Yên Bái chuyển đổi số hoạt động tố tụng với tòa án điện tử

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/1/2023 | 7:56:16 AM

YênBái - Thời gian qua, Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp tỉnh Yên Bái đã và đang tích cực triển khai xây dựng tòa án điện tử, từng bước số hóa dữ liệu và hướng tới tòa án thông minh.

Một phiên tòa xét xử án hình sự được Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức trực tuyến.
Một phiên tòa xét xử án hình sự được Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức trực tuyến.

Theo tinh thần Nghị quyết số 33, ngày 12/11/2021 Quốc hội khóa XV và Thông tư liên tịch giữa TAND Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, tháng 8/2022, TAND tỉnh lần đầu tiên tổ chức thành công phiên tòa trực tuyến với điểm cầu Trại tạm giam Công an tỉnh xét xử 2 vụ án hình sự liên quan đến ma túy. 

Tại phiên tòa xét xử trực tuyến, các cơ quan tiến hành tố tụng đã triển khai đầy đủ các thủ tục của một phiên tòa theo quy định; bị cáo, bị hại có mặt đúng giờ, đầy đủ, nghe rõ và trả lời rõ các câu hỏi, yêu cầu của Hội đồng xét xử. Mọi diễn biến của phiên tòa đều được ghi âm, ghi hình làm cơ sở cho việc chứng minh quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng được đảm bảo theo quy định của pháp luật. Phiên tòa trực tuyến diễn ra trong không khí trang nghiêm, trật tự, đường truyền giữa các điểm cầu ổn định, hoạt động nhịp nhàng và hiệu quả. Quá trình chuẩn bị phiên tòa và tiến hành xét xử trực tuyến đảm bảo tuân thủ đúng quy định và hướng dẫn. 

Sau khi xét xử TAND tỉnh sẽ tiến hành họp để ghi nhận những kết quả đạt được, đồng thời rút kinh nghiệm những thiếu sót cho việc tổ chức những phiên tòa sau này. Thành công của việc lần đầu tiên phiên tòa trực tuyến nhằm hỗ trợ hoặc thay thế xét xử trực tiếp tại tòa án, giúp tòa án nâng cao chất lượng xét xử; thúc đẩy CĐS trong ngành tòa án; mở rộng cơ hội tổ chức xét xử ở mọi nơi, mọi lúc. 

Được biết, sau khi triển khai tới cấp huyện, TAND hai cấp tỉnh đã tổ chức xét xử trực tuyến 15 vụ án hình sự. Năm 2023, các TAND cấp huyện tổ chức xét xử trực tuyến ít nhất 2 vụ, cấp tỉnh 3 vụ và triển khai phần mềm phân công thẩm phán giải quyết vụ án. 

Hiện nay, TAND hai cấp tỉnh đang sử dụng nhiều phần mềm hỗ trợ. Công tác quản lý án có phần mềm hệ thống quản lý án, thống kê các loại án và phần mềm nội bộ số hóa một số tài liệu trong hồ sơ. Việc quản lý nhân sự có phần mềm quản lý cán bộ, công chức; quản lý giấy chứng minh thẩm phán, hội thẩm nhân dân… Từ lãnh đạo đến cán bộ, nhân viên đều là một mắt xích trong chuỗi hệ thống quản lý điện tử. 

Bên cạnh đó, TAND tỉnh còn tăng cường ứng dụng phần mềm hệ thống điều hành nội bộ, quản lý án, số hóa hồ sơ, tài liệu và nâng cao hiệu quả quản lý đối với thủ tục hành chính tư pháp, đảm bảo công khai, minh bạch, góp phần xây dựng thành công tòa án điện tử. Hồ sơ dần được số hóa, người dân có thể nộp đơn qua đường điện tử mà không cần phải đến tòa án; các bản án có hiệu lực pháp luật được đăng tải công khai trên trang điện tử công bố bản án; hướng tới đưa trợ lý ảo làm việc trực tuyến 24/7 để hỗ trợ cán bộ hành chính tư pháp tòa án tiếp nhận và xử lý đơn, thư; hỗ trợ thẩm phán tra cứu nhanh các văn bản pháp luật, chỉ dẫn áp dụng pháp luật cho các tình huống pháp lý cụ thể và bản án có tình huống pháp lý tương tự; đồng thời, góp phần bảo đảm việc áp dụng đúng và thống nhất pháp luật. 

