Những dấu hỏi...
Có thể nói, giải thể, sáp nhập các đơn vị hành chính, các cơ quan, đơn vị là xu thế tất yếu nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phù hợp với thời đại công nghệ số và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tuy nhiên, sau hơn một năm thực hiện việc sáp nhập, công tác quản lý nhà nước về y tế tại cơ sở đang để lại một dấu hỏi không hề nhỏ, cần tiếp tục được giải quyết.
Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Nghị định 24/2014/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV thì phòng y tế là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước về y tế, bao gồm: y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; y dược cổ truyền; sức khỏe sinh sản; trang thiết bị y tế; dược; mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn.
Phòng y tế có nhiệm vụ trình UBND cấp huyện ban hành quyết định, chỉ thị; quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 5 năm, hàng năm và các văn bản khác; chương trình, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền quy định của HĐND, UBND cấp huyện trong lĩnh vực y tế. Tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách. Giúp UBND cấp huyện thực hiện và chịu trách nhiệm về việc thẩm định, đăng ký, cấp các loại giấy phép, giấy chứng nhận trong lĩnh vực y tế thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật và theo phân công của UBND cấp huyện.
Đồng thời, phòng cũng giúp UBND cấp huyện quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân; hướng dẫn và kiểm tra đối với các hội và tổ chức phi chính phủ tham gia hoạt động trong lĩnh vực y tế trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực được giao quản lý đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn. Kiểm tra, tham gia thanh tra về lĩnh vực được phân công phụ trách đối với tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật và phân công của UBND cấp huyện...
Điểm lại chức năng, nhiệm vụ của phòng y tế để một lần nữa khẳng định, phòng y tế đảm trách một khối lượng công việc khá lớn, quan trọng tại cơ sở. Thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống phòng y tế đã được thành lập tại tất cả các huyện, thị, thành phố trong tỉnh Yên Bái. Nhân sự, đặc biệt là vị trí trưởng phòng đều do các bác sĩ đảm nhiệm, nhiều đồng chí được đào tạo bài bản, trưởng thành trên lĩnh chuyên môn như bác sĩ Bạch Xuân Thủy ở Trấn Yên, bác sĩ Cao Ngọc Thắng, bác sĩ Trần Thị Hợp ở huyện Văn Yên... Phòng y tế đã phát huy được vai trò của mình trên lĩnh vực tham mưu cho UBND cấp huyện nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.
Bác sĩ Bạch Xuân Thủy - nguyên Trưởng phòng Y tế huyện Trấn Yên (nay là Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh), cho biết: "Công tác tại Trung tâm Y tế huyện, tôi được tổ chức điều động về công tác tại Phòng Y tế. Nhận nhiệm vụ mới, chúng tôi đã đoàn kết, cố gắng phấn đấu và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ở thời điểm trước năm 2010, trên địa bàn huyện Trấn Yên ngành nghề y, dược tư nhân chưa phát triển, dù vậy lúc đó trạm y tế xã, thị trấn trực thuộc Phòng Y tế huyện nên công việc của chúng tôi khá nhiều, nhất là công tác an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Còn bác sĩ Cao Ngọc Thắng, nguyên Trưởng phòng Y tế huyện Văn Yên, nay là Giám đốc Trung tâm Y tế huyện thì chia sẻ: "Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên, chúng tôi tập trung xây dựng các chương trình, kế hoạch củng cố, phát triển mạng lưới y tế cơ sở từng năm và 5 năm cho địa phương, được Huyện ủy, UBND huyện và ngành y tế đánh giá rất cao. Vai trò, tầm quan trọng của phòng y tế thực sự đã được khẳng định”.
... Và nguyên nhân
Đã từng được khẳng định, tuy nhiên, sau một thời gian tồn tại và phát triển, vai trò của phòng y tế mờ nhạt dần. Nguyên nhân được những người trong nghề đánh giá là bởi phần lớn những cán bộ có trình độ, có kinh nghiệm và làm việc tâm huyết đã được điều chuyển sang lĩnh vực khác (chủ yếu sang công tác tại trung tâm y tế hoặc các bệnh viện). Đặc biệt, mạng lưới y tế cơ sở (trạm y tế xã, phường, thị trấn) chuyển sang trung tâm y tế các huyện thị, không còn chịu sự quản lý của phòng y tế trong khi đó, lĩnh vực y dược tư nhân vào thời điểm cách đây 5 đến 7 năm về trước tại Yên Bái chưa phát triển nhiều.
