Yên Bái tham dự Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 và tổng kết hoạt động của Uỷ ban Chuyển đổi số Quốc gia năm 2022

  • Cập nhật: Chủ nhật, 25/12/2022 | 12:25:38 PM

YênBái - Sáng 25/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” và tổng kết hoạt động của Ủy ban Chuyển đổi số (CĐS) Quốc gia năm 2022.

Cùng chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái có các đồng chí: Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 tỉnh; Ngô Hạnh Phúc - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo, Tổ phó Tổ công tác Đề án 06 tỉnh.

Toàn quốc cấp trên 76 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử

Sau 1 năm triển khai, Đề án 06 và tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về CĐS năm 2022 đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là, việc nhận thức và hành động về chuyển đổi số quốc gia tiếp tục chuyển biến tích cực, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu. 100% bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương đã ban hành chương trình, kế hoạch, đề án CĐS giai đoạn 5 năm. 


Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái.

Hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng số tiếp tục được phát triển ở trung ương và địa phương, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu CĐS. 48/63 địa phương đã triển khai trung tâm giám sát, điều hành thông minh cấp tỉnh.

Các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ; tạo tiện ích trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, Bộ Công an đã tích cực triển khai CSDL quốc gia về dân cư, từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số. Đã cấp trên 76 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử; đồng bộ trên 234 triệu thông tin tiêm chủng; kích hoạt gần 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử…


Dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp gần 4,4 nghìn dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (gấp 3 lần năm 2021); hơn 3,9 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến (gấp hơn 5,7 lần năm 2021). An toàn, an ninh thông tin tiếp tục được quan tâm. Nhân lực chuyển đổi số được quan tâm đầu tư và đạt được kết quả tích cực. Kinh tế số, xã hội số có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị.

Năm 2023, đưa điện, Internet đến 100% thôn, bản trên toàn quốc

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp cần tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của CĐS quốc gia trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quyết liệt triển khai Kế hoạch hành động của Uỷ ban CĐS Quốc gia và Đề án 06 năm 2023. 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần ban hành kế hoạch CĐS năm 2023 thực chất, tránh hình thức, gắn với điều kiện thực tế của địa phương, gắn kết chặt chẽ với các nguồn lực để thực hiện; chủ động hướng dẫn, triển khai số hoá các dịch vụ công trực tuyến, thường xuyên đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, liên thông, kết nối các nền tảng số, các CSDL có trọng tâm, trọng điểm.

Hoàn thiện nền tảng dịch vụ công toàn diện trên môi trường mạng; hoàn thành triển khai 54 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 và Quyết định số 422 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2022.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu cần hoàn thiện quy trình nghiệp vụ số hoá hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính trên môi trường mạng; đẩy mạnh thương mại điện tử, hỗ trợ an sinh xã hội thông qua hệ thống CĐS, thanh toán không dùng tiền mặt; rà soát, đánh giá an toàn thông tin mạng, khẩn trương khắc phục các hạn chế, lộ lọt thông tin, dữ liệu cá nhân; tập trung xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp về nhân lực CĐS, nhất là nhân lực chất lượng cao; tăng cường hợp tác quốc tế về CĐS…

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu : "Hiện nay, cả nước có 266 thôn, bản còn thiếu điện, thiếu sóng internet, đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tập trung chỉ đạo các tập đoàn, đơn vị, cơ quan liên quan trong năm 2023 phải đưa điện, Internet tới các thôn bản này để 100% thôn, bản trên toàn quốc có điện, sóng Internet, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau,"

Thu Trang - Đức Toàn

Tags Yên Bái tham dự Hội nghị trực tuyến sơ kết Đề án 06 tổng kết hUỷ ban Chuyển đổi số Quốc gia năm 2022

Các tin khác

Sáng 24/12, thành phố Yên Bái tổ chức Hội thi “Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong trường học” năm 2022 với chủ đề “Chuyển đổi số - Nâng cao chất lượng giáo dục”.

Một quản trị viên của Google trình diễn khả năng đọc đơn thuốc viết tay.

Nhiều bác sỹ có thói quen viết đơn thuốc một cách vội vàng, khiến bệnh nhân gần như không thể hiểu và Google đang phát triển một ứng dụng giúp giải quyết vấn đề này.

Người dân phấn khởi tham gia thực hiện 2 nhóm dịch vụ công liên thông.

Cùng với TP Hà Nội, tỉnh Hà Nam được Chính phủ triển khai thí điểm 2 nhóm dịch vụ công liên thông, gồm: Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí.

Năm 2022, Yên Bái đã vươn lên đứng thứ 27/63 các tỉnh, thành phố về chỉ số chuyển đổi số quốc gia (DTI), tăng 13 bậc so với năm trước. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh tiến tới chuyển đổi hoàn toàn sang IPv6.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục