Tiên phong trong công tác chuyển đổi số (CĐS) của huyện, năm 2023, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Yên Bình đã hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong sản xuất, giới thiệu sản phẩm nông sản. Các hộ sản xuất đã sử dụng camera theo dõi chuồng trại chăn nuôi, lắp đặt các hệ thống tưới nước tiên tiến cho cây trồng, sử dụng mã QR, mã vạch để truy xuất nguồn gốc, theo dõi sản phẩm.
Các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của địa phương đã được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử (Vỏ Sò, Postmart), được giới thiệu trên trang web, Facebook, Zalo... Các hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đều tiếp cận và sử dụng phần mềm theo dõi sản phẩm, sử dụng app thanh toán của ngân hàng.
Hiện nay, Phòng NN&PTNT tập trung đẩy mạnh quá trình số hóa, xây dựng bản đồ số nông nghiệp nông thôn. Anh Lương Ngọc Chang - thôn Hàm Rồng, xã Bạch Hà chia sẻ: "Gia đình tôi trồng hơn mẫu dưa. Tôi cũng tham gia HTX nông nghiệp của xã. Ngoài được chia sẻ kỹ thuật chăm sóc cây trồng với các thành viên, chúng tôi còn liên kết tiêu thụ sản phẩm qua các trang mạng Zalo, Facebook và sử dụng app thanh toán không dùng tiền mặt. Do vậy, với giá bán bình quân 10.000 đồng/kg, mỗi năm tôi tích lũy được 200 triệu đồng trong tài khoản cá nhân. Thực hiện CĐS thực sự hữu ích với nông dân”.
Xác định CĐS là một quá trình, thị trấn Thác Bà đã thực hiện một số giải pháp xây dựng mô hình CĐS nâng cao như: đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, người dân. Thị trấn lấy nhu cầu của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu hướng tới; ứng dụng các nền tảng, kênh tương tác trực tuyến giữa cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp.
Ông Phạm Đức Huy - Chủ tịch UBND thị trấn Thác Bà cho biết: "Triển khai mô hình thị trấn CĐS nâng cao, trước hết, thị trấn khảo sát các hộ gia đình sử dụng Internet, đường truyền, máy tính bảng, điện thoại thông minh của các hộ. Cùng đó, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò của 4 tổ CĐS cộng đồng trong tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra”.
Vì vậy, đến nay, văn bản của UBND thị trấn gửi các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử được ký số đạt 100%; tất cả các giao dịch trên cổng dịch vụ công được xác thực điện tử...
Yên Bình xác định năm 2023 là năm tăng tốc, bứt phá triển khai thực quả các mục tiêu, nhiệm vụ công tác CĐS trên cả 4 trụ cột: cấp ủy - chính quyền số; kinh tế số, xã hội số và dữ liệu số. Đặc biệt, huyện triển khai, duy trì 8 mô hình, nền tảng CĐS hướng tới đưa Yên Bình trở thành huyện CĐS với 100% số cơ quan, đơn vị triển khai mô hình CĐS; 100% các xã, thị trấn triển khai mô hình xã, thị trấn CĐS; 100% các tổ CĐS cộng đồng cấp xã, cấp thôn được duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động; 50% số công dân trong độ tuổi trưởng thành được công nhận là công dân số; 100% các chi bộ, đảng bộ sử dụng ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” trong sinh hoạt thường kỳ; 3/24 xã đạt NTM nâng cao, triển khai nền tảng địa chỉ số… Huyện cũng thực hiện triệt để phương châm "CĐS phải lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển”.
Đến nay, công tác CĐS đã được triển khai đến 24/24 xã, thị trấn; 177/177 thôn, tổ dân phố có tổ CĐS cộng đồng hoạt động hiệu quả; họp trực tuyến, sàn thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa...
Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện An Hoàng Linh, để đạt mục tiêu trên, các cấp ủy, chính quyền, các phòng, ban, đơn vị, nhất là người đứng đầu luôn phải quán triệt và xác định CĐS là công việc bắt buộc phải làm và phải làm nhanh, làm chất lượng. Từng bước đưa các chỉ tiêu, nhiệm vụ CĐS trở thành công việc thường xuyên, liên tục, gắn chặt với quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị theo chức trách, thẩm quyền được giao. Huyện Yên Bình sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu năm 2023, xây dựng huyện đạt chuẩn NTM, hướng tới NTM thông minh thực chất và bền vững.
Minh Huyền