Ông Lê Trọng Khang - Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải chia sẻ: thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 22/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, lãnh đạo UBND huyện rất quan tâm đến công tác chuyển đổi số. Cùng đó, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, năm 2022 là năm bứt phá về nhận thức, tư duy về chuyển đổi số.
Cụ thể, 100% lãnh đạo UBND và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, lãnh đạo được quy hoạch của UBND các xã, thị trấn đều tham gia các lớp tập huấn để nâng cao tư duy, nhận thức về chuyển đổi số; từ đó, đưa ra các quyết định trong triển khai thực hiện các chỉ tiêu về chuyển đổi số trên địa bàn.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức, 100% cán bộ được phân công phụ trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên địa bàn đều được tập huấn kỹ năng về đảm bảo an toàn thông tin, khai thác thông tin và xử lý công việc trên môi trường mạng. Các cơ quan chuyên môn phụ trách công tác thông tin, tuyên truyền của huyện đẩy mạnh công tác truyền thông về chuyển đổi số.
Theo đó, đã có 39 tin, bài tuyên truyền về chuyển đổi số qua 11 tháng năm 2023; trong đó, 4 bài phát thanh, 1 phóng sự truyền hình; 1 chuyên mục về chuyển đổi số phát sóng 2 lần/tháng. Huyện hướng dẫn các xã, thị trấn lập trang fanpage, nhóm Zalo hoặc lồng ghép tuyên truyền trên các trang, nhóm có sẵn của xã, thị trấn để truyền thông chuyển đổi số nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia vào hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn, góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.
Bà Thào Thị Dở, bản Háng Phù Loa, xã Mồ Dề ra Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải để khám, chữa bệnh nhưng lại quên mang theo thẻ bảo hiểm y tế. Bà Dở đã hết sức bối rối khi nghĩ đến quãng đường 20 km về nhà lấy thẻ rồi tiếp tục quay trở lại khám, chữa bệnh. Nhưng rất may, cán bộ của Trung tâm Y tế huyện đã trực tiếp hướng dẫn bà cài đặt ứng dụng VssID trên máy điện thoại thông minh, lấy mã QR từ đây để tiếp tục thực hiện thủ tục khám, chữa bệnh.
Bà Thào Thị Dở bày tỏ: "Việc cài đặt cũng nhanh lắm. Mình cung cấp mã số thẻ, ảnh chụp, số căn cước công dân… một loáng là xong. Cán bộ y tế dùng máy đọc để quét và lấy thông tin từ mã. Màn hình máy tính hiển thị hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế của mình. Thế là mình được khám, chữa bệnh bình thường. Bảo hiểm xã hội, Trung tâm Y tế huyện ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết cho bà con như thế này thì rất tiện”.
Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải, thực hiện chủ đề "Năm dữ liệu số quốc gia", Trung tâm Y tế huyện đã tự trang bị thiết bị đầu đọc thẻ căn cước công dân gắn chip để khám chữa bệnh và đã thực hiện tra cứu đăng ký khám bệnh bằng thẻ căn cước công dân với 174.000 lượt người. Các thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, giấy phép lái xe, đăng ký xe... được tích hợp, số hóa từng bước thay thế các giấy tờ của công dân trong một số giao dịch theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, các dịch vụ công, dịch vụ thương mại phục vụ tiện ích số của công dân trên ứng dụng VNeID như: dịch vụ cư trú, căn cước công dân, thương mại điện tử, thanh toán điện tử và các dịch vụ khác được triển khai mang đến nhiều tiện ích cho người dân. Công an huyện tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp cùng các ban, ngành trên địa bàn tích cực vận động, tuyên truyền người dân cấp thẻ căn cước công dân, đăng ký, cài đặt tài khoản định danh điện tử. Với nhiều đặc thù khó khăn, vất vả nhưng huyện Mù Cang Chải đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong thực hiện công tác chuyển đổi số.
Đến ngày 21/11/2023, toàn huyện đã cấp 44.016/46.155 thẻ căn cước công dân, đạt tỷ lệ 95,4%; thu nhận 23.241/44.016 tài khoản định danh điện tử, đạt 52,8%. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã phối hợp với sở, ban, ngành, trung tâm đào tạo thực hiện các lớp tập huấn trang bị kiến thức, sử dụng các ứng dụng về chuyển đổi số cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các đơn vị trường với 3.185 lượt người tham gia…
Có thể thấy, chuyển đổi số đang đi sâu vào cuộc sống và tạo ra những cơ hội mới cho người dân vùng cao Mù Cang Chải. Việc hỗ trợ người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp người nghèo, hộ nghèo chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, học hỏi kinh nghiệm để vươn lên thoát nghèo bền vững, làm chủ cuộc sống và được tiếp nhận mọi dịch vụ công bằng, bình đẳng theo phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Quang Thiều