Nhân dịp này, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Thị Vân Nga - Bí thư Huyện đoàn Trấn Yên để hiểu rõ hơn về những kết quả và định hướng trong thời gian tới.
P.V: Xin đồng chí cho biết công tác triển khai CĐS đối với lực lượng ĐVTN trên địa bàn huyện Trấn Yên?
Đồng chí Trần Thị Vân Nga: Tổ chức Đoàn huyện Trấn Yên hiện có 35 đầu mối cơ sở, gồm 18 cơ sở đoàn xã, thị trấn; 11 chi đoàn thuộc khối cơ quan và 3 Đoàn trường THPT, với tổng số 231 chi đoàn trực thuộc. Toàn huyện hiện có 2.710 ĐVTN đang sinh hoạt trong tổ chức, đạt tỷ lệ thu hút, tập hợp 82%.
Xác định CĐS là một nội dung quan trọng, mang tính xuyên suốt trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi giai đoạn 2021 - 2025, Huyện đoàn Trấn Yên đã chủ động định hướng triển khai sớm.
Ban Thường vụ Huyện đoàn xây dựng chương trình hành động về CĐS gắn với một trong các nội dung trọng tâm thuộc 3 phong trào hành động cách mạng và 3 chương trình đồng hành cùng thanh niên.
Đối với 3 phong trào hành động của Đoàn, Huyện đoàn tập trung vào phong trào tuổi trẻ sáng tạo dựa trên nền tảng số, thay đổi phương thức tuyên truyền, triển khai các hoạt động của Đoàn, tạo tính lan tỏa rộng khắp, kết nối và chia sẻ thông qua các hoạt động như: số hóa các địa chỉ giáo dục truyền thống của Đoàn thông qua triển khai các công trình thanh niên, các cuộc thi công nghệ, các diễn đàn chia sẻ để khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc và tình yêu Tổ quốc…
Thực hiện các nhóm nhiệm vụ trên, thời gian qua, nhiều phần việc, công trình đã được ĐVTN, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh thực hiện gắn với CĐS. Thanh niên trở thành lực lượng tiên phong, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được tuổi trẻ toàn huyện thực hiện hiệu quả, phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo, nâng cao hiệu lực trong công tác quản lý, giáo dục của Đoàn.
P.V: Đồng chí có thể cho biết một số mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác CĐS của ĐVTN trong huyện?
Đồng chí Trần Thị Vân Nga: CĐS là xu thế tất yếu toàn cầu đã và đang diễn ra sôi động ở tất cả mọi mặt kinh tế, đời sống trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Từ đó, mỗi cán bộ, ĐVTN cần nghiên cứu để nhận thức rõ về quyền, nghĩa vụ hợp pháp của mình, để tham gia môi trường mạng một cách đúng đắn, văn minh, có hiểu biết. Nhận thức được tầm quan trọng của CĐS, Huyện đoàn Trấn Yên đã quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, thực hiện Nghị quyết số 51 của Tỉnh ủy và khâu đột phá "Nâng cao năng lực số cho cán bộ Đoàn và ĐVTN”.
Huyện đoàn đã chủ động "đi trước, đón đầu”, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ mới, triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương thức hoạt động. Các cơ sở Đoàn thành lập 35 câu lạc bộ CĐS; Huyện đoàn Trấn Yên phối hợp với Tỉnh đoàn hướng dẫn người dân tạo lập tài khoản trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến và cấp chữ ký số miễn phí; hướng dẫn đảng viên cài đặt và sử dụng ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái.
Đồng thời, hướng dẫn người dân nắm bắt được các kỹ năng cơ bản để sử dụng thành thạo các nền tảng số, các ứng dụng tiện ích khác trên điện thoại thông minh, nhằm xây dựng xã hội số và thực sự trở thành công dân số. Với lợi thế trẻ, nhanh nhạy công nghệ, ĐVTN Trấn Yên là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, hỗ trợ người dân ứng dụng CĐS.
Đồng thời, phối hợp với lực lượng Công an tổ chức ký kết kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn kích hoạt tài khoản định danh điện tử; 100% cán bộ Đoàn đã hoàn thành đăng ký mức 2. Tuổi trẻ huyện còn tích cực hỗ trợ công dân từ 14 tuổi trở lên làm căn cước công dân gắn chíp điện tử…
P.V: Xin đồng chí cho biết công tác phối hợp giữa các cơ sở Đoàn để triển khai CĐS trên các lĩnh vực hạ tầng số, kinh tế số, xã hội số?
Đồng chí Trần Thị Vân Nga: Hiện nay, 100% cơ sở Đoàn đã sử dụng phần mềm quản lý nghiệp vụ công tác Đoàn. Năm 2024, Huyện đoàn đã triển khai 60 chương trình tuyên truyền về CĐS; phối hợp tuyên truyền phòng, chống tội phạm trên không gian mạng cho 465 đoàn viên, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Các bí thư Đoàn xã, thị trấn cũng đảm nhiệm vai trò tổ trưởng tổ CĐS cộng đồng, trực tiếp tuyên truyền, hỗ trợ người dân tiếp cận các nền tảng số.
Nhờ sự vào cuộc tích cực của tuổi trẻ, 100% xã, thị trấn đã thành lập và duy trì hiệu quả các tổ công nghệ số cộng đồng. Lực lượng ĐVTN có mặt ở khắp các địa bàn, từ vùng thấp đến vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng số như: công dân số (YenBai-S), Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái, VNeID, đồng thời hướng dẫn ứng dụng công nghệ trong sản xuất và thương mại điện tử. Chương trình được cụ thể hóa nội dung theo từng tuyến đối tượng, gồm: chương trình "Tiếp sức mùa thi” và các chiến dịch thanh niên tình nguyện.
Theo đó, triển khai CĐS - trọng tâm là xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số ở cơ sở, tổ công nghệ số cộng đồng với nòng cốt là ĐVTN tại mỗi thôn/bản/tổ dân phố với nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các nền tảng công nghệ số; nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng xã hội, giao tiếp, làm việc trên môi trường số có văn hóa và đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho thanh niên; tham gia phát triển nguồn nhân lực có chất lượng trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Hệ thống thông tin của các cấp bộ Đoàn đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền, giáo dục thông qua các tin, bài tuyên truyền trên fanpage "Tuổi trẻ Trấn Yên”, 18 tài khoản, chuyên trang của đoàn cấp xã. Từ fanpage này, ĐVTN cập nhật kịp thời các thông tin về các phong trào, hoạt động Đoàn, những mô hình hay, điển hình tiên tiến; những thông tin thời sự trong nước, địa phương, hoạt động đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên không gian mạng; tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước…
Bên cạnh đó, các cơ sở Đoàn cũng tích cực kết nối, tương tác với ĐVTN thông qua mạng Zalo, Facebook. Những thông tin ở cơ sở được tổ chức Đoàn nắm bắt kịp thời, phản hồi nhanh hơn.
Bằng sự linh hoạt trong chỉ đạo của Huyện đoàn và sự nhạy bén của lực lượng ĐVTN, các hoạt động của Đoàn đang từng bước được đổi mới về mặt nội dung và phương thức truyền tải để phù hợp với thời đại công nghệ số. Thời gian tới, Huyện đoàn Trấn Yên sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số gắn với công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, phát huy sức trẻ góp phần đẩy mạnh CĐS; thể hiện vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ trong tiến trình hội nhập, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa mạnh mẽ.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Trần Ngọc (thực hiện)