Trong khi nhà nước hành chính tiếp tục vững bước tiến đến cơn khủng hoảng cuối cùng của hệ thống trật tự thứ bậc thì thế giới kết nối mạng cũng trải qua một giai đoạn chuyển tiếp đầy kịch tính. Các chuyên gia công nghệ thông tin gọi nó là "Web 2.0” - tiêu đề của một hội nghị được nhà xuất bản trên nền tảng Internet tiên phong Tim O’Reilly tổ chức vào năm 2004. Lý tưởng của O’Reilly là duy trì hình thức "mã nguồn mở” của World Wide Web.
Wikipedia, với các mục từ điển bách khoa toàn thư có tác giả tập thể, vẫn giữ nguyên tắc này. Và bất kỳ trang web nào sử dụng các nội dung đã được tạo ra từ trước cũng tương tự vậy. Theo O’Reilly, các sáng kiến mới như RSS và API có tác dụng "cung cấp dữ liệu ra bên ngoài, không kiểm soát những gì xảy ra khi đến đầu kia của kết nối… [-] một sự phản ánh của nguyên tắc từ điểm đầu đến điểm cuối”.
Tất cả phần mềm phải ở trạng thái "beta vĩnh viễn”, không chỉ có mã nguồn mở mà còn mở để cho phép người dùng tái thiết kế. Tiêu chuẩn vàng là Linux: một "hệ điều hành đẳng cấp thế giới”, ra đời như kết quả từ "công việc hacking bán thời gian của vài nghìn nhà phát triển phần mềm” theo lời của lập trình viên theo tư tưởng chủ nghĩa tự do cá nhân, Eric Raymond, tác giả của bản tuyên ngôn mã nguồn mở có tên Nhà thờ và Khu chợ.
Trong "khu chợ", nhóm lập trình viên tình nguyện toàn cầu hợp tác để xác định và sửa lỗi, nhờ đó cải thiện dần phần mềm. Raymond xây dựng Luật Linus, được đặt theo tên Linus Torvalds, nhà phát triển chính (nhưng chưa bao giờ là chủ sở hữu) của Linux, trong đó nêu rõ: "Với một lượng lớn các bản thử nghiệm beta và bản cho nhà đồng phát triển, hầu hết vấn đề sẽ được xác định một cách nhanh chóng và được sửa chữa một cách rõ ràng cho mọi người xem xét”. (Hay phát biểu theo cách bình dân hơn: Nhiều người soi thật kỹ thì lỗi sẽ ít hơn).
Trong cộng đồng ảo của các hacker, "thước đo thành công trong cạnh tranh duy nhất là danh tiếng với các đồng nghiệp” và không có hiện tượng "bi kịch của cái chung” (Ám chỉ đến bài tiểu luận vào năm 1968 của nhà sinh thái học Garrett Hardin có tên "Thảm kịch của tài sản chung”, trong đó ông đưa ra lập luận cần phải kiểm soát dân số toàn cầu bằng cách đưa ra ví dụ về một ngôi làng của những người nông dân; những người này có quyền tiếp cận không giới hạn tới khu đất chung của họ nhưng rồi khu đất chung này nhanh chóng trở thành một bãi thải không thể tái sinh do sự chăn thả quá mức) bởi vì, với phần mềm nguồn mở, "cỏ mọc cao hơn khi được súc vật ăn”.
Raymond tự tin dự đoán rằng phong trào nguồn mở "về cơ bản sẽ giành được phần thắng trong mảng phần mềm trong vòng từ ba đến năm năm tới (tức là vào năm 2003-2005)”. Rồi anh sẽ phải thất vọng.
Sau giai đoạn của đổi mới và sáng tạo tự do sẽ đến giai đoạn thương mại hóa và được điều tiết. Ít nhất, đây là những gì đã xảy ra trong các cuộc cách mạng công nghệ trước đây. Tuy vậy, trong trường hợp Internet, việc thương mại hóa xảy ra nhưng hầu như không có các quy định kiểm soát.
Giấc mơ mã nguồn mở đã chết với sự gia tăng của các hình thức độc quyền và độc quyền song mại đã thành công trong việc chống lại sự can thiệp của nhà nước hành chính. Microsoft và Apple đã thiết lập ra một thứ gần với sự độc quyền song mại trong ngành phần mềm, trong đó Microsoft đã chiếm được một phần rất lớn trong thị trường máy tính cá nhân. Được thành lập trong giai đoạn đầu tiên của cuộc cách mạng kết nối mạng, vào năm 1975 và năm 1976, hai hãng này có những phản ứng khác nhau trước những cơ hội do Internet đưa ra.
Microsoft tìm cách kết hợp hệ điều hành Windows với trình duyệt web Internet Explorer của mình, trong một chiến lược gần như dẫn đến sự tan vỡ của công ty này. Mặc dù có hệ điều hành vượt trội hơn nhiều so với Bill Gates, nhưng Steve Jobs của Apple lại thích cạnh tranh bằng cách đa dạng hóa phần cứng mà Apple đã bán, bổ sung thêm ngoài chiếc máy tính để bàn Mac nguyên bản những thứ như máy nghe nhạc (iPod, 2001), máy tính xách tay (Macbook, 2006), điện thoại thông minh (iPhone, 2007), máy tính bảng (iPad, 2010) và đồng hồ (Apple Watch, 2014). Thiên tài của Jobs là kết hợp thiết kế sản phẩm lôi cuốn với hệ thống phần mềm và nội dung số khép kín được phát hành độc quyền thông qua Apple Store và iTunes Store.
Giai đoạn thứ hai của cuộc cách mạng CNTT diễn ra 20 năm sau làn sóng đổi mới mà từ các sản phẩm như MS-DOS và Mac OS ra đời. Các công ty mới quan trọng nhất được thành lập vào giữa thập niên 1990 là Amazon, eBay và Google.
Amazon ban đầu là một nhà bán sách trực tuyến được thành lập tại Seattle. eBay - ban đầu được gọi là "Web đấu giá” - là một chợ đấu giá trực tuyến ở San Jose. Google - được đặt tên theo số googol 10^100 - là một công cụ tìm kiếm trực tuyến ra đời trong một garage ô tô ở Menlo Park.
Tất cả những sáng lập viên của các công ty này, theo một nghĩa nào đó, đều là người ngoài cuộc: Jeff Bezos, con trai của một bà mẹ tuổi teen người Texas, được cha dượng là kiều dân Cuba nuôi dưỡng; Pierre Omidyar được sinh ra ở Paris trong một gia đình nhập cư người Iran; Sergey Brin, sinh ra ở Moscow và là con trai một người Do Thái di cư khỏi Liên Xô năm 1979. Chỉ có Larry Page bắt đầu như một người trong cuộc đối với khoa học máy tính: cả cha mẹ anh đều dạy học trong lĩnh vực này. Thế nhưng, tất cả những con người này đều bị thu hút để đến Bờ Tây nước Mỹ, nơi mà Đại học Stanford và Thung lũng Silicon đã cùng nhau thiết lập thành trung tâm đổi mới CNTT toàn cầu.
Liệu họ có dự định trở thành tỷ phú? Có lẽ là không. Thành công của các công ty của họ đến gần như bất ngờ. (Page và Brin chỉ chút nữa là đã bán Google cho Excite với giá 750.000 USD năm 1999). Nhưng sau khi vượt qua vụ sụp đổ cổ phiếu dot.com vào năm đó, cả ba công ty đều nhanh chóng nhận được các định giá ở mức cao ngất ngưởng.
(Theo zing)