Văn Yên - năm đột phá về chuyển đổi số

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/8/2022 | 7:23:05 AM

YênBái - Văn Yên đã chọn năm 2022 là “Năm đột phá về CĐS” với tinh thần tổng tiến công. Thể hiện rõ quyết tâm đó, huyện nỗ lực khẩn trương triển khai nhiều hoạt động cụ thể, rất mới, lần đầu tiên tổ chức triển khai thực hiện.

Lãnh đạo UBND huyện Văn Yên trao đổi với đội ngũ cán bộ, công chức tại Lễ phát động “Tháng chuyển đổi số” của thị trấn Mậu A.
Lãnh đạo UBND huyện Văn Yên trao đổi với đội ngũ cán bộ, công chức tại Lễ phát động “Tháng chuyển đổi số” của thị trấn Mậu A.

QUYẾT TÂM CAO, NỖ LỰC LỚN

Thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 22/07/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về chuyển đổi số (CĐS) giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Văn Yên khóa XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã ban hành Chương trình hành động số 18-CTr/HU ngày 13/10/2021, đồng thời chỉ đạo UBND huyện ban hành Đề án CĐS huyện Văn Yên giai đoạn 2021 - 2025 cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TU của Tỉnh ủy. 

Mục tiêu tổng quát huyện đề ra là đến năm 2025 trở thành địa phương đứng đầu các huyện, thị, thành phố của tỉnh Yên Bái về CĐS. CĐS được cấp ủy, chính quyền huyện xác định là vấn đề quan trọng, cấp thiết đối với sự phát triển của địa phương và là nhiệm vụ "không thể không làm”, "không thể trì hoãn”.

Văn Yên đã chọn năm 2022 là "Năm đột phá về CĐS” với tinh thần tổng tiến công. Thể hiện rõ quyết tâm đó, huyện nỗ lực khẩn trương triển khai nhiều hoạt động cụ thể, rất mới, lần đầu tiên tổ chức triển khai thực hiện. 

Đề án chuyển đổi số (CĐS) huyện Văn Yên giai đoạn 2021 - 2025 đề ra 14 chỉ tiêu cụ thể trên 3 trụ cột của chuyển đổi số là: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; 4 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chung; 4 nhóm hạng mục, phần việc cụ thể với tổng số 63 đầu việc. UBND huyện Văn Yên đã ban hành Kế hoạch số 83 triển khai các hạng mục, phần việc với 19 chỉ tiêu cơ bản cụ thể gồm: 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; từ 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã trở lên được xử lý trên môi trường mạng; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 15%; phấn đấu 40% trở lên người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử... 

Tháng 3/2022, Sở Thông tin và Truyền thông, Tỉnh đoàn, Viettel Yên Bái, UBND huyện tổ chức ký kết Chương trình phối hợp triển khai nhiệm vụ CĐS trên địa bàn huyện Văn Yên năm 2022; ra mắt Tổ công nghệ cộng đồng (TCNCĐ) cấp xã, cấp thôn và phát động Phong trào thi đua "Tự hào tôi là công dân số” huyện Văn Yên; ký kết bàn giao chính thức, tổ chức vận hành hội chẩn khám bệnh từ xa - Telehealth tại Trạm Y tế xã Đông Cuông; truyền thông hướng dẫn sử dụng ứng dụng thanh toán bằng di động Mobile Money... 

Ra mắt các TCNCĐ, Văn Yên là huyện đầu tiên của tỉnh Yên Bái triển khai mô hình này và triển khai trước khi có định hướng chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông. Thúc đẩy CĐS trong toàn dân, UBND huyện Văn Yên đã mạnh dạn nghiên cứu, xây dựng, ban hành Bộ tiêu chí tạm thời công dân số huyện Văn Yên và Quy trình xét, công nhận công dân huyện Văn Yên đạt tiêu chuẩn công dân số. 

9 tiêu chí thành phần của Bộ tiêu chí sẽ là căn cứ để các cấp chính quyền chỉ đạo, hướng dẫn, vận động người dân địa phương học tập, bồi dưỡng, rèn luyện để trở thành công dân số. Đồng thời gắn việc thực hiện nội dung này với các phong trào thi đua yêu nước khác do các cấp, các ngành phát động để tạo khí thế thi đua sôi nổi, thúc đẩy CĐS mạnh mẽ trong toàn dân Văn Yên. 

