Các chủng nấm được lấy từ đất trồng chè ở xã Suối Giàng, thị trấn Nông trường Trần Phú của huyện Văn Chấn và xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên. Sau quá trình nghiên cứu sản xuất chế phẩm vi sinh, Dự án đã có công thức phối trộn chế phẩm: cao lanh 90% + Kali humate 10% + bào tử nấm đồng thời tiến hành sản xuất thử nghiệm 300 kg chế phẩm phân bón vi sinh dùng cho nghiên cứu, khảo nghiệm diện rộng và giới thiệu quảng bá.
Dự án thí nghiệm liều lượng chế phẩm làm phân hữu cơ như sau: 1,0 kg chế phẩm/500 kg vật liệu (công thức 1), 1,5 kg chế phẩm/500 kg vật liệu (công thức 2), 2,0 kg chế phẩm/500 kg vật liệu (công thức 3), đối chứng không sử dụng chế phẩm (công thức 4).
Nguyên liệu ủ bao gồm: rơm rác, lá rụng, cỏ dại… là 500 kg, vôi bột là 6 kg. Phương pháp ủ thực hiện như sau: đầu tiên rải 1 lớp phụ phẩm dày khoảng 30 cm, rắc vôi bột và chế phẩm vi sinh, sau đó lặp lại cho đủ 500 kg vật liệu và lượng chế phẩm đủ theo công thức thí nghiệm, tưới nước cho ẩm và phủ kín đống ủ bằng tấm nhựa dẻo (PE). Tưới ẩm từ 2 - 4 lần cho đống phân ủ, tưới mỗi tuần một lần. Sau 30 ngày ủ, độ ẩm đống ủ theo công thức 2, công thức 3 cao hơn công thức 1 và đối chứng.
Thể tích của đống ủ ở công thức có sử dụng chế phẩm vi sinh giảm mạnh tới trên 30% trong khi ở công thức đối chứng chỉ giảm trên 10%.
Sau 60 ngày ủ, độ ẩm ở công thức 2, công thức 3 tăng cao hơn ở giai đoạn 30 ngày và cũng cao hơn công thức 1, công thức 4. Sau 30 ngày ủ, độ ẩm và hàm lượng chất khô đều đạt tiêu chuẩn đảm bảo cho hoạt động của nấm trong đống ủ.
Công thức bổ sung chế phẩm có hàm lượng nấm cao hơn so với công thức đối chứng, trong 3 công thức bổ sung chế phẩm thì công thức 2 có hàm lượng nấm cao nhất nên hiệu quả phân hủy các chất hữu cơ cao hơn.
Từ cuối năm 2019, Dự án đã chọn 10 hộ sản xuất chè tham gia thực nghiệm áp dụng bón phân hữu cơ được ủ từ chế phẩm vi sinh có nguồn gốc bản địa trong sản xuất chè búp nguyên liệu tại xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên.
Mô hình được xây dựng với 2 ha thí nghiệm, 1 ha đối chứng, áp dụng trên giống chè Bát tiên năng suất bình quân 9,1 tấn/ha/năm. 10 hộ chia thành 2 nhóm: 1 nhóm áp dụng phân bón hữu cơ được ủ từ chế phẩm vi sinh có nguồn gốc bản địa (mô hình thực nghiệm); 1 nhóm áp dụng phương pháp bón phân thông thường theo cách của người dân để so sánh, đánh giá, theo dõi (đối chứng).
Ở mô hình thực nghiệm, để có 9 - 10 tấn sản phẩm chè búp tươi sẽ sử dụng phân bón hữu cơ ủ từ chế phẩm vi sinh có nguồn gốc bản địa là 10 tấn/1 ha/1 năm.
Ở nhóm đối chứng, áp dụng theo cách bón phân thông thường của người dân để có 9 - 10 tấn sản phẩm chè búp tươi sẽ bón 2.500 kg phân NPK/1 ha/1 năm. Kết quả là thời gian bật mầm sau cắt của đối chứng là 15 ngày, mô hình thử nghiệm là 12 ngày; mô hình thử nghiệm sau 10 ngày có chiều cao búp chè cao hơn đối chứng 1,2 cm; thời gian trung bình hoàn thành đợt búp ở mô hình thử nghiệm là 44,4 ngày, đối chứng là 49,5 ngày; mô hình thử nghiệm có màu lá chè xanh thẫm, tỷ lệ búp mù thấp hơn. Mức độ nhiễm sâu bệnh hại trung bình của đối chứng đều cao hơn mô hình thử nghiệm như: bọ xít muỗi, rầy xanh, nhện đỏ, phồng lá, đốm xám.
Ngoài ra, mật độ búp trung bình của mô hình thử nghiệm ở các lứa đều cao hơn đối chứng trung bình 35 búp/m2, trọng lượng búp tăng từ 0,8 - 0,82 g/búp và cao hơn đối chứng trung bình 0,03 g/búp, búp lá mập, phiến lá dày hơn. Theo thống kê, năng suất lý thuyết bình quân năm của mô hình thử nghiệm cao hơn đối chứng từ 1,3 - 1,4 tấn/ha và năng suất thực thu cũng cao hơn 1,4 tấn/năm, tương đương tăng 13,2%.
Dự án "Khai thác nguồn gen nấm bản địa làm chế phẩm vi sinh ủ phân hữu cơ cho cây chè” đã xây dựng được quy trình sản xuất có thể áp dụng để chế tạo chế phẩm vi sinh có nguồn gốc bản địa với giá thành 100.000 đồng/1 kg chế phẩm, 5.000 đồng/1 kg phân bón vi sinh. Qua đó giúp người dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm tăng năng suất, sản lượng chè đồng thời thiết thực sản xuất nông nghiệp xanh, an toàn, bền vững.
Nguyễn Thơm