Nhật đưa AI vào nhiều lĩnh vực cuộc sống

  • Cập nhật: Thứ bảy, 22/4/2023 | 8:13:05 AM

Trong khi các nước còn tranh cãi về trí tuệ nhân tạo (AI), Nhật Bản - vốn tiên phong trong việc phát triển robot và tự động hóa - đã bắt đầu ứng dụng AI vào nhiều lĩnh vực như giải quyết công việc hành chính, tăng năng suất trong ngành công nghiệp.

Quan chức Yokosuka (Nhật Bản) sử dụng nền tảng ChatGPT trong giờ làm việc vào ngày 20-4.
Quan chức Yokosuka (Nhật Bản) sử dụng nền tảng ChatGPT trong giờ làm việc vào ngày 20-4.

Nhật hiện có 1 triệu người sử dụng ChatGPT. Trong chuyến thăm Nhật mới đây, CEO của OpenAI Sam Altman nói rằng ông rất hào hứng với "làn sóng AI" (trí tuệ nhân tạo) ở nước này và dự định sẽ đặt thêm trụ sở tại đây.

Bộ trưởng Kỹ thuật số Taro Kono: "Chúng tôi muốn sử dụng nhiều loại AI khác nhau để thúc đẩy cải cách trong thực tiễn công việc tại các cơ quan và văn phòng chính phủ".

Thành phố đầu tiên dùng trí tuệ nhân tạo giải quyết hành chính

Yokosuka vừa trở thành thành phố đầu tiên của Nhật Bản sử dụng ChatGPT, chatbox của công ty Mỹ OpenAI, để giải quyết công việc hành chính.

Khi chương trình thử nghiệm của thành phố Yokosuka bắt đầu triển khai từ ngày 20-4, khoảng 4.000 viên chức của thành phố sẽ sử dụng ChatGPT cho các công việc từ ghi biên bản cuộc họp, hỗ trợ ý tưởng truyền thông cho đến soạn thảo văn bản hành chính.

"Nó giống như cả nhóm cùng động não và một trong những nhân viên giỏi nhất vừa tham gia nhóm", một nhân viên thuộc bộ phận quản lý kỹ thuật số của Yokosuka nói.

"Chúng ta cần sử dụng AI rộng rãi hơn để phục vụ người dân tốt hơn", Thị trưởng Kamiji Katsuaki của Yokosuka nói. Chương trình sẽ kéo dài một tháng để đánh giá liệu nó có giúp tăng hiệu quả và sáng tạo hay không.

Không chỉ Yokosuka, tỉnh Ibaraki cũng ứng dụng ChatGPT vào phát thanh viên ảo Ibara Hiyori - vốn đang được sử dụng để quảng bá du lịch và sản phẩm địa phương. Nhờ AI, phát thanh viên này có thể trò chuyện với người dân.

Trong khi đó, ở cấp chính quyền trung ương, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản đã tiên phong sử dụng ChatGPT để giúp người dân dễ hiểu hơn về các quy định vốn thường phức tạp. Mỗi năm có hàng nghìn trang quy định sửa đổi được ban hành và cơ quan này đang phải thuê nguồn lực bên ngoài để cập nhật trang chủ.

Ngoài ra, họ sẽ sử dụng chatbox này để hướng dẫn điền đơn từ và hỗ trợ người dân các vấn đề khác, theo báo Asahi. Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông Takeaki Matsumoto mới đây cũng cho biết bộ của ông dự định thử nghiệm sử dụng ChatGPT trong các công việc hằng ngày. Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno cũng tuyên bố chính phủ sẽ ứng dụng AI để giảm tải cho các công chức.

Những lo ngại

Công nghệ luôn có hai mặt, do đó việc ứng dụng AI vào cuộc sống cũng tạo ra nhiều lo ngại ở Nhật Bản.

