Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City vừa trải qua một ca phẫu thuật đầy thách thức.
Bệnh nhân là nam thanh niên 19 tuổi (Hà Nội) có triệu chứng tê bì vùng xương chậu gây khó khăn trong vận động, dáng đi bất thường gần một năm qua. Bệnh nhân đã đi khám tại rất nhiều nơi nhưng đều được chẩn đoán là chấn thương nhẹ phần mềm do chơi thể thao. Chỉ khi bệnh nhân tới Vinmec, các bác sĩ mới phát hiện một khối u khổng lồ ở vùng tiểu khung sàn chậu.
"Ngoài kích thước siêu lớn, trên 20 cm và ở vị trí cực kỳ hiếm gặp, khối u còn lồi ra, giống như một bào thai trong ổ bụng nhưng thò một chân ra ngoài. Tra cứu y văn thế giới thì chưa từng có ca nào tương tự được ghi nhận.
Lúc đó, khối u như tảng đá khổng lồ dính vào khung chậu đã bắt đầu gây biến chứng, chèn ép lên các cơ quan nội tạng. Nếu không sớm loại bỏ khối u, người bệnh có thể bị teo cơ chân trái, đe dọa trực tiếp tới tính mạng”, Giáo sư Dũng cho hay.
Khó khăn ban đầu cho các bác sĩ khi đây là ung thư xương nhưng bản chất là ung thư sụn. U xương có tính cản quang còn u sụn thì không. Vì thế, nó gần như "tàng hình” trên phim X-quang.
Giáo sư Dũng cho hay, giải phẫu bệnh bước đầu xếp ca này vào nhóm ác tính thấp. Đó là lý do tại sao bệnh tiến triển trong thời gian dài, khoảng 3-4 năm, nhưng không có di căn. Khám lâm sàng cũng không sờ thấy vì u nằm sâu trong ổ bụng. Ngoài ra, ung thư xương khá hiếm gặp, tại Việt Nam mỗi năm chỉ ghi nhận hơn 200 ca mắc mới, nên việc các bác sĩ bỏ sót là dễ hiểu.
Nhưng bằng kinh nghiệm chuyên về ung thư xương, các bác sĩ đã đi đến tận cùng tìm nguyên nhân chính thức của bệnh.
Giáo sư Dũng tâm sự: "Với ung thư sụn thì điều trị phẫu thuật là "cửa sống” duy nhất bởi hóa chất không đáp ứng, xạ trị chỉ có tác dụng hỗ trợ sau mổ. Tuy nhiên, ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định đây là một ca vô cùng khó, tỷ lệ rủi ro rất cao".
Khối u khổng lồ được nuôi dưỡng bởi hệ thống mạch máu lớn và phức tạp. Chung quanh khối u là các bộ phận quan trọng như hệ tiêu hoá, tiết niệu, cột sống, khung chậu, mạch máu…
Nếu không xác định rõ mối tương quan giữa khối u và các thành phần này thì trong quá trình phẫu thuật khối u có thể chảy máu dữ dội, không thể kiểm soát được. Một số báo cáo cho thấy, bệnh nhân có thể mất tới hơn 10 lít máu trong quá trình mổ. Khi đó, người bệnh có thể tử vong vì mất máu, vì biến chứng trước cả khi tử vong vì ung thư. Chưa kể, do bệnh nhân còn rất trẻ, phẫu thuật cần phải tính toán bảo toàn chức năng sinh sản cho người bệnh.
Để loại bỏ khối u, lực lượng hùng hậu các chuyên khoa tại Vinmec quyết định chia cuộc phẫu thuật làm 3 giai đoạn.
Đầu tiên, trước phẫu thuật 1 ngày, các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh tiến hành nút các mạch máu lớn cung cấp cho khối u nhằm hạn chế tối đa lượng máu mất trong lúc mổ.
Tiếp đó, các bác sĩ tim mạch, tiêu hoá và tiết niệu bóc tách, "giải phóng” các cơ quan như niệu quản, bàng quang, trực tràng… khỏi khối u.
Khi tất cả các lực lượng vào trước đã hoàn thành nhiệm vụ thì các chuyên gia chấn thương chỉnh hình mới mở đường mổ thứ 2 từ phía sau đùi để loại bỏ khối u.
Bệnh nhân và mẹ đi dạo buổi sáng sau 1 tuần phẫu thuật.
Trong suốt cuộc mổ, đội ngũ bác sĩ gây mê giảm đau phải liên tục theo sát, căn chỉnh để giữ trạng thái ổn định cho bệnh nhân và hạn chế tối đa biến chứng sau mổ.
Ca phẫu thuật cam go kéo dài đến 8 tiếng nhưng đã diễn ra theo đúng kế hoạch và thành công mỹ mãn. Chỉ sau 1 tuần, nhờ được áp dụng thêm kỹ thuật không đau sau mổ, bệnh nhân đã đi lại bình thường, phục hồi nhanh và chính thức ra viện vào ngày 20/9 vừa qua.
Ứng dụng công nghệ in 3D trong phẫu thuật
Để thực hiện thành công ca phẫu thuật, công nghệ in 3D có thể xem là vũ khí quyết định. Do khối u có kích thước khổng lồ và ở vị trí phức tạp, hình dung thông qua các hình ảnh chụp cắt lớp hay siêu âm là khá mơ hồ. Còn khi khối u được in 3D theo đúng nguyên mẫu với tỷ lệ 1:1, các phẫu thuật viên đã có được cái nhìn trực quan toàn bộ khối u, từ đó lên được kế hoạch phẫu thuật đúng vị trí và an toàn.
Trước đây, khi chưa có công nghệ đột phá này, bác sĩ chỉ dựa vào phim chụp và kinh nghiệm nên có không ít ca mổ ra mới biết khối u của bệnh nhân thế nào. Sự bị động đó dẫn tới nhiều tình huống mổ ra rồi phải khâu lại vì không thể can thiệp gì.
Theo Giáo sư Dũng, trên thế giới, hiện chỉ có một vài trung tâm lớn áp dụng công nghệ in 3D tạo mô hình bệnh như thật để bác sĩ nghiên cứu trước ca mổ phức tạp. Ở Việt Nam, Vinmec là cơ sở đầu tiên và duy nhất ở thời điểm này. Hiện nay, các ca phẫu thuật về xương, khớp hay ung thư tại Vinmec 100% đều thực hiện quy trình một lần mổ ảo trên phần mềm và một lần mổ thực nghiệm trên mô hình, sau khi thấy chắc chắn, các bác sĩ mới mổ chính thức trên người bệnh.
(Theo NDO)