WHO đưa ra tuyên bố trên sau khi một số nước châu Âu dừng tiêm vaccine của hãng này do lo ngại việc gây đông máu.
Trong một tuyên bố, WHO cho biết hiện ủy ban cố vấn về vaccine của tổ chức này đang nghiên cứu dữ liệu an toàn, đồng thời nêu rõ không có mối liên quan nào giữa vaccine và vấn đề đông máu.
Phát biểu với báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ), người phát ngôn WHO, bà Margaret Harris, khẳng định: "AstraZeneca là một loại vaccine hữu hiệu, cũng như các loại vaccine khác đang được sử dụng".
Theo bà, WHO đang xem xét dữ liệu về các trường hợp tử vong. Cho đến nay, chưa có trường hợp tử vong nào dược chứng minh là do vaccine gây ra.
Do đó, các nước nên tiếp tục sử dụng vaccine của AstraZeneca để chủng ngừa COVID-19.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết nước này có thể sẽ phải đợi đến nửa cuối tháng 4 mới có thể nhận được vaccine ngừa COVID-19 của Johnson&Johnson vừa được Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn.
Trước đó, ngày 11/3, vaccine ngừa COVID-19 đơn liều của Johnson&Johnson đã trở thành loại vaccine thứ 4 được EU cấp phép lưu hành.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Spahn cho rằng Đức sẽ phải đợi ít nhất 1 tháng nữa mới có thể nhận những liều vaccine đầu tiên của công ty Mỹ này. Hiện EU đang đàm phán với Johnson&Johnson về vấn đề này.
Trong khi đó, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho rằng một số quốc gia châu Âu có thể đã ký "các hợp đồng bí mật" với những công ty sản xuất vaccine để nhận được nhiều liều hơn so với thực tế được hưởng dựa trên các quy tắc của EU.
Theo Thủ tướng Kurz, các nước thành viên EU đã nhất trí việc vaccine nên được phân phối giữa các quốc gia dựa trên quy mô dân số.
Tuy nhiên, sau khi so sánh tổng lượng vaccine có được giữa các quốc gia thành viên, ông thấy rằng có "việc giao hàng không theo hệ thống hạn ngạch đầu người”.
Nhà lãnh đạo Áo nêu rõ có những bằng chứng cho thấy đã có thỏa thuận bổ sung giữa các nước thành viên và các công ty dược phẩm.
Đơn cử, đến cuối tháng 7 tới, Malta sẽ nhận được lượng vaccine bình quân trên đầu người cao gấp 3 lần so với Bulgaria.
Tính đến cuối tháng 6, Hà Lan sẽ không chỉ nhận được lượng vaccine bình quân trên đầu người cao hơn Đức, mà còn cao gần gấp đôi so với Croatia. Điều này rõ ràng mâu thuẫn với các mục tiêu chính trị của EU.
Tuy nhiên, ông Stefan de Keersmaecker, người phát ngôn EU, đã hạ thấp các tuyên bố trên, cho rằng các quốc gia thành viên có thể yêu cầu ít hơn hoặc nhiều hơn một loại vaccine đã được phép lưu hành và thảo luận về điều này giữa các nước thành viên là hợp pháp.
Sau kết quả thảo luận giữa các nước thành viên, điều khoản phân phối mới sẽ được nhất trí với các công ty sản xuất vaccine./.
(Theo Bnews)