"Dân số giảm, số lượng nhân viên hạn chế, tuy nhiên lại có rất nhiều thách thức về hành chính. Vì vậy, chúng tôi đặt mục tiêu sử dụng các công cụ công nghệ thông tin hữu ích, như ChatGPT, để giải phóng nguồn nhân lực cho những việc chỉ có thể được thực hiện giữa người với người", tờ Japan Times dẫn lời ông Takayuki Samukawa, đại diện của bộ phận quản lý kỹ thuật số của Yokosuka, giải thích.

Nhưng đi cùng với đó là những lo ngại về AI như rò rỉ thông tin, nội dung độc hại. Đối với các lo ngại về bảo mật, các quan chức Yokosuka nói rằng thành phố sẽ đảm bảo sử dụng ChatGPT phù hợp với chính sách của OpenAI.

Các viên chức của thành phố sẽ bị cấm nhập các thông tin cá nhân hay thông tin mật lên nền tảng này. "Luôn có nguy cơ rò rỉ thông tin mật", Bộ trưởng Nông Lâm Ngư nghiệp Tetsuro Nomura nói và cho biết sẽ chỉ cho phép nền tảng này sử dụng các thông tin công khai.

Dù vậy, các vấn đề này không cản được Nhật Bản tiến tới với AI. "Điều quan trọng là phải xem xét các quy định phù hợp thay vì ngừng sử dụng (AI) vì những thách thức của nó", ông Matsuno nói. Còn ông Akihiko Kawano, quan chức của Công ty Panasonic, mới đây cũng triển khai ChatGPT cho các nhân viên và cho rằng cần sử dụng AI phù hợp thay vì chờ đến khi mọi thứ hoàn thiện.

"Câu hỏi không phải có sử dụng AI hay không mà là sử dụng khi nào", người phát ngôn của công ty nói. Panasonic cũng cấm nhập thông tin mật vào ChatGPT và yêu cầu nhân viên phải kiểm tra mọi kết quả từ AI.

Dù vậy, không phải ai cũng hoan nghênh AI. Công ty SoftBank và các ngân hàng lớn của Nhật Bản như MUFG, SMBC và Mizuho đã cấm sử dụng ChatGPT. Trên thế giới, do lo ngại về an ninh dữ liệu, chính quyền Ý mới đây đã tạm cấm nền tảng này để điều tra, trong khi Đức và Pháp cũng cân nhắc biện pháp tương tự.

Dùng AI trong ngành công nghiệp

* Astellas Pharma sử dụng AI giúp đẩy nhanh việc phát triển các loại thuốc mới.

* Hitachi phát triển thuật toán để tối đa hóa hiệu quả của mạng lưới chuỗi cung ứng phức tạp gồm nhiều nhà máy, nhà kho và cửa hàng được kết nối bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không.

* Panasonic triển khai ChatGPT từ giữa tháng 2-2023 để giúp hơn 12.500 nhân viên về giấy tờ, phần mềm, ý tưởng... nhằm tăng năng suất.

(Theo TTO)

Các tin khác

Nằm trong chuỗi hoạt động dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023, ngày 21/4, tại bảo tàng Hùng Vương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ ra mắt ứng dụng thuyết minh tự động phục vụ trưng bày, giới thiệu tại bảo tàng Hùng Vương.

Việc tổ chức hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng công dân số YenBai-S sẽ đồng loạt triển khai từ ngày 15/5 - 30/6/2023.

Nhằm triển khai cài đặt và hướng dẫn sử dụng ứng dụng công dân số YenBai-S đến 100% các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã và các tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái, UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành kế hoạch triển khai thí điểm ứng dụng công dân số YenBai-S trên địa bàn tỉnh.

Máy bay không người lái.

Công ty công nghệ phần mềm hàng đầu của Nga Kaspersky mới đây đã ra mắt thiết bị di động có khả năng phát hiện những chiếc máy bay không người lái (drone) nhỏ.

Nơi tiếp nhận công đức tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.

Khu Di tích lịch sử Đền Hùng vừa công bố mã QR được sử dụng để tiếp nhận công đức của các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục