Cảnh giác với chủng vi rút nguy hiểm của bệnh tay chân miệng

  • Cập nhật: Thứ hai, 17/7/2023 | 10:16:52 AM

Số ca mắc tay chân miệng đang gia tăng. Điều đáng nói, 40% mẫu xét nghiệm ca bệnh dương tính với chủng vi rút nguy hiểm Entero virus 71 (EV71) thường khiến bệnh trở nặng, gây ra các biến chứng và có thể tử vong.

Khám cho bệnh nhi mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.
Khám cho bệnh nhi mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận khoảng gần 15 nghìn trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó đã có ít nhất 7 trường hợp tử vong. 

Tại Bệnh viện Nhi trung ương, từ đầu năm 2023 đến nay, tiếp nhận hơn 1.200 trẻ mắc tay chân miệng đến khám, trong đó có gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị. Trong số các ca bệnh phải nhập viện có 20-30% nhiễm chủng vi rút EV71.

Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm cho biết, hai nhóm tác nhân gây bệnh tay chân miệng thường gặp là Coxsackie virus A16 (CA16) và Entero virus 71 (EV71). Trong khi các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà thì EV71 lại gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) bác sĩ Trần Thị Kim Anh cho biết, bệnh tay chân miệng do vi rút EV71 gây nên, dễ lây và hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ mầm non, mẫu giáo. Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường có biểu hiện sốt, nôn, biếng ăn. Ngoài ra, sau khi sốt, các nốt còn mọc ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, bắp chân… Thời gian ủ bệnh tay chân miệng trong khoảng 3-7 ngày, không triệu chứng.

Dấu hiệu đặc trưng nhận biết bệnh tay chân miệng ở giai đoạn khởi phát là sốt nhẹ 37,5-38 độ C, đi ngoài phân lỏng hoặc nát 1-3 lần/ngày, trẻ quấy khóc, biếng ăn, kém linh hoạt, đau họng. Giai đoạn toàn phát, trẻ có biểu hiện loét miệng, niêm mạc má, lợi, lưỡi xuất hiện chấm đỏ hình thành các phỏng nước, phát ban dạng phỏng nước trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, sốt nhẹ, nôn.

Bệnh tay chân miệng có một thể lâm sàng gọi là tối cấp diễn tiến rất nhanh với các biến chứng nặng như suy tuần hoàn, suy hô hấp, hôn mê dẫn đến tử vong trong vòng 24-48 giờ. Bệnh được phân thành 4 cấp độ bệnh từ nhẹ đến nặng lần lượt là I, II, III và IV. Trẻ mắc bệnh tay chân miệng độ nhẹ nhất (độ I) với dấu hiệu chỉ loét miệng và tổn thương da có thể điều trị tại nhà, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và hạ sốt cao bằng Paracetamol liều 10mg/kg/lần (uống) mỗi 6 giờ, cho trẻ nghỉ ngơi yên tĩnh, tránh kích thích.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Thị Kim Anh, khai thác tiền sử một số trường hợp, 3 ngày đầu khi mắc bệnh, trẻ bị sốt nhẹ khoảng 37,8 độ C, bố mẹ đã cho các bé dùng kháng sinh, hạ sốt, chống nôn. Việc sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh tay chân miệng do vi rút gây ra là không đúng vì kháng sinh chỉ có tác dụng điều trị bệnh do vi khuẩn gây ra. Trường hợp các bé mắc tay chân miệng mà kết quả xét nghiệm có viêm nhiễm do vi khuẩn thì bác sĩ mới cân nhắc kê kháng sinh điều trị.

Không tự ý mua thuốc điều trị

Bác sĩ Trần Thị Kim Anh cũng lưu ý, thay vì tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, ngay khi các bé có dấu hiệu bệnh tay chân miệng, cha mẹ nên đưa bé đến khám tại cơ sở y tế để xác định mức độ diễn biến của bệnh, nghe tư vấn và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp từ bác sĩ chuyên khoa.

Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng mà chỉ điều trị triệu chứng và đề phòng các biến chứng nặng của bệnh. Các dấu hiệu bệnh được đánh giá là nặng và cần nhập viện khi có các biểu hiện như: Sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt; mệt mỏi, không chơi, bỏ ăn, ngủ nhiều, lơ mơ; giật mình nhiều hơn 2 lần trong 30 phút; vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc ở tay, chân; thở nhanh, thở bất thường (như ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè…); run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.

Theo các chuyên gia y tế, trẻ bị tay chân miệng mức độ nhẹ sau khi khám được chỉ định theo dõi và điều trị tại nhà cần tuân thủ cách ly điều trị để phòng ngừa lây nhiễm. Nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mềm, chia làm nhiều bữa nhỏ, uống nhiều nước, bổ sung thêm nước trái cây. Cho trẻ uống sữa mát để đỡ đau miệng (không nên uống nước đá lạnh ngắt). Không nên cho trẻ ăn các thức ăn cay, nóng bởi dễ gây bỏng rát. Hạn chế những thức ăn dễ gây rối loạn tiêu hóa, đồ tanh, chua, mỡ khó tiêu...

TT - HNMO

Các tin khác
Tiêm vắc xin sởi - Rubella là cách tốt nhất để phòng bệnh cho trẻ.

Cần có sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả cộng đồng để hạn chế tối đa sự lây lan của vi-rút bệnh sởi.

Lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều loại thuốc giả trên thị trường

Cục Quản lý Dược chưa cấp bất kỳ giấy đăng ký lưu hành thuốc nào cho Công ty TNHH Rotex Việt Nam và chưa cấp giấy đăng ký lưu hành cho các sản phẩm thuốc viên nén, viên nang do Công ty Rotexmedica GmbH sản xuất.

Điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba, Hà Nội.

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định Số 2760/QĐ-BYT về việc Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue. Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước.

Viêm phổi do vi khuẩn.

Các biến chứng nặng của nhiễm Mycoplasma bao gồm: Viêm phổi nặng, khởi phát đợt cấp của hen phế quản, viêm não, thiếu máu tan máu, suy thận, hội chứng Stevens-Johnson…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục