Thông tin trên được TS.BS Lê Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh chia sẻ trong chương trình tư vấn trực tuyến "Rối loạn giấc ngủ do bệnh lý thần kinh - Kỹ thuật mới đo đa ký giấc ngủ". Chương trình do Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh và Báo điện tử VTV tổ chức vào ngày 28/9 vừa qua, thu hút hơn 35.000 lượt xem trực tiếp, xem lại cùng hàng trăm câu hỏi gửi về.
Tham gia chương trình, ThS.BS Hoàng Châu Bảo Đính - Bác sĩ Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh cho biết, rối loạn giấc ngủ, mất ngủ là vấn đề xảy ra phổ biến trong xã hội hiện đại. Người bệnh có thể gặp tình trạng khó đi vào giấc ngủ, ngủ chập chờn không sâu giấc, thường thức giấc giữa đêm hoặc dậy quá sớm. Người bị mất ngủ có thể cảm thấy mệt mỏi, uể oải, giảm tập trung, suy giảm trí nhớ… vào ban ngày.
Với câu hỏi: "Ai dễ bị rối loạn giấc ngủ và đâu là những nguyên nhân liên quan bệnh lý thần kinh?" của khán giả Yến Vy, ThS.BS Bảo Đính giải đáp, hiện có một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ gặp chứng mất ngủ bao gồm: nữ giới dễ bị mất ngủ hơn nam giới, người có bố/mẹ hoặc anh/chị/em bị mất ngủ, trải qua sang chấn từ thời thơ ấu, stress… Các bệnh lý thần kinh tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ bao gồm viêm đa dây thần kinh, bệnh thần kinh cơ, co giật, động kinh, gặp ác mộng, rối loạn tiền đình, thậm chí đột quỵ, u não…
Với bệnh lý hô hấp gây mất ngủ, khó ngủ, khán giả Hạ Vy đặt câu hỏi: "Những bệnh hô hấp nào có thể gây rối loạn giấc ngủ?". ThS.BS Đặng Thành Đô - Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết các bệnh hội chứng ngưng thở khi ngủ, hen phế quản, tăng áp phổi mạn tính, viêm mũi dị ứng… có thể khiến người bệnh ngủ không ngon, bị rối loạn giấc ngủ.
TS.BS Lê Văn Tuấn cho biết, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh hiện đang triển khai phương pháp đo đa ký giấc ngủ. Đây là phương pháp thăm dò chức năng, sử dụng nhiều phương tiện khác nhau để đánh giá chức năng sinh lý của giấc ngủ, ví dụ như kênh điện não (đo lường thay đổi sóng điện não trong giấc ngủ), kênh điện cực mắt (theo dõi cử động mắt trong lúc ngủ), kênh điện cơ (theo dõi cử động cơ), kênh thông số hô hấp (nhịp thở, lượng oxy máu, nhịp tim, huyết áp)...
ThS.BS Hoàng Châu Bảo Đính cho biết thêm, đo đa ký giấc ngủ được chỉ định khá rộng rãi trong các bệnh lý liên quan đến giấc ngủ, ví dụ như các rối loạn hô hấp, chứng ngưng thở khi ngủ, ngưng thở tắc nghẽn, ngưng thở trung ương, hội chứng giảm thông khí liên quan đến béo phì… Liên quan đến các bệnh lý thần kinh, đo đa ký giấc ngủ giúp bác sĩ chẩn đoán những vấn đề như rối loạn vận động ảnh hưởng đến giấc ngủ (hội chứng chân không yên, biểu hiện bất thường không rõ bản chất…).
Điểm đặc biệt khi đo đa ký giấc ngủ ở Bệnh viện Tâm Anh là dùng kênh điện cực 8 loại tiêu chuẩn (có thể mở rộng lên 16 điện cực), có thể thay đổi vị trí các điện cực để tương thích với những phác đồ chẩn đoán bệnh khác nhau; có hệ thống video/âm thanh ghi lại giấc ngủ. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có ưu thế là bệnh viện đa khoa, do đó nếu chứng mất ngủ liên quan đến nhiều chuyên khoa khác thì người bệnh cũng có thể được thăm khám và chữa trị.
Đo đa ký giấc ngủ là phương pháp an toàn, không xâm lấn, người bệnh chỉ cần ngủ ở bệnh viện khoảng một đêm, mặc quần áo thoải mái, ăn uống bình thường. Bác sĩ sẽ lắp điện cực ở đầu, mắt, chân, một số cảm biến về nhịp tim, oxy máu, sau đó người bệnh được theo dõi cả đêm. Sáng hôm sau khi người bệnh tỉnh dậy, bác sĩ tiến hành tháo máy, đọc kết quả, đánh giá xem có rối loạn gì về giấc ngủ hay không.
Liên quan một số bệnh nguy hiểm, khán giả Lý Thành thắc mắc: "Rối loạn tiền đình và mất ngủ có liên quan đến nhau không? Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có điều trị rối loạn tiền tình và mất ngủ được không?", TS.BS Lê Văn Tuấn cho biết, hai vấn đề này có liên quan đến nhau. Ví dụ, người bệnh rối loạn tiền đình xoay sang một bên khi nằm ngủ có thể bị chóng mặt, làm gián đoạn giấc ngủ. Ngược lại, sau một đêm mất ngủ, bạn có thể đi đứng loạng choạng, chậm chạp hơn.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh được trang bị các phương tiện chẩn đoán hệ thống tiền đình rất hiện đại, khảo sát chức năng của hệ thống tiền đình. Qua đó, bác sĩ có thể chẩn đoán, đưa ra phác đồ điều trị tối ưu, giúp người bệnh cải thiện chứng rối loạn tiền đình, mất ngủ.
Khán giả Trần Phương Dung gửi về câu hỏi: "Đột quỵ có ảnh hưởng đến giấc ngủ không? Người từng bị đột quỵ não gặp chứng rối loạn giấc ngủ được điều trị như thế nào?", ThS.BS Hoàng Châu Bảo Đính giải đáp, đột quỵ gây ra sự phá hủy não, có thể làm gián đoạn hệ thống giấc ngủ. Bên cạnh đó, người bị yếu liệt tay, chân do đột quỵ cũng gặp khó khăn khi ngủ. Vì sự di chuyển khi ngủ có thể gây đau nhức, ảnh hưởng đến hệ thống cảm giác hoặc đường vận động khác dẫn đến chứng rối loạn hành vi trong giấc ngủ REM (chuyển động mắt nhanh)…
Người từng bị đột quỵ được điều trị rối loạn giấc ngủ như bình thường nhưng bác sĩ sẽ cân nhắc khi kê đơn thuốc. Vì người bệnh đột quỵ có khuynh hướng cần dùng nhiều thuốc. Các loại thuốc đó có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Mặt khác, thuốc chữa mất ngủ cũng có thể tương tác với thuốc điều trị đột quỵ.
TS.BS Lê Văn Tuấn giải đáp thắc mắc: "Bị u não có gây mất ngủ không?" cho khán giả Phong Huỳnh, u não có thể làm rối loạn giấc ngủ. Nhưng mất ngủ chưa chắc là triệu chứng của u não. Người bệnh có triệu chứng nghi ngờ như đau đầu ngày càng gia tăng, nhìn đôi, nôn, co giật… cần được bác sĩ thăm khám sớm thông qua phương pháp chụp cắt lớp điện toán, chụp cộng hưởng từ…
(Theo VTV)