Mục tiêu chung của ngành tòa án là xây dựng tòa án điện tử công khai, người dân dễ tiếp cận và giám sát. Các hội nghị, hội thảo, tập huấn của TAND 2 cấp tỉnh được triển khai trực tuyến đồng bộ trong hệ thống, góp phần tiết kiệm chi phí; những phiên tòa rút kinh nghiệm online được tổ chức liên thông 2 cấp cùng một lúc tạo điều kiện cho các địa phương học tập kinh nghiệm tổ chức xét xử và mỗi thẩm phán, thư ký có thể rút kinh nghiệm. 

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và bộ phận một cửa, một cửa liên thông; triển khai hiệu quả Hệ thống quản lý án tổng hợp do TAND Tối cao Hàn Quốc hỗ trợ nhằm thúc đẩy CĐS Tòa án và đẩy nhanh tiến trình xây dựng tòa án điện tử. 

CĐS trong ngành tòa án ngày càng hiện hữu với hàng loạt các chương trình được triển khai như việc công khai các bản án trên hệ thống website, xét xử trực tuyến, phần mềm "trợ lý ảo thẩm phán”, cung cấp dịch vụ công trực tuyến… nhằm nâng cao hiệu quả xét xử, đảm bảo cải cách tư pháp. Thời gian tới, TAND 2 cấp tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất để triển khai, tổ chức phiên tòa trực tuyến. Việc CĐS mạnh mẽ sẽ làm tăng khả năng quản lý toàn diện các hoạt động của ngành, quản lý hoạt động cụ thể của từng loại việc, từng cá nhân, từng đơn vị trực thuộc và tăng tính công khai, minh bạch đến người dân, tạo tiện lợi, nhanh chóng, chính xác để pháp luật, công lý được triển khai, thực thi hiệu quả trên nền tảng công nghệ số.

Mai Linh

Tags Yên Bái chuyển đổi số hoạt động tố tụng tòa án điện tử

Các tin khác
Tết Nguyên đán là nơi giao thoa giữa công nghệ và văn hoá.

Tết Nguyên đán, một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm của nhiều nước châu Á đang đến gần và đây cũng là thời điểm cho thấy sự giao thoa giữa công nghệ mới và văn hoá truyền thống.

Các giải pháp của Cisco mang đến cho đội ngũ CNTT của URC khả năng hiển thị toàn diện và chi tiết.

Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu hành trình chuyển đổi số với Giải pháp Cisco SD-WAN Cloud OnRamp và mô hình Biên dịch vụ truy cập an toàn SASE.

Lãnh đạo thành phố Yên Bái thăm các gian hàng chuyển đổi số tại phường Nguyễn Thái Học.

Đến nay, 6/6 tiêu chí đã hoàn thành, 70% công dân có thiết bị thông minh được kết nối Internet, 70% công dân được cài đặt và sử dụng nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử và nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa (VOV Bacsi24), 80% công dân được cài đặt và sử dụng nền tảng mua sắm trực tuyến, 70% công dân cài đặt và sử dụng nền tảng mua sắm trực tuyến (Voso, Postmart…)

Sau 1 năm ban hành Bộ chỉ số đo lường mức độ chuyển đổi số (CĐS) của doanh nghiệp (DN), chỉ có 500 DN tham gia và đăng ký tài khoản, trong số đó chỉ có khoảng 400 DN tự đánh giá mức độ CĐS của mình và chỉ khoảng vài chục DN tư vấn đánh giá.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục