Các nhà lãnh đạo 9 quốc gia châu Âu nhóm họp tại hội nghị thượng đỉnh biển Bắc tổ chức ngày 24/04 tại thành phố Ostend của Bỉ cho biết, các nước châu Âu đã thống nhất triển khai một dự án tham vọng biến biển Bắc trở thành trang trại điện gió lớn hàng đầu thế giới, đủ khả năng cấp điện cho 300 triệu hộ gia đình tại châu Âu vào giữa thế kỷ này.
Lãnh đạo 7 quốc gia Liên minh châu Âu gồm Bỉ, Hà Lan, Pháp, Đức, Đan Mạch, Luxemburg, CH Ireland cùng 2 quốc gia châu Âu khác nằm quanh biển Bắc là Vương quốc Anh và Na Uy nhóm họp ngày 24/4 tại hội nghị Thượng đỉnh biển Bắc tổ chức ở thành phố ven biển Ostend của Bỉ, với trọng tâm thảo luận là việc nâng cao năng lực sản xuất năng lượng xanh từ nguồn tài nguyên của biển Bắc. Đây là lần thứ 2 hội nghị Thượng đỉnh biển Bắc được tổ chức, sau lần đầu vào năm 2022, khi đó chỉ có 4 quốc gia tham dự là Bỉ, Hà Lan, Đức và Đan Mạch.
Phát biểu tại thượng đỉnh, Thủ tướng nước chủ nhà Bỉ, ông Alexander De Croo khẳng định, an ninh năng lượng đang trở thành vấn đề mang tính sống còn đối với tương lai của châu Âu sau khi nổ ra xung đột tại Ukraine khiến cấu trúc năng lượng dựa nhiều vào nguồn cung khí đốt của Nga bị phá huỷ. Ngoài các lãnh đạo cấp cao châu Âu, hàng trăm doanh nghiệp năng lượng lớn của châu Âu cũng đã tham dự.
Kết thúc thượng đỉnh, một kế hoạch tham vọng đã được thông qua, theo đó các nước châu Âu ven biển Bắc nhất trí quy chuẩn hoá các tiêu chuẩn kỹ thuật, qua đó đẩy nhanh tốc độ xây dựng các trang trại điện gió trên biển Bắc, hướng đến mục tiêu đến năm 2030 sẽ sản xuất được 120 GW điện gió trên biển Bắc, tức gấp gần 5 lần công suất hiện nay. Đến năm 2050, tổng sản lượng điện gió tại biển Bắc sẽ lên đến 300 GW/năm, đủ sức cung cấp điện tiêu dùng cho 300 triệu hộ gia đình tại châu Âu.
Ca ngợi kế hoạch tham vọng của châu Âu nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng lên tiếng cảnh báo châu Âu cần tránh mắc phải sai lầm trong quá khứ với ngành công nghiệp sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời và cần phải dành mọi ưu tiên cho các doanh nghiệp châu Âu, đảm bảo hạ tầng năng lượng xanh tại châu Âu phải do châu Âu sản xuất.
Trong khi đó, bên cạnh việc khẳng định sẽ dùng mọi nguồn lực của châu Âu để hỗ trợ cho các chiến lược công nghiệp xanh của khối, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen cũng cho biết, vấn đề an ninh cho các hạ tầng kinh tế tại biển Bắc sẽ là một yếu tố không thể xem nhẹ, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị lan rộng tại châu Âu.
"Chúng tôi theo dõi tình hình hiện nay hết sức chặt chẽ bởi chúng tôi biết rằng các cơ sở hạ tầng thiết yếu của châu Âu đang bị đe doạ, sau những gì đã diễn ra với vụ phá hoại đường ống Dòng chảy phương Bắc vào năm ngoái. Đó là lí do chúng tôi nâng mức độ chuẩn bị, phản ứng cũng như hợp tác giữa các nước thành viên lên mức độ toàn Liên minh châu Âu”, bà Ursula von der Leyen nói.
(Theo VOV)