Nhiều nhất về số gói cước
Tuy nhiên trên thực tế Zalo là một trong những ứng dụng OTT sinh sau đẻ muộn về việc thu phí đại trà, nhưng lại dẫn đầu về các tiêu chí như số gói cước và mức cước phí.
Từ tháng 6, Zalo đã tiến hành thu phí đối với tài khoản người dùng là tổ chức, doanh nghiệp (Zalo Official Account – Zalo OA) với 3 gói cước: Gói dùng thử 45 ngày mức giá 10.000 đồng; gói cước nâng cao 59.000 đồng/tháng và gói Premium 399.000 đồng/tháng.
Đối với tài khoản người dùng cá nhân thông thường, động thái Zalo bóp tính năng song song với ý định tung ra các gói cước thu phí với dịch vụ Zalo Business Account (Zalo BA). Dịch vụ thu phí với người dùng cá nhân Zalo BA được thiết kế với 3 gói cước: Gói Standard có mức cước 2.800 đồng/ngày; gói Pro được cho dùng thử miễn phí tới ngày 30.8.2022, mức cước sẽ 5.500 đồng/ngày; gói Elite với mức cước 55.000 đồng/ngày.
Như vậy nếu nhân lên 30 ngày sử dụng bình quân mỗi một tháng, mức cước của 3 gói trên sẽ lần lượt là 84.000 đồng, 165.000 đồng và 1.650.000 đồng.
Tổng cộng nếu tính gộp cả gói dịch vụ Zalo OA và Zalo BA, có tổng cộng 6 gói cước, trong đó 3 gói cước của dịch vụ Zalo OA đã tiến hành thu từ tháng 6, còn 3 gói cước thuộc dịch vụ Zalo BA đã nằm trong kế hoạch của phía nhà cung cấp dịch vụ Zalo.
Mức cước Zalo định thu người dùng cá nhân "khủng" đến mức nào?
Hiện trên thị trường ứng dụng OTT nói riêng và mạng xã hội nói chung đã có một số nhà cung cấp dịch vụ tiến hành thu phí như Skyber với dịch vụ SkyberOut, Viber với gói dịch vụ Viber Out, Telegram với gói dịch vụ Telegram Premium có mức cước 4,99 USD/tháng (tương ứng khoáng 119.000 đồng/tháng), SnapChat với gói dịch vụ SnapChat Plus với mức cước 3,99 USD/tháng (tương ứng khoảng 95.000 đồng/tháng).
Một số nền tảng như WhatsApp, từng thu phí người dùng theo phương thức phí thuê bao mỗi tài khoản 1 USD nhưng về sau đã bãi bỏ. Còn Facebook/Messenger/Instagram thuộc nhóm hệ sinh thái dịch vụ của Meta, hay nhóm dịch vụ OTT/mạng xã hội thuộc hệ sinh thái dịch vụ của Google thì cho tới nay hầu hết vẫn miễn phí (ngoại trừ dịch vụ Google Drive người dùng phải trả phí nếu muốn sử dụng dung lượng lưu trữ lớn hơn).
Trong các dịch vụ thu phí ở trên, SkyberOut và Viber Out cùng loại dịch vụ là thu phí thoại, cạnh tranh trực tiếp với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống (mạng di động/cố định), không thuộc phân khúc dịch vụ với Zalo.
Nhóm dịch vụ cùng loại nền tảng với Zalo đã tiến hành thu phí hiện có SnapChat Plus và Telegram Premium. Nhưng cùng phân khúc và là đối thủ cạnh tranh trực tiếp nhất với Zalo chính là Telegram Premium.
Tuy nhiên, nếu so sánh mức cước giữa Telegram Premium với các gói cước của Zalo OA (đã triển khai) và Zalo BA (định triển khai) thì mức cước của Zalo đắt hơn rất nhiều.
Cụ thể, gói cước Premium thuộc nhóm dịch vụ Zalo OA là 399.000 đồng/tháng, có cùng "cấp độ Premium” với gói cước Telegram Premium, nhưng giá cước cao hơn gấp 3,35 lần.
Với các gói cước thuộc dịch vụ Zalo BA mà Zalo dự định tung ra để thu phí đối với tài khoản người dùng cá nhân thông thường, mức cước còn "khủng” hơn rất nhiều.
Cụ thể, chỉ riêng gói Pro của Zalo BA được thiết kế giá cước 5.500 đồng/ngày (khoảng 165.000 đồng/tháng), đã cao hơn so với mức cước tháng của gói Telegram Premium khoảng 38%.
Còn gói Elite với mức cước 55.000 đồng/ngày (khoảng 1.650.000 đồng/tháng), cao hơn so với mức cước tháng của gói Telegram Premium khoảng 13,8 lần.
(Theo LĐO)