Đột quỵ não, hay còn gọi là tai biến mạch máu não là một căn bệnh nguy hiểm, xảy ra khi nguồn cung cấp máu đến não bị gián đoạn, dẫn đến tổn thương não bộ. Hậu quả của đột quỵ có thể rất nghiêm trọng, từ tử vong cho đến tàn tật suốt đời, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, tinh thần và khả năng lao động của người bệnh. Tại Việt Nam, đột quỵ não là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng.
Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 200.000 trường hợp bị đột quỵ, với tỷ lệ tử vong từ 10-20%. Điều đáng buồn là chỉ có 1/4 số bệnh nhân đột quỵ có thể độc lập đi lại sau khi điều trị.
Giống như nhiều địa phương khác, trên địa bàn huyện Văn Yên có không ít người bị đột quỵ não, nhiều bệnh nhân đã tử vong hoặc bị tàn tật suốt đời; đặc biệt, số bệnh nhân bị đột quỵ não tăng dần qua từng năm. Khi bị đột quỵ, họ không có cơ hội vàng để được cấp cứu và điều trị kịp thời. Việc vận chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương ở xa gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như: tử vong, tàn tật, tốn kém chi phí điều trị và ảnh hưởng lớn đến gia đình…
Thấu hiểu những khó khăn đó, Trung tâm Y tế huyện Văn Yên đã quyết tâm thành lập Đơn vị Đột quỵ với mong muốn mang đến cơ hội vàng cho người bệnh đột quỵ ngay tại địa phương.
Để chuẩn bị cho Đơn vị Đột quỵ được thành lập, Trung tâm Y tế huyện đã cử 1 kíp (gồm 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng) đi học tập tại Bệnh viện Bạch Mai, trang bị máy CT-Scanner, phòng cấp cứu với đầy đủ phương tiện như: máy thở, máy theo dõi, máy bơm tiêm điện, máy truyền dịch… Sau một thời gian chuẩn bị, sáng ngày 20/4/2021, Đơn vị Đột quỵ tại Trung tâm Y tế huyện Văn Yên được thành lập.
Sự ra đời của Đơn vị Đột quỵ là một bước tiến quan trọng, đánh dấu sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ huyện Văn Yên trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, mang lại hy vọng cho người dân. Sau đó, Trung tâm tiếp tục cử một kíp cán bộ về Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp tục học tập nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thống kê cho thấy, từ khi thành lập đến nay, Đơn vị Đột quỵ đã tiến hành tiêu sợi huyết cho 80 trường hợp; tỷ lệ thành công của phương pháp này (khỏi không để lại di chứng là 70%), giúp cải thiện tình trạng bệnh lâm sàng của bệnh nhân.
Nhiều bệnh nhân không những thoát khỏi "lưỡi hái của tử thần” mà còn ổn định sức khỏe như anh Đặng Nho T, sinh năm 1973, trú tại thôn Tháp Cái, xã Viễn Sơn vào viện ngày 17/5/2021; bệnh nhân Vũ Thị I, sinh năm 1959, trú tại thôn Màu, thị trấn Mậu A vào viện ngày 3/7/2021; bệnh nhân Nguyễn Thị X, sinh năm 1969, trú tại thôn Gốc Nhội, xã Yên Thái vào viện 26/9/2022.
Tất cả các bệnh nhân đều khởi phát bệnh đột ngột với triệu chứng thất ngôn, liệt 1/2 người, rối loạn ý thức với nguy cơ tàn tật và tử vong cao. Sau khi kịp thời đến với Đơn vị Đột quỵ huyện điều trị bằng phương pháp tiêu sợi huyết trong "giờ vàng”, cả 3 bệnh nhân đều hồi phục hoàn toàn và sau đợt điều trị đã trở lại cuộc sống sinh hoạt và lao động bình thường.
Dưới góc độ chuyên môn, bác sĩ Vũ Văn Thường - Trưởng Đơn vị Đột quỵ, Trung tâm Y tế Văn Yên cho biết: Thành lập các đơn vị đột quỵ tại bệnh viện tuyến huyện sẽ giúp bệnh nhân tiếp cận dịch vụ y tế chuyên sâu kịp thời; qua đó bệnh nhân đột quỵ được chẩn đoán và điều trị nhanh chóng, hiệu quả, rút ngắn thời gian vàng điều trị. giảm thiểu nguy cơ tử vong và tàn tật, giảm tải cho tuyến trên.
Phát biểu bên lề Hội thảo "Phát triển mạng lưới đột quỵ tại tỉnh Yên Bái" do Hội Đột quỵ Hà Nội, Sở Y tế Yên Bái và Tổ chức Angel phối hợp tổ chức mới đây, bác sĩ Cao Ngọc Thắng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Yên cho biết: Với sự quyết tâm của đội ngũ y, bác sĩ và sự hỗ trợ của cộng đồng, đang từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong việc mang đến cơ hội vàng cho người bệnh đột quỵ.
Sự nỗ lực này góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người dân huyện Văn Yên và là minh chứng cho sự phát triển của ngành y tế tuyến huyện, hướng đến mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân.
Thời gian tới, Trung tâm sẽ chủ động phối hợp và tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe về đột quỵ; tiếp tục hợp tác với các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương, đặc biệt là Bệnh viện Bạch Mai để học hỏi kinh nghiệm, cập nhật kỹ thuật mới, đào tạo cán bộ, hội chẩn từ xa; cùng với đó là tranh thủ nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao năng lực chuyên môn… đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh đột quỵ cho người dân.
Lê Phiên