Trong doanh nghiệp, việc áp dụng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào sản xuất đã khẳng định những hiệu quả thiết thực trong sản xuất. Là đơn vị đi đầu trong thực hiện phong trào này, mỗi năm, Công ty Điện lực Yên Bái có hàng chục sáng kiến, giải pháp kỹ thuật do người lao động, kỹ sư thực hiện được nghiệm thu và đi vào thực tiễn.
Mới đây, giải pháp "Thiết bị mô phỏng máy cắt phục vụ thử nghiệm rơ le bảo vệ trước khi lắp đặt” của nhóm tác giả Cao Bình Định, Nguyễn Duy Hưng, Phạm Văn Quang đã đạt giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh. Giải pháp đã khẳng định chính xác rơ le đã được cấu hình chuẩn, đảm bảo các chức năng của rơ le hoạt động tốt trước khi đưa đi lắp đặt vào tủ máy cắt đang vận hành để giảm tối đa thời gian cắt điện thực hiện thay thế và thí nghiệm lại rơ le sau lắp đặt, nâng cao hiệu quả lao động, chất lượng phục vụ khách hàng. Thiết bị còn được chế tạo từ những linh kiện của những tủ máy cắt thu hồi, mang lại hiệu quả cao và giá thành hợp lý.
Ông Cao Bình Định - Giám đốc Công ty cho biết: "Để khuyến khích, lan tỏa phong trào, Công ty đã thành lập Hội đồng Khoa học kỹ thuật phát động phong trào thi đua; tuyên truyền và động viên kịp thời công nhân tích cực sáng tạo. Các giải pháp, sáng kiến được các cán bộ công nhân viên Công ty nghiên cứu phục vụ sản xuất đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nâng cao năng suất lao động, giảm sức lao động cho người thực hiện công việc; nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đáp ứng cung cấp điện một cách liên tục cho khách hàng; đảm bảo an toàn cho người thực hiện công việc trên lưới điện; tiết kiệm thời gian, nhân lực thực hiện công việc phục vụ sản xuất kinh doanh của Công ty”.
Trong 2 năm gần đây, cán bộ công nhân viên Công ty Điện lực Yên Bái đã có 23 giải pháp được Công ty công nhận, trong đó 6 giải pháp là sáng kiến, 17 giải pháp là hợp lý hóa sản xuất.
Trong giáo dục, nhiều đơn vị đã xác định nghiên cứu khoa học là đòn bẩy giúp nâng cao chất lượng giáo dục. Bà Nguyễn Thị Hoa Lan - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành cho biết: "Ban Giám hiệu nhà trường xác định việc rèn luyện tư duy, tác phong làm việc khoa học của học sinh gắn kiến thức được học trong sách với thực tiễn đời sống cũng là một phương pháp đánh giá kết quả học tập mới của nhà trường, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng phát triển năng lực của học sinh. Các hình thức nghiên cứu khoa học được nhà trường triển khai thường xuyên, đa dạng và diễn ra trong suốt cả năm học”.
Được biết, Dự án Khai thác nguồn gen nấm bản địa làm chế phẩm vi sinh ủ phân bón hữu cơ cho cây chè do cô và trò Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành thực hiện vừa xuất sắc đạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh năm nay.
Dự án không dừng lại trên sản phẩm thí nghiệm mà đã được trực tiếp chuyển giao cho một số hộ dân trồng chè ứng dụng trong thực tiễn, góp phần cải tạo đất, nâng cao chất lượng, sản lượng chè búp tươi cho người dân.
Hay như thầy giáo
Lê Văn Cường, Trường THPT Cảm Ân, huyện Yên Bình đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử trong trường học. Điểm nổi bật trong các giải pháp của thầy Cường là sáng tác ra những tác phẩm thơ lục bát viết về lịch sử, từ lịch sử Việt Nam đến lịch sử thế giới. Hiện, thầy Cường đã xuất bản 4 cuốn sách lịch sử bằng các vần thơ dễ hiểu, dễ nhớ, được học sinh hào hứng đón nhận.
Có thể thấy, các sáng kiến, cải tiến trên mọi lĩnh vực của đời sống đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong bối cảnh khoa học công nghệ ngày càng phát triển như hiện nay.
Hàng năm, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương phát động phong trào thi đua đến đội ngũ trí thức, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân.
Các cơ quan, đơn vị cũng đã chủ động phát động phong trào thi đua, coi đó là một trong những chỉ tiêu để bình xét thi đua, khen thưởng. Nhờ vậy, phong trào đã thực sự phát huy tác dụng, tạo không khí thi đua lao động sáng tạo sôi nổi, rộng khắp.
Hoài Anh