Bác sĩ Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế cũng chia sẻ: "Các phòng y tế hoạt động mờ nhạt dần, vai trò không được thể hiện. Mặc dù chức năng quản lý nhà nước trên lĩnh vực y tế tại địa bàn huyện vẫn do phòng y tế đảm trách nhưng quá trình thực hiện nhiệm vụ, các phòng chuyên môn của Sở Y tế phải tăng cường, hỗ trợ rất nhiều. Xuất phát từ thực tiễn này, việc sáp nhập phòng y tế về Văn phòng UBND cấp huyện là phù hợp và tất yếu”.
Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, phòng y tế cấp huyện đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong việc tham mưu với UBND cùng cấp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch hiệu quả. Trong ảnh: Cán bộ y tế phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái đo thân nhiệt kiểm tra dịch bệnh cho các tiểu thương .
Những vấn đề này sinh
Không phát huy được hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu, giải thể và sáp nhập là tất yếu. Tuy nhiên, sau sáp nhập, phần lớn đội ngũ cán bộ, viên chức của phòng y tế, nhất là đội ngũ bác sĩ, trưởng phòng hoặc đã nghỉ việc hoặc đã chuyển công tác khác, gần như chẳng còn liên quan gì đến y tế.
Toàn tỉnh chỉ còn 2 trưởng phòng y tế ở Trấn Yên và thành phố Yên Bái về công tác tại Văn phòng UBND, giữ chức Phó Chánh văn phòng, phụ trách nhiều công việc khác nhau, trong đó có nhiệm vụ tham mưu lĩnh vực quản lý nhà nước về y tế cho chủ tịch UBND cấp huyện... Không còn đội ngũ cán bộ có trình độ, có chuyên môn, còn thì phải đảm trách nhiều công việc khác…, chắc chắn vai trò, chức năng quản lý nhà nước trên lĩnh vực y tế tại cấp huyện không thể hiệu lực, hiệu quả, nếu không muốn nói là mờ nhạt, hẫng hụt hơn trước.
Vấn đề càng trở nên đáng bàn khi yêu cầu quản lý nhà nước trên lĩnh vực y tế ngày càng đòi hỏi ở mức cao hơn; lĩnh vực y, dược tư nhân phát triển không ngừng về số lượng và quy mô, tình trạng vi phạm các quy định về khám, chữa bệnh ngày càng phổ biến; vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng trở nên nhức nhối. Chỉ tính riêng tại thành phố Yên Bái, lĩnh vực y tế tư nhân đã có trên 150 quầy thuốc, nhà thuốc, gần 100 cơ sở khám chữa bệnh được cấp phép, các dịch vụ làm đẹp có can thiệp vào cơ thế con người thì mọc lên như nấm sau mưa... vậy mà nhiệm vụ tham mưu, quản lý nhà nước về y tế chỉ còn duy nhất 1 cán bộ và làm kiêm nhiệm.
Từ thực trạng mô hình và công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực y tế tại cơ sở như đã phân tích trong bài viết, có lẽ giải pháp hữu hiệu nhất là thành lập phòng y tế tại trung tâm y tế, khi trung tâm y tế cấp huyện được chuyển từ Sở Y tế về UBND huyện quản lý (chủ trương này đã có, dự kiến triển khai thực hiện vào tháng 7/2025), bởi trung tâm y tế có đủ năng lực về nhân sự, chuyên môn, kỹ thuật, trang thiết bị… đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Khi phòng y tế trực thuộc trung tâm y tế thì câu chuyện "vừa đá bóng, vừa thổi còi” chắc chắn sẽ xảy ra (phòng y tế là cơ quan quản lý nhà nước; trung tâm y tế là đơn vị sự nghiệp, trực tiếp hành nghề y), nhưng đó chưa phải là vấn đề lớn, chưa kể trung tâm y tế là cơ sở y tế công lập, bên cạnh nhiệm vụ chính trị là bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân còn thực hiện các nhiệm vụ khác do cấp ủy, chính quyền giao.
Lê Phiên