Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt ở trẻ em như viêm phổi, viêm não màng não, viêm đường ruột... Hiện nay chưa có thuốc điều trị bệnh sởi, chỉ điều trị triệu chứng và phòng ngừa biến chứng.
Ba dấu hiệu nhận biết bệnh sởi
Một là sốt. Sốt là triệu chứng đầu tiên của bệnh sởi. Sốt có thể kèm theo các triệu chứng khác như ho, sổ mũi, đau họng, đỏ mắt. Nước mũi và nước mắt chảy nhiều, giống như bệnh nhân bị khóc. Người ta gọi chung là triệu chứng viêm long đường hô hấp.
Hai là xuất hiện những đốm trắng nhỏ với tâm màu trắng bên trong miệng, thường ở niêm mạc má, trong chuyên môn gọi là đốm Koplik. Đốm Koplik là dấu hiệu rất đặc trưng của bệnh sởi, nhưng không phải lúc nào cũng dễ thấy. Đốm này xuất hiện trong vòng một, hai ngày trước khi bị phát ban.
Ba là bị phát ban. Phát ban thường bắt đầu từ sau tai rồi lan dần xuống mặt, cổ, thân và tay chân. Các nốt ban đỏ hơi gồ lên mặt da, chúng có thể liên kết với nhau tạo thành các mảng lớn. Đặc điểm của phát ban luôn luôn theo thứ tự từ trên đầu xuống thân thể và từ thân thể lan ra tay chân, chứ không bao giờ phát ban xuất hiện cùng một lúc hết cả người.
Ba biến chứng nguy hiểm
Những người bị biến chứng khi mắc bệnh sởi là người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch và đặc biệt là trẻ em chưa được tiêm vắc xin sởi, người lớn chưa từng mắc bệnh sởi hoặc tiêm vắc xin sởi không đầy đủ cũng có nguy cơ mắc bệnh cao.
Theo các nhà khoa học, sởi có ba biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh, bao gồm:
1. Viêm não: Đây là biến chứng nặng nề nhất của bệnh sởi, có thể gây tổn thương não vĩnh viễn hoặc tử vong. Nguyên nhân do vi rút sởi có khả năng xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương, gây viêm não. Khi bị viêm não, bệnh nhân có các triệu chứng như sốt cao, đau đầu dữ dội, co giật, hôn mê và tử vong.
Ngoài ra, vi rút sởi làm suy yếu hệ miễn dịch khiến cơ thể dễ bị bội nhiễm các vi khuẩn cơ hội, dẫn đến các biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não... Mặt khác trong một số trường hợp, hệ miễn dịch của cơ thể bị rối loạn, nó tấn công các tế bào khỏe mạnh, gây ra các phản ứng tự miễn, làm trầm trọng thêm tình trạng viêm.
2. Viêm phổi: Vi rút sởi tấn công đường hô hấp, phá hủy các tế bào lót đường hô hấp, đặc biệt là ở mũi, họng và phổi, làm tổn thương các tế bào này, gây viêm và tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn khác xâm nhập.
3. Mù lòa: Vi rút sởi có thể tấn công mắt, đặc biệt là giác mạc, gây viêm giác mạc. Viêm giác mạc nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến sẹo giác mạc và mù lòa vĩnh viễn.
Để phòng tránh mắc bệnh sởi và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm, nên đưa người thân và ngay cả bản thân mình đi tiêm vắc xin sởi đầy đủ, đúng lịch. Vắc xin sởi rất an toàn và hiệu quả, giúp cơ thể tạo ra kháng thể chống lại vi rút sởi.
Ngoài ra, hãy áp dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh đường hô hấp, trong đó có sởi, như vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt trước khi ăn hoặc sau khi tiếp xúc với người bệnh. Che miệng khi ho hoặc hắt hơi, dùng khăn giấy hoặc khuỷu tay để che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Tránh tiếp xúc gần với người bệnh. Nếu người trong gia đình hoặc cộng đồng bị bệnh sởi, hãy hạn chế tiếp xúc gần để tránh lây nhiễm.
Chưa có thuốc điều trị bệnh sởi
Chích ngừa sởi đầy đủ gồm hai mũi bằng vắc xin kết hợp ba loại bệnh sởi, quai bị và rubella, gọi là vắc xin MMR. Mũi 1 tiêm khi trẻ được 9 - 12 tháng tuổi. Mũi 2 tiêm nhắc lại khi trẻ lớn hơn, thường là từ 4 - 6 tuổi. Lịch tiêm cụ thể sẽ có sự hướng dẫn của ngành y tế.
Sau khi tiêm vắc xin sởi, bao lâu mới có kháng thể sởi?
Theo nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ, sau khi tiêm ngừa vắc xin sởi, cơ thể cần thời gian để sản xuất kháng thể bảo vệ. Kháng thể thường xuất hiện chỉ trong vòng vài ngày sau khi tiêm vắc xin và cơ thể được bảo vệ hoàn toàn sau khoảng hai hoặc ba tuần.
Vắc xin sởi rất hiệu quả sau khi tiêm hai liều, lúc đó có hiệu quả khoảng 97% ngăn ngừa bệnh sởi nếu tiếp xúc với vi rút. Nếu chỉ tiêm một liều thì hiệu quả khoảng 93%.
Về chuyên môn, khi tiêm vắc xin sởi, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tạo ra các kháng thể chống lại vi rút sởi. Tế bào miễn dịch sẽ ghi nhớ loại vi rút sởi do chích ngừa, nếu sau này bà con mình tiếp xúc với người bị sởi thì cơ thể ngay lập tức có kháng thể chống lại vi rút sởi nhờ sự ghi nhớ của các tế bào miễn dịch nhớ cách chống lại vi rút sởi để sản xuất ra kháng thể chuyên biệt.
Tuy nhiên có một ít người dù tiêm đủ hai liều vắc xin sởi mà vẫn mắc bệnh sởi khi tiếp xúc với vi rút. Các chuyên gia không chắc chắn lý do tại sao, có thể là hệ thống miễn dịch của một số người không phản ứng tốt để tạo ra kháng thể để chống lại vi rút sởi. Nhưng tin tốt là những người đã tiêm vắc xin đầy đủ nếu mắc bệnh sởi thì sẽ mắc bệnh nhẹ hơn, không gặp biến chứng nguy hiểm chết người.
(Theo TTO)