Tổng số ca COVID-19 trong 7 ngày qua gần 4.500, là tuần có số mắc mới thấp nhất trong hơn 2 tháng qua
Thống kê của Bộ Y tế cho biết ngày 22/10, ca mắc mới COVID-19 giảm còn 475, bệnh nhân nặng phải thở oxy giảm mạnh, còn 39 ca; tiếp tục không có bệnh nhân tử vong trong ngày hôm nay.
Tổng số ca mắc COVID-19 trong 7 ngày qua trên cả nước là gần 4.500 ca, trung bình mỗi ngày 642 ca. Đây là tuần có tổng số ca mắc COVID-19 thấp nhất trong hơn 2 tháng qua ( trước đó, có những tuần trung bình khoảng 15.000 - 18.000 ca mắc COVID-19, có những ngày gần 4.000 ca mắc mới). Trong tuần qua chỉ có 1 ngày (ngày 19/10) số ca mắc vượt mốc 1.000 ca, còn lại đều ở mức trên dưới 500 ca, ngày 16/10 giảm xuống thấp nhất trong gần 6 tháng qua, còn 375 ca.
Kể từ đầu dịch COVID-19 đến nay Việt Nam có 11.496.829 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.184 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi là: 10.600.857 ca; trong số hơn 850.000 trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy là 39 ca, gồm: Thở oxy qua mặt nạ: 29 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 4 ca; Thở máy xâm lấn: 6 ca. Cũng trong 7 ngày qua, số bệnh nhân COVID-19 nặng ở nước ta giảm so với tuần trước đó.
Trong tuần qua ghi nhận 4 trường hợp bệnh nhân COVID-19 tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.159 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 138/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị chuyên môn, các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch;
Tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả;
Chuẩn bị sẵn sàng và tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị; bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; Kip thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.
Cảnh báo biến thể phụ BQ.1 có khả năng lẩn tránh một số biện pháp bảo vệ miễn dịch
Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 632,1 triệu ca, trên 6,58 triệu ca tử vong.
Tại Châu Âu, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 21/10 đã thông báo có ít nhất 05 quốc gia đã phát hiện sự lưu hành của biến thể SARS-CoV-2 phụ dòng BQ.1 trong tuần 40, gồm: Pháp (19%), Bỉ (9%), Ireland (7%), Hà Lan (6%) và Ý (5%). ECDC dự đoán rằng biến thể BQ1 và dòng phụ BQ1.1 của nó có thể sẽ trở thành chủ đạo vào giữa tháng 11 đến đầu tháng 12 năm 2022.
Nghiên cứu sơ bộ ban đầu cho thấy chưa có bằng chứng nào cho thấy BQ.1 có liên quan đến việc tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh so với các biến thể đang lưu hành của Omicron là BA.4 và BA.5, tuy nhiên có cảnh báo BQ.1 có khả năng lẩn tránh một số biện pháp bảo vệ miễn dịch.
Ngoài ra, ECDC khuyến nghị các quốc gia cần tiếp tục theo dõi tỷ lệ trường hợp mắc COVID-19, đặc biệt là ở những người từ 65 tuổi trở lên; theo dõi các chỉ số về mức độ nghiêm trọng như số lần nhập viện, số lần nhập viện và tình trạng nặng, tử vong và tiếp tục cần tiêm vắc xin các liều tăng cường bổ sung cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng nhất, chẳng hạn như người lớn trên 60 tuổi, những người bị suy giảm miễn dịch, những người có bệnh lý cơ bản và phụ nữ mang thai.
(Theo SKĐS)