Ông Hà Đức Anh - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Có thể nói đây cũng là việc làm rất mới, có lẽ đến nay trong cả nước chỉ có duy nhất huyện Văn Yên làm việc này. Theo đó, Bộ tiêu chí tạm thời công dân số huyện Văn Yên đã bám sát các tiêu chí cơ bản của công dân toàn cầu, định hướng xây dựng công dân số nêu trong các nghị quyết, chiến lược về CĐS của Đảng và Nhà nước, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương”. 

Bộ tiêu chí tạo cơ sở cho việc tuyên truyền, vận động và phát triển số lượng công dân số của huyện, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương, đề án, chương trình, kế hoạch về CĐS cũng như xây dựng con người Văn Yên đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập quốc tế, thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”. 

Cùng với thúc đẩy CĐS trong toàn dân, huyện Văn Yên đã rà soát, củng cố, nâng cấp hạ tầng, cơ sở dữ liệu và các ứng dụng nền tảng phục vụ công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, đồng thời xây dựng kinh tế số, xã hội số. 

Hưởng ứng "Năm đột phá về CĐS” của huyện, đã có 86 phần việc CĐS được 77 cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp đăng ký thực hiện. Đồng bộ các giải pháp, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ, với quyết tâm cao và nỗ lực lớn, huyện Văn Yên xác định, kết quả thực hiện của "Năm đột phá về CĐS” sẽ tạo được bước chuyển căn bản, tạo đà thực hiện thắng lợi chủ trương, chương trình, đề án về CĐS trên địa bàn huyện trong cả giai đoạn 2021 - 2025. 

CHỦ ĐỘNG VÀ NỖ LỰC THỰC HIỆN

 Ông Hà Đức Anh - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên:



UBND huyện Văn Yên đã ban hành Kế hoạch số 83/KH-UBND, ngày 8/4/2022 về CĐS năm 2022 với trên 60 đầu việc cụ thể trải đều trên các mặt, các trụ cột của CĐS. UBND huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhân dân, các doanh nghiệp và đoàn viên, thanh thiếu niên về quan điểm, chủ trương và vai trò, vị trí, tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc CĐS, từng bước xây dựng chính quyền số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số; tạo môi trường thuận lợi phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong nghiên cứu, học tập và triển khai ứng dụng những thế mạnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành động lực quan trọng, đáp ứng yêu cầu CĐS trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Ông Nguyễn Thế Cường - Chủ tịch UBND xã An Bình:



Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo CĐS, thành lập TCNCĐ xã; thành lập 5/5 TCNCĐ thôn; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn 100% cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ bán chuyên trách trên địa bàn xã cài đặt và sử dụng ứng dụng công dân số; triển khai sử dụng chữ ký số của lãnh đạo xã, tại bộ phận "một cửa”; lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các địa điểm công cộng, điểm tập trung đông người và kết nối về điểm giám sát tập trung tại công an xã. Đồng thời xã triển khai thí điểm nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái”; triển khai ứng dụng công dân số.

Ông Triệu Chằn Ton - Bí thư Chi bộ thôn Khe Bành, xã Châu Quế Hạ:



Thôn đã lập nhóm Zalo với 85% đại diện số hộ dân tham gia để trao đổi thông tin, triển khai công việc chung của thôn. Đến nay, 100% đảng viên của Chi bộ đã biết cài đặt, sử dụng nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” phục vụ sinh hoạt Chi bộ. 

Thôn đã phủ sóng điện thoại di động 4G, có 195 hộ có điện thoại thông minh, đạt tỷ lệ trên 95%; có 368 người trong độ tuổi lao động được tập huấn kỹ năng số cơ bản; 77% người dân đã cài đặt và được hướng dẫn tạo tài khoản dịch vụ công để giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công tỉnh Yên Bái; số người được hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt đạt 70%; 78% người dân cài đặt, sử dụng nền tảng "Sổ sức khỏe điện tử” và 78% người dân cài đặt, sử dụng nền tảng tư vấn khám sức khỏe, khám chữa bệnh từ xa. 

