Nói về tác động của thời tiết và khí hậu cực đoan, phải nhắc lại sự kiện lũ quét xảy ra ở huyện Mù Cang Chải ngày 5/8/2023. Nhà làm việc, kho thuốc, trang thiết bị… của Trạm Y tế xã Hồ Bốn đã bị lũ quét làm đổ sập, cuốn trôi, ngập nước… với thiệt hại hàng tỷ đồng. Sau lũ, với quan điểm đặc biệt ưu tiên chăm sóc sức khỏe nhân dân, không để nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm, tỉnh Yên Bái cùng các ngành chức năng liên quan, nhất là ngành y tế đã khẩn trương hỗ trợ để Trạm Y tế xã nhanh chóng hoạt động và chỉ đạo tăng cường phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý nguồn nước…
Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hồ Bốn Mùa A Sùng cho biết: "Có sự quan tâm kịp thời của tỉnh, của ngành, của địa phương, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của đơn vị đã nỗ lực để chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe nhân dân; trong đó, chú trọng một số dịch bệnh có thể xảy ra sau lũ”.
Lũ quét ở xã Hồ Bốn cho thấy, thiên tai khó tránh nhưng mục tiêu là phải giảm đến mức ít nhất những ảnh hưởng đối với sức khỏe người dân. Điều đó cũng cho thấy là cần thời gian, công sức và chi phí không nhỏ để khắc phục hậu quả của thiên tai gây ra cho hạ tầng y tế, cho môi trường và đảm bảo sức khỏe cho nhân dân sau lũ.
Đối với ngành y tế, cơ sở hạ tầng có vai trò quan trọng để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Những năm qua, ngành đã triển khai nhiều dự án đầu tư, phát triển hạ tầng y tế và sức khỏe cộng đồng như xây dựng, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho các đơn vị.
Bên cạnh đó, ngành tập trung phát triển mạng lưới y tế, đáp ứng yêu cầu về phòng chống dịch, bệnh và các bệnh mới nổi phát sinh do tác động của BĐKH. Sở Y tế đã tham mưu để tuyển dụng đội ngũ viên chức vào làm việc tại các cơ sở y tế và cử nhiều cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Một nhiệm vụ quan trọng khác của ngành y tế là tăng cường hệ thống giám sát và cảnh báo sớm các tác động của BĐKH đến sức khỏe con người. Hàng năm, Sở Y tế tổ chức các đoàn giám sát về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, các bệnh mới nổi, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, quản lý chất thải tại các đơn vị và cộng đồng.
Đến nay, 100% đơn vị y tế công lập đã triển khai và duy trì áp dụng hệ thống giám sát, các phần mềm quản lý dịch, bệnh tật. Đồng thời, 100% đơn vị y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện đã triển khai, áp dụng phầm mềm báo cáo, quản lý cơ sở dữ liệu về môi trường y tế. Nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng và thích ứng với BĐKH, Sở đã triển khai, xây dựng, nhân rộng các mô hình vệ sinh môi trường và nước sạch thích ứng với BĐKH cho cộng đồng, cơ sở y tế ở 2 huyện Văn Chấn, Yên Bình. Hay các mô hình về dinh dưỡng, thực phẩm, bệnh lây nhiễm, bệnh không lây nhiễm, ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ tái tạo, sử dụng năng lượng sạch thích ứng với BĐKH cho cộng đồng, các cơ sở y tế ở huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Yên Bình, Lục Yên.
Đặc biệt, 100% đơn vị y tế đã xây dựng mô hình cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp. Từ năm 2023, Sở Y tế tỉnh đã triển khai các hoạt động cải thiện dinh dưỡng ở 8 huyện, thị xã. Tới đây, Sở sẽ triển khai áp dụng mô hình về quản lý, giám sát các dịch bệnh liên quan đến sự thay đổi của thời tiết và khí hậu. Chủ động trang bị kiến thức cho nhân dân, Bản tin "Sức khỏe Yên Bái” mang đến những thông tin mới nhất về tình hình dịch, bệnh cùng những cảnh báo, khuyến cáo về nguy cơ dịch bệnh có liên quan đến thời tiết, khí hậu cực đoan gây ra. Bà Nguyễn Thị Thanh ở phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái cho biết: "Con dâu tôi thường xuyên chia sẻ cho tôi, cho hàng xóm biết về những loại dịch bệnh, cách phòng ngừa, cách điều trị từ các kênh thông tin của ngành y tế”.
Ngành y tế Yên Bái thích ứng với BĐKH bằng cách chủ động, nỗ lực xây dựng mạng lưới y tế vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh và các bệnh mới nổi phát sinh để chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng hiệu quả. Bên cạnh đó, việc duy trì hiệu quả các mô hình cơ sở chăm sóc sức khỏe có khả năng thích ứng với khí hậu và bền vững với môi trường sẽ đảm bảo khả năng chống chịu tốt nhất với tác động của BĐKH.
Nguyễn Thơm