con số so với 19 năm trước, nhưng rõ ràng là cao hơn hẳn về vị thế và tâm thế, hướng đến tinh thần chủ đạo của kỳ SEA Games năm nay - "Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”.
(Theo LĐ)