 "CÁNH TAY CÔNG NGHỆ" NỐI DÀI

Để thực hiện thành công "Năm đột phá về chuyển đổi số - 2022”, thời gian qua, Ban Chỉ đạo CĐS huyện Văn Yên đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan hướng dẫn thành lập, ra mắt và đi vào hoạt động TCNCĐ ở các xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố.

Là lực lượng chính vận động, thành lập TCNCĐ, Huyện đoàn Văn Yên đã phối hợp với các đơn vị, xã, thị trấn thành lập TCNCĐ theo đúng kế hoạch. Anh Đỗ Văn Thành - Bí thư Huyện đoàn Văn Yên cho biết: "Sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của huyện, là lực lượng chính chủ trì triển khai, Huyện đoàn đã phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện tham mưu cho Ban Chỉ đạo CĐS huyện ban hành Văn bản số 39 ngày 24/02/2022 chỉ đạo, vận động, hướng dẫn thành lập TCNCĐ ở các xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố”. 


TCNCĐ xã Châu Quế Hạ hướng dẫn người dân thôn Khe Bành cài đặt ứng dụng CĐS trên điện thoại thông minh. 

TCNCĐ xã do đồng chí bí thư đoàn xã, thị trấn làm tổ trưởng, trong đó lực lượng nòng cốt là đoàn viên thanh niên, cán bộ, giáo viên trẻ chiếm khoảng 70%; còn lại là những người am hiểu, đam mê sử dụng công nghệ hiện đang sinh sống, công tác trên địa bàn huyện, sẵn sàng tham gia hoạt động phục vụ cộng đồng. 

TCNCĐ cấp thôn do trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố làm tổ trưởng, 1 tổ phó là bí thư chi đoàn, 1 tổ phó là người am hiểu và thành thạo sử dụng công nghệ; các thành viên khác chủ yếu là công an viên, thôn đội trưởng, đại diện chi hội đoàn thể ở thôn, tổ dân phố và lực lượng đoàn viên, thanh niên, người có uy tín trong cộng đồng am hiểu và đam mê công nghệ sẵn sàng tham gia hoạt động phục vụ cộng đồng. 

Sau khi thành lập đến nay, các TCNCĐ cấp xã, cấp thôn đã và đang bắt tay vào công việc hỗ trợ chính quyền địa phương triển khai một số nhiệm vụ về CĐS như: tuyên truyền phát triển công dân số theo Bộ tiêu chí công dân số huyện Văn Yên; tuyên truyền triển khai các ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19; tuyên truyền triển khai các ứng dụng thanh toán điện tử. 

Đặc biệt, hiện nay TCNCĐ một số xã như: Đông Cuông, Châu Quế Hạ, Mỏ Vàng đang hỗ trợ triển khai nền tảng "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” phục vụ sinh hoạt chi bộ. 

Ông Nguyễn Thúc Mạnh - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: "Chúng tôi đã phối hợp với các phòng, ban, đơn vị liên quan chỉ đạo TCNCĐ cấp xã, thôn triển khai các phần việc, nền tảng số theo kế hoạch; phấn đấu 100% thành viên TCNCĐ phải tiên phong trở thành công dân số. Đồng thời tuyên truyền, vận động các thành viên trong gia đình trở thành công dân số, gia đình trở thành hộ gia đình số. Mặt khác, là tổ chức gắn kết chặt chẽ giữa TCNCĐ với các doanh nghiệp viễn thông trong quá trình triển khai các nền tảng số đến người dân”. 

Các TCNCĐ như "cánh tay công nghệ nối dài” giúp chính quyền các cấp triển khai chủ trương, các phần việc CĐS đến cơ sở. 

Đến nay, 25/25 xã, thị trấn đã thành lập TCNCĐ cấp xã với tổng số 321 thành viên; 172/172 thôn, tổ dân phố đã thành lập TCNCĐ cấp thôn với tổng số 1.322 thành viên. Anh Trần Như Cường - Bí thư Đoàn thị trấn Mậu A cho biết: "Chúng tôi cùng với các TCNCĐ tổ dân phố tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ giải quyết các thủ tục hành chính, ứng dụng trong kinh doanh, quảng bá sản phẩm, giúp người dân tiếp cận và ứng dụng công nghệ hiệu quả nhất”. 

