"Sợi vô hình" tăng 20% chất xơ cho thực phẩm

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/11/2022 | 4:56:11 PM

Sợi FiberX làm từ tinh bột thừa trong nông nghiệp, giúp giảm lãng phí thực phẩm, đồng thời mang đến lợi ích sức khỏe cho con người.

Phó giáo sư Asgar Farahnaky giới thiệu về FiberX trong lọ cùng Tiến sĩ Mahsa Majzoobi tại RMIT.
Phó giáo sư Asgar Farahnaky giới thiệu về FiberX trong lọ cùng Tiến sĩ Mahsa Majzoobi tại RMIT.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học RMIT Australia hợp tác với tập đoàn Microtec Engineering để phát triển FiberX - "sợi vô hình" có thể bổ sung tới 20% chất xơ lành mạnh cho thực phẩm mà không làm thay đổi màu sắc, kết cấu hoặc mùi vị đến mức nhận biết được, New Atlas hôm 23/11 đưa tin. Loại sợi mới có thể chế tạo từ tinh bột thừa trong nông nghiệp.

Chất xơ khó tiêu hóa góp phần ngăn ngừa táo bón, béo phì, tiểu đường type 2 và một số bệnh tim mạch. "Giờ đây, chúng ta có thể bổ sung chất xơ vào các loại thực phẩm như bánh mì trắng mà không làm thay đổi mùi vị hay kết cấu, vốn là một trong những vấn đề chính của nhiều sản phẩm bổ sung chất xơ bán trên thị trường hiện nay", phó giáo sư Asgar Farahnaky cho biết.

FiberX không có mùi vị hay dễ nhận biết như các sản phẩm bổ sung chất xơ khác vì nó bắt nguồn từ tinh bột. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các phương pháp xử lý hóa học để thay đổi cấu trúc phân tử của các thực phẩm chứa tinh bột như sắn, lúa mì, ngô, biến chúng từ thực phẩm dễ tiêu hóa khiến đường máu tăng thành dạng không tiêu hóa được, đi vào cơ thể giống như chất xơ tự nhiên và mang lại lợi ích tương tự.

Trong các thử nghiệm với bánh mì và bánh ngọt, nhóm nghiên cứu nhận thấy FiberX có thể tăng 10 - 20% chất xơ vào thực phẩm trước khi mọi người bắt đầu nhận thấy sự khác biệt. Thử nghiệm trên các loại tinh bột đã chế biến cho thấy, quá trình biến đổi hóa học có thể chuyển đổi hơn 80% tinh bột thành chất xơ.

Nhóm chuyên gia đang nghiên cứu cách đạt được kết quả tương tự bằng các phương pháp vật lý hoặc enzyme. Điều này sẽ cho phép sản phẩm dán nhãn "không chứa hóa chất" và tốt hơn cho môi trường.

FiberX không đòi hỏi tinh bột mới và vẫn dùng được cho sản phẩm khác. Nhóm chuyên gia đang hợp tác với trung tâm nghiên cứu Chống lãng phí thực phẩm (FFWCRC) nhằm sử dụng tinh bột và chất xơ phế thải làm nguyên liệu sản xuất FiberX trên quy mô lớn. "Việc mở rộng quy mô công nghệ này sẽ giúp ngành thực phẩm tiếp cận được một lượng lớn chất xơ vô hình với giá phải chăng, cung cấp thực phẩm giàu chất xơ cho người tiêu dùng", Farahnaky nói.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Trao Giải thưởng Nữ sinh Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2022. Ảnh tư liệu

Trung ương Đoàn vừa công bố danh sách 20 cá nhân nhận Giải thưởng Nữ sinh Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2023.

Cán bộ ngành nông nghiệp huyện Trấn Yên kiểm tra mô hình nuôi tằm bằng khay trượt.

Trấn Yên là huyện có diện tích trồng dâu nuôi tằm lớn nhất tỉnh với gần 900 ha. Để có được sự phát triển này, yếu tố khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo đã đóng góp quan trọng vào nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Trong ảnh bên phải Giáo sư Dale là một cây chuối dại, và bên trái ông là cây chuối Cavendish.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Cơ quan Tiêu chuẩn về Thực phẩm Australia và New Zealand (FSANZ) đang kêu gọi người dân đóng góp ý kiến về một loại chuối biến đổi gene do các nhà khoa học Australia lai tạo.

Người dùng ChatGPT Plus và Enterprise sẽ được trải nghiệm tính năng này trong vài tuần tới.

Những tính năng mới sẽ được bổ sung vào các phiên bản trả phí của dịch vụ ChatGPT, theo đó cho phép người dùng nói chuyện với AI và thậm chí chỉ cho AI xem những gì họ đang nói đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục