Năm 2023, UBND thành phố Yên đã đề ra 51 mục tiêu cụ thể về CĐS. Với lĩnh vực phát triển chính quyền số, thành phố Yên Bái đưa ra 19 mục tiêu năm, trong đó có 60% số xã, phường đạt chuẩn CĐS; 20% số xã, phường chuẩn CĐS nâng cao...
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, thành phố đã đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin từ thành phố đến cơ sở cơ bản, đáp ứng các yêu cầu cần thiết của việc xây dựng chính quyền điện tử và triển khai các dịch vụ công trực tuyến. 15 xã, phường đã được kết nối Internet và thường xuyên nâng cấp đường truyền băng thông rộng. Thành phố sử dụng hiệu quả việc gửi, nhận, xử lý văn bản, công việc trên phần mềm Quản lý văn bản điện tử V-Office.
Địa phương cũng triển khai phòng họp không giấy, sử dụng máy tính bảng đối với tất cả các kỳ họp của cấp ủy, chính quyền thành phố, thực hiện họp trực tuyến tới 100% số xã, phường và thực hiện nhắn tin SMS các thông báo, nội dung văn bản quan trọng. Duy trì, khai thác có hiệu quả hoạt động của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh.
Ứng dụng hình thức báo cáo thông qua "trợ lý ảo” tại các hội nghị của UBND thành phố qua đó 100% số hồ sơ cán bộ, công chức cấp thành phố, cấp xã được cập nhật đầy đủ thông tin trên phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Ngoài ra, thành phố phối hợp với Trung tâm CĐS tỉnh rà soát, đánh giá, triển khai đưa vào hoạt động hệ thống giám sát, điều hành thông minh của phường Đồng Tâm, Nguyễn Thái Học, Minh Tân.
Thành phố tổ chức tập huấn về an toàn, an ninh thông tin, sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ và phần mềm VOFFICE cho cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn và ký kết biên bản hợp tác, kế hoạch phối hợp triển khai công tác hỗ trợ hoạt động CĐS giữa thành phố Yên Bái với Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Điều hành đô thị thông minh tỉnh, VNPT Yên Bái.
Khuyến khích các cơ sở kinh doanh dịch vụ thay đổi phương thức truyền thống sang kinh doanh online, hiện nay, có 475 cơ sở thực hiện, tăng khoảng 179% so với cùng kỳ năm 2022. Thúc đẩy các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như: thanh toán phí và các loại lệ phí, học phí, viện phí, điện, nước, các loại quỹ ngoài ngân sách, chi trả phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách cấp xã, chi trả kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng tại 15 xã, phường...
Thành phố Yên Bái đã đưa 23 sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Postmart với 1.508/3.845 hộ sản xuất nông nghiệp được tạo tài khoản mua bán trên sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, doanh thu bưu chính, viễn thông, dịch vụ chuyển phát cả các khoản thu hộ từ kinh doanh qua facebook, Zalo, ship COD đạt 1.046 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 6 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông với 178 trạm thu phát sóng thông tin di động, đạt tỷ lệ phủ sóng 100%; hạ tầng mạng lưới cáp quang đảm bảo và sẵn sàng cung cấp dịch vụ Internet cáp quang tốc độ cao đến 100% số xã, phường của thành phố.
Điểm nhấn trong xây dựng xã hội số trên địa bàn thành phố trong năm 2023 là mật độ điện thoại trên địa bàn thành phố đạt 115 thuê bao/100 dân; mật độ Internet đạt 98 thuê bao/100 dân và 28 điểm truy cập Internet công cộng.
Bên cạnh đó, thành phố đã triển khai hướng dẫn công dân cài đặt ứng dụng VNeID, tạo lập kích hoạt sử dụng tài khoản định danh điện tử mức 1, mức 2.
Đến nay, cấp 87.442/91.031 thẻ căn cước công dân; thu nhận 58.807/87.422 hồ sơ định danh điện tử, trong đó kích hoạt mức độ 2 được 39.031/58.807 tài khoản… Với nhiều giải pháp được triển khai bài bản, đồng bộ thành phố Yên Bái đặt mục tiêu trở thành địa phương đi đầu các huyện, thị, thành phố của Yên Bái về CĐS, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương nhanh, bền vững.
Thu Hiền