Để phát huy hiệu quả mô hình, Ban Chỉ đạo CĐS huyện Văn Yên hướng dẫn chi tiết hoạt động của TCNCĐ cấp xã, thôn; chỉ đạo các tổ hình thành các nhóm Zalo để trao đổi thông tin, duy trì hoạt động, tiếp nhận và triển khai các nhiệm vụ được cấp trên giao; trưng dụng lực lượng này tham gia hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ CĐS, góp phần thực hiện thành công chủ trương CĐS trên địa bàn huyện.

LỢI ÍCH TỪ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Ông Nguyễn Văn Lịch, tổ dân phố 10, thị trấn Mậu A:



Được tuyên truyền về chủ trương CĐS, được địa phương và tổ dân phố hỗ trợ, các TCNCĐ hướng dẫn chuyển tải các văn bản thông qua việc điều hành trên các nhóm Zalo, Facebook đã giúp người dân chúng tôi tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả. Đồng thời chúng tôi cũng có thể đề xuất những ý kiến, phản ánh tâm tư nguyện vọng đến các cấp một cách nhanh nhất.

Bà Triệu Thị Mấy, thôn Khe Bành, xã Châu Quế Hạ:



Mặc dù lúc đầu còn bỡ ngỡ, lúng túng, lạ lẫm nhưng sau khi được hướng dẫn cách sử dụng, tôi thấy CĐS là phù hợp, rất tiện lợi. Được cán bộ ngân hàng, các đơn vị phòng, ban huyện mở tài khoản và cài đặt các ứng dụng thì mọi công việc giao dịch mình có thể sử dụng trên điện thoại thông minh mà không mất nhiều thời gian đi lại như trước nữa.

Ông Lương Vũ Bình, thôn Trung Tâm, xã Đông Cuông:



Mô hình Hội chẩn khám bệnh từ xa - Telehealth của Trạm Y tế xã Đông Cuông đã mở ra nhiều cơ hội trong chăm sóc, khám chữa bệnh cho nhân dân, giúp người bệnh giảm khá nhiều chi phí và hạn chế rủi ro trong những trường hợp bệnh nhân nặng phải chuyển tuyến, đặc biệt là những bệnh nhân không có điều kiện kinh tế. Mô hình cũng tạo điều kiện để người bệnh được thăm khám nhanh chóng, hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo dịch bệnh trong cộng đồng. 

ĐỔI MỚI, ĐI ĐẦU CHUYỂN ĐỔI SỐ

Là địa phương được UBND huyện Văn Yên chọn làm điểm để thực hiện Đề án CĐS của huyện giai đoạn 2021 - 2025, thị trấn Mậu A đã nỗ lực đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, tăng cường tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền thông qua các ứng dụng, dịch vụ tiện ích với 6 nội dung cụ thể. 

Với 6 nội dung cụ thể, Ban Chỉ đạo CĐS thị trấn chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các tổ dân phố, tổ công nghệ cộng đồng của thị trấn phát huy tinh thần trách nhiệm, quyết tâm, nỗ lực cao độ để thực hiện các phần việc CĐS; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của tỉnh, của huyện, các doanh nghiệp viễn thông trong quá trình triển khai các phần việc tại địa phương. 


Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 4, HĐND thị trấn Mậu A không sử dụng tài liệu giấy. 

Thị trấn đã tổ chức Lễ phát động Tháng CĐS; áp dụng công nghệ thông tin trong tiếp xúc cử tri kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến để đông đảo nhân dân được biết; triển khai "Sổ tay đảng viên điện tử” đến 100% chi bộ trực thuộc; tổ chức Hội nghị "Chúng ta cùng tiến” để hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ứng dụng công nghệ số trong liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện qua hình thức thương mại điện tử; tổ chức Ngày hội CĐS phối hợp với các cơ quan, đơn vị như: Công an huyện, Viettel, VNPT, Điện lực, Agribank... 

Theo đó, người dân được cung cấp tài khoản định danh điện tử, được hướng dẫn thanh toán tiền điện, tiền nước, mua bán giao dịch không sử dụng tiền mặt. Ban Chỉ đạo CĐS thị trấn phân công nhiệm vụ cho các công chức phụ trách các tổ dân phố phối hợp với các tổ dân phố, các nhà mạng triển khai lắp đặt đường truyền Internet; tiếp nhận tài khoản, hướng dẫn đảng viên cài đặt, đăng nhập, sử dụng "Sổ tay đảng viên điện tử”; hướng dẫn các bí thư chi bộ sử dụng "Sổ tay đảng viên điện tử" trong sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ thường kỳ; tuyên truyền, hướng dẫn người dân khởi tạo tài khoản dịch vụ công trực tuyến và biết cách thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Trong tháng phát động Tháng CĐS từ ngày 20/6 đến 28/7, thị trấn Mậu A đã trao quyết định công nhận 11 nhà văn hóa đạt tiêu chuẩn nhà văn hóa số và 1.000 công dân đạt tiêu chuẩn công dân số đầu tiên.
Đặc biệt, thành công lớn nhất là Kỳ họp thứ 4, HĐND thị trấn nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tổ chức hồi đầu tháng 7 vừa qua, thị trấn Mậu A là đơn vị cấp xã đầu tiên trong tỉnh thực hiện thí điểm không giấy tờ. 

Ông Đinh Mạnh Cường - Chủ tịch UBND thị trấn Mậu A cho biết: "Thị trấn đã tổ chức kỳ họp HĐND "không giấy” đầu tiên đảm bảo công tác chỉ đạo, lãnh đạo, định hướng giảm thiểu giấy tờ và tiết kiệm chi phí. Các đại biểu chủ động hơn, thuận tiện hơn, nghiên cứu được tài liệu mọi nơi mọi lúc thay vì phải cầm bản cứng rất dày. Các cuộc họp sau, chúng tôi cũng sẽ thực hiện theo hình thức này”. Được biết, tới đây, huyện Văn Yên đề nghị VNPT cấp tài khoản Ecabinet cho các đại biểu quét QR-Code điểm danh cũng như nhận tài liệu họp”.

Nguyễn Thơm - Thanh Tân - Hồng Duyên (thực hiện)

Tags Văn Yên chuyển đổi số chính quyền số kinh tế số xã hội số thanh toán điện tử Tổ công nghệ cộng đồng công dân số "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” "Sổ sức khỏe điện tử” sản phẩm OCOP thương mại điện tử

Các tin khác
Cán bộ NHCSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng VBSP Smart Banking tại điểm giao dịch xã.

Từ ngày 1/3/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã tiến hành triển khai chính thức ứng dụng VBSP Smart Banking đến các khách hàng; trong đó, ưu tiên các đối tượng khách hàng cá nhân đang mở tài khoản thanh toán tại NHCSXH.

Sáng 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số (CĐS) đã chủ trì Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban với trọng tâm thảo luận về CĐS. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Người dân sử dụng căn cước công dân gắn chíp để đăng ký khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ.

Xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng hệ thống y tế hiện đại, thời gian qua, ngành y tế Yên Bái đã triển khai hiệu quả các ứng dụng: quản lý văn bản và điều hành điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, liên thông dữ liệu khám chữa bệnh (KCB) BHYT, quản lý thông tin KCB... góp phần nâng cao chất lượng KCB, tạo sự đổi mới cho hệ thống y tế, thúc đẩy CĐS hướng tới phát triển y tế thông minh.

Đồng chí Hà Đức Hải - Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái và đồng chí Lê Trí Hà - Giám đốc Sở thông tin và Truyền thông tỉnh ký kết phối hợp triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2024.

Tỉnh đoàn và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái vừa tổ chức ký kết Chương trình phối hợp triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) năm 2024. Hoạt động nhằm phát huy vai trò, thế mạnh của và nguồn lực sẵn có của hai đơn vị, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ CĐS tỉnh Yên Bái đến năm